Các nhà khoa học pháp y dùng ADN để bắt những kẻ săn trộm tê giác

(Dân trí) - Sử dụng cơ sở dữ liệu ADN đã phần nào giúp giải quyết các vụ săn trộm và buôn lậu sừng tê giác, đồng thời giúp bảo tồn số lượng tê giác còn sống sót ngoài tự nhiên.

Các nhà khoa học pháp y dùng ADN để bắt những kẻ săn trộm tê giác - 1

ADN đang giúp giải quyết một loại hiện trường phạm tội mới – liên kết ADN của sừng tê giác tịch thu từ những kẻ săn trộm và buôn lậu tới những địa điểm tìm thấy xác tê giác bị giết.

Đến nay, Hệ thống Đăng kí ADN Tê giác (RhODIS) đã được sử dụng để kết nối ADN tê giác với hơn 120 vụ phạm tội.

Nhà nghiên cứu Cindy Harper đến từ Đại học Pretoria, Nam Phi cho biết: “ Không như công trình tương tự trong đó cơ sở dữ liệu di truyền cung cấp một gợi ý về nguồn gốc địa lý, RhODIS cung cấp những liên kết riêng lẻ, tương tự như cấu tạo ADN của người, được sử dụng như bằng chứng trực tiếp trong các vụ án hình sự”.

Ở Châu Phi, nhờ những nỗ lực bảo tồn, quần thể tê giác trắng và đen đã dần tăng lên. Loài tê giác trắng sắp bị đe dọa đã tăng từ con số ước tính khoảng 50 - 100 cá thể vào đầu thế kỉ 20 lên khoảng 20.000 con hiện nay, và loài tê giác đen cực kì nguy cấp tăng từ 2.410 cá thể lên khoảng 5.042 - 5.458 vào năm 1995.

Nhưng việc bắt trộm cũng tăng đáng kể kể từ năm 2007. Vào năm 2016, ghi nhận đã có 1.504 con tê giác bị giết ở Nam Phi. Con số đó chiếm khoảng 6% - rất gần với tỉ lệ sinh, tức là kể cả một sự gia tăng nhẹ trong việc giết chóc cũng sẽ gây ra sự sụt giảm tức thì trong số lượng tê giác.

Mặc dù sừng tê giác hoàn toàn không có lợi ích y tế nào, nó vẫn được xem như một phương pháp điều trị ung thư hiệu quả, và nhu cầu sử dụng đã tăng vọt, đặc biệt là tại thị trường đang phát triển của Việt Nam.


Các sản phẩm từ sừng tê giác bị Chính phủ Hồng Kông tịch thu - Ảnh từ US GAO/Wikimedia Commons.

Các sản phẩm từ sừng tê giác bị Chính phủ Hồng Kông tịch thu - Ảnh từ US GAO/Wikimedia Commons.

Cơ sở dữ liệu, được hình thành từ 2010, bao gồm 20.000 mẫu vật – từ những con tê giác sống, từ sừng tê giác bị tịch thu, từ xác tê giác, từ các vết máu và từ những đồ quý hiếm hoặc sừng dạng bột.

Và đội nghiên cứu đã chứng minh rằng nó khá tin cậy để có thể sử dụng trong việc kết nối bằng chứng pháp y với các động vật cụ thể.

Để xác định xác suất của một lần so khớp, họ đã phân tích mẫu gen từ 3.085 cá thể tê giác trắng và 883 cá thể tê giác đen. Họ đã quan sát tần suất các biến thể gen xuất hiện tại những điểm cụ thể trên nhiễm sắc thể. Đó được gọi là tần suất alen, và nó có thể được sử dụng để cho thấy sự đa dạng di truyền trong một loài.

Sự đa dạng di truyền càng cao, thì cơ hội tìm được một cặp ADN trùng hợp càng cao.

Những phát hiện của đội ngũ nghiên cứu cho thấy có thể so khớp ADN của một cá thể tê giác cụ thể với bất kì mô nào, bao gồm vết máu và sừng dạng bột.

Báo cáo của họ đã nêu chi tiết 9 trường hợp được kết luận sử dụng thành công việc so khớp ADN từ cơ sở dữ liệu RhODIS trước tòa. Hầu hết là so khớp sừng với một xác tê giác, nhưng có một trường hợp đã so sánh một mẫu gen thu được từ quần áo của kẻ săn trộm với xác một cá thể tê giác trắng, và một trường hợp khác so sánh vết máu tìm thấy trên thảm của người săn trộm với một cá thể tê giác đen.

Tất cả đều bị kết án tù, với mức án nhẹ nhất là 8 năm tù giam.

Đội nghiên cứu hiện đang tìm cách gia tăng cơ sở dữ liệu và phân tích thêm các mẫu đã có sẵn trong đó.

Harper cho biết: “Nỗ lực này sẽ đảm bảo xa hơn rằng những cá thể tê giác sống sót vẫn khỏe mạnh trong khi những cố gắng ngăn chặn việc buôn lậu động vật hoang dã và tuyên truyền kiến thức người tiêu dùng vẫn đang tiếp tục”.

Lộc Ninh (Theo Science Alert)