Các giải pháp xử lý rác thải bằng công nghệ cao với chi phí thấp

(Dân trí) - Tìm cách xử lý bằng công nghệ mới và có chi phí thấp, trên cơ sở phân tích lượng dữ liệu lớn và có chế tài thích hợp đối với những khu đổ rác thải là những yếu tố chủ chốt đối với việc quản lí thông minh lượng rác thải trong thành phố.

Một số các cuộc nghiên cứu và thử nghiệm đang diễn ra trên khắp Châu Âu, bao gồm các nhà nghiên cứu và nhà chức trách của thành phố cùng tìm kiếm những giải pháp triệt để.

Các giải pháp xử lý rác thải bằng công nghệ cao với chi phí thấp - 1

Thành phố Rotterdam, Hà Lan, đang sử dụng lượng dữ liệu lớn để cải thiện quá trình thu thập phế thải từ giấy và bìa. Trong dự án này, những máy cảm biến kĩ thuật số cho thấy rằng vẫn còn chỗ trống bên trong thùng rác và tìm cách ngăn chặn việc tắc nghẽn. “Chúng tôi bắt đầu từ tháng 3/2015,” Joost van Maaren cho biết, người đứng đầu dự án Thu gom và tái chế rác thải ở Rotterdam. “Hiện tại chúng tôi quản lí khoảng 250 thùng đựng giấy rác. Những phân tích dữ liệu ở thời gian thực cho phép chúng tôi đổ những thùng rác này khi chúng đã đầy 80%.”

Một ví dụ khác đến từ Genoa, Ý, nơi mà các nhà nghiên cứu của dự án Châu Âu R2Cities đã tạo nên một nghiên cứu đầy tính khả thi cho một sáng chế chi phí thấp giúp phân loại rác thải ở một khu nhà chung cư ở ngoại ô thành phố. 1200 cư dân sống trong khu đô thị Lavatrici (còn được biết đến với tên gọi “những máy rửa bát” ở Ý, vì hình dáng đặc trưng của những tòa nhà này).

“Trọng tâm của dự án này là nâng cấp bốn tòa nhà chung cư được xây từ 40 năm trước,” Giorgio Bonvicini cho biết, kĩ sư của dự án đối tác D’Appolonia. “Nhưng sự cải tiến hệ thống xử lí rác thải cũng là một khía cạnh nên xem xét bởi vì nó giúp giảm thải lượng khí CO2 thải ra.” Do thành phố Genoa đã không thể xử lí nổi lượng rác thải trong những năm gần đây, phế thải đã được chuyển đến vùng Piedmont lân cận, làm gia tăng lượng khí thải cacbon.

Ước tính tổng chi phí cho sáng chế này vào khoảng 120,000 Euro, nhưng nó có thể tiết kiệm từ 20 đến 22 nghìn Euro một năm với thời gian thu hồi vốn là sáu năm.

Kế hoạch của dự án bao gồm gia tăng tỉ lệ thu gom rác ở từng nhà lên đến 72%, so với tỉ lệ hiện tại là 30%, và đưa phế thải về các nhà máy rác để tạo doanh thu từ nó. Giai đoạn hai của dự án này là phân phối lượng rác thải hữu cơ đến một khu ủ rác địa phương để giảm chi phí phương tiện và tránh gây ô nhiễm, sau đó dùng những chất thải hữu cơ này cho những khu vực trồng cây xanh trong thành phố.

Bên cạnh những sáng chế công nghệ cao và chi phí thấp để nâng cao tỉ lệ thu gom và tái chế rác thải, cũng rất cần xem xét lại vai trò và đặc điểm của những bãi rác để kết thúc vòng đời của rác thải, trong khi vẫn giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến môi trường.

“Chúng ta không thể nói về một “nền kinh tế quay vòng” nếu ta không hiểu rằng ta cần tạo ra và quản lí những bãi đổ rác một cách đúng đắn và bền vững, bởi vì không có quá trình tự nhiên nào xảy ra mà không để lại rác thải,” Raffaello Cossu cho biết, giáo sư ngành Kĩ sư Môi trường tại Đại học Padua, Italy, và là tổng biên tập tạp chí Quản lí Rác thải.

Trong một bài báo gần đây, ông đã chỉ trích các chế tài của Châu Âu trong lĩnh vực này. “Chỉ thị về các bãi đổ rác không hề đề cập đến vấn đề bền vững đối với môi trường,” ông cho biết, “Không hề nhắc đến việc làm thế nào để những ảnh hưởng lâu dài của bãi rác có thể kết thúc trong vòng một thế hệ. Thêm vào đó, giai đoạn sau khi chôn rác, sau khi đã đóng cửa bãi rác đó, chỉ được nhắc đến trong những thuật ngữ kinh tế.”

Vân Trang (Theo Phys)