Cá đực đang bị “nữ hóa” do hóa chất mà con người thải ra môi trường nước

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đây của Giáo sư Charles Tyler, thuộc Đại học Exeter đã phát hiện ra rằng hóa chất do con người thải ra môi trường nước đang khiến các loài cá đực bị “nữ hóa”.

Cá đực đang bị “nữ hóa” do hóa chất mà con người thải ra môi trường nước - 1

Gần 10 năm sau khi khám phá ra tác động của các loại thuốc con người dùng lên động vật hoang dã như thế nào, các nhà khoa học ngày càng lo ngại hậu quả của hàng ngàn chất thải khác của con người.

Một số chất thải này là từ các quy trình công nghiệp, nhưng một số khác là thuốc được con người uống và thải ra qua nhà vệ sinh.

Giáo sư Charles Tylerđã tham gia vào một nghiên cứu lớn trong năm 2008 cho thấy gần một phần tư loài cá roach fish đực lấy từ 51 địa điểm trên các con sông ở Anh đã có dấu hiệu trở thành cá cái, chẳng hạn như có trứng trong tinh hoàn của chúng.


Các loại thuốc mà con người dùng cũng tác động đến sự biến đổi của cá.

Các loại thuốc mà con người dùng cũng tác động đến sự biến đổi của cá.

Ở một số con sông, tất cả các mẫu đều có xu hướng nữ hóa vì mức độ estrogen cao – chất được sử dụng cùng với progestin trong thuốc tránh thai để ngăn ngừa rụng trứng và cũng có mặt trong các loại thuốc khác.

Ngoài ra, nhiều hóa chất khác còn có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau của cá, bao gồm gan, tim và não.

Giáo sư Tyler chia sẻ với The Independent: "Nếu bạn nhìn vào những gì đã xâm nhập vào gan hoặc tuyến sinh dục cá, thì sẽ thấy phân tích hóa chất chứa trong nó là một bản thiết kế chi tiết về những gì chúng ta đã cho ra trong nhà vệ sinh. Chúng ta bắt đầu không chỉ tạo ra những ảnh hưởng đối với giới tính mà còn ảnh hưởng đến các quá trình sinh lý khác của cá”.

Con người sử dụng hàng ngàn hóa chất và ảnh hưởng của chúng đối với thế giới tự nhiên vẫn còn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, đã có khoảng 200 kết quả cho thấy sự nữ hóa ở cá. Điều này có thể ngăn chặn con đực sinh sản thành công.

Giáo sư Tyler nói: "Chúng thật sự bị tổn thương và gặp khó khăn để di truyền gene". Ông cảnh báo những tác động như vậy không thực sự giết chết cá nhưng có thể làm giảm “dân số” của chúng theo thời gian.

Giáo sư Tyler phát biểu thêm: "Không nghi ngờ gì khi tại một số khu vực trên thế giới, một số hoạt động của chúng ta, bao gồm cả hoạt động cho ra chất thải hóa chất, thậm chí gây ra sự tuyệt chủng địa phương… Nếu chúng ta có đủ bằng chứng cho thấy tác động của chúng đến dân số loài nào đó, có lẽ chúng ta cần chủ động hơn trong việc hạn chế... hoặc cấm các loại hóa chất này”.

Khánh Duy (Theo The Independent)