Bỏ lỡ cơ hội để ngăn biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đã cho thấy chúng ta đã bỏ lỡ một thời điểm sẽ không bao giờ trở lại để ngăn việc nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C.

Con số 1,5 độ C là “mục tiêu đã được nới rộng” bởi các nước đã ký Thỏa ước Paris vào cuối tháng 12/2015, nhưng chúng ta thật sự đã bị nhỡ mốc này.

Bỏ lỡ cơ hội để ngăn biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn - 1

Cuộc đua hiện tại là để hạn chế thiệt hại khi khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên 2 độ C, bằng cách chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo, nhưng những dấu hiệu phía trước cho thấy khả năng này có vẻ như cũng không lớn.

Các nhà nghiên cứu do nhóm nghiên cứu thuộc Viện Quốc tế về Ứng dụng Phân tích Hệ thống (IIASA) ở Áo dẫn đầu đã xem xét các bản cam kết được đệ trình bởi 195 quốc gia ký vào Thỏa ước Paris năm 2015 và tính toán mức độ nóng lên của toàn cầu có thể đến mức nào.

Họ cho rằng có vẻ như chúng ta đang ở trong tiến tình nhiệt độ tăng từ 2,6 độ C đến 3,1 độ C vào cuối thế kỷ này, với điều kiện kế hoạch cắt giảm khí nhà kính từ nay đến năm 2030 và vẫn được tiếp tục kéo dài trong 70 năm tiếp theo.

Những hy vọng về việc hạn chế nhiệt độ tăng thêm 1,5 độ C vào năm 2100 đã biến mất, trong khi ngưỡng 2 độ C cũng đang bị đe dọa nếu các quốc gia không hứa sẽ cắt giảm việc sử dụng các-bon của họ hơn nữa.

Niklas Höhne – đến từ Đại học Wageningen, Hà Lan - một thành viên trong nhóm nghiên cứu giải thích: Để đi được hết phần còn lại của quãng đường, chúng ta cần giả định nhiều hành động nghiêm ngặt hơn nữa sau năm 2030, dẫn đến giảm phát thải toàn cầu khoảng 3-4% mỗi năm. Nhưng trong thực tế, việc chuyển đổi để mang lại mức cắt giảm nghiêm ngặt như vậy sau năm 2030 là một thách thức và đòi hỏi thời gian. Điều đó có nghĩa là, để đảm bảo có thể đạt được mục tiêu này, các nước cần có nhiều hành động đáng kể hơn từ trước năm 2030”.

Chúng ta hãy hy vọng báo cáo này chỉ là một cảnh báo. Như nhà khoa học Maddie Stone của Gizmodo đã chỉ ra, khi nhiệt độ tăng lên 3 độ C thì tương ứng với mực nước biển sẽ tăng khoảng 6m (20 feet) và dẫn đến hàng trăm triệu người sẽ phải di chuyển nhà.

Những quốc gia thấp hơn mặt nước biển có trách nhiệm phải đảm bảo rằng con số 1,5 độ C được đưa vào trong Thỏa ước Paris, nhưng có vẻ như hy vọng của họ đã tan tành. Trong thực tế, chúng ta có thể sớm đạt đến con số đó từ 2017, chứ đừng nói là có thể giữ đến năm 2100.

Thỏa ước Paris không chỉ ra rằng các nước cần cải thiện các mục tiêu của họ sau năm 2020, nhưng những nghiên cứu mới cho biết những cải tiến này sẽ phải “đáng kể” mới có thể tránh làm nhiệt độ tăng hơn 2 độ C.

Nhóm đứng sau nghiên cứu này cũng kêu gọi các quốc gia cần đưa ra các mục tiêu giảm phát thải cụ thể hơn trong những năm tới, vì những phạm vi không chắc chắn trong thỏa ước có thể làm tăng thêm một lượng ước tính khoảng 6 tỷ tấn CO2 – bằng toàn bộ số các-bon do Mỹ thải ra trong năm 2012. Chúng ta cần phải có những hành động quyết liệt ngay từ bây giờ - hoặc sẽ phải đối mặt với hậu quả.

Anh Thư (Theo Sciencealert)