Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi các quá trình của hệ sinh thái

(Dân trí) - Hầu hết các nghiên cứu về biến đổi khí hậu trên toàn cầu đều nỗ lực dự báo những gì sẽ xảy ra với Trái đất trong tương lai khi nhiệt độ tăng.

Một nghiên cứu mới với sự cộng tác của các nhà sinh thái và nhà sinh học bảo tồn cho thấy, biến đổi khí hậu toàn cầu đã tác động đến mọi khía cạnh của sự sống trên Trái đất từ các gen cho đến toàn bộ hệ sinh thái. Nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Science.

Nhóm nghiên cứu đứng đầu là các nhà khoa học tại Trường Đại học Florida và có sự tham gia của các cộng sự tại Trường Đại học Hong Kong, đã chứng minh trong tổng số 94 quá trình sinh thái được đánh giá trên toàn cầu, có 82% quá trình sinh thái chịu tác động của biến đổi khí hậu. Các hệ sinh thái đất, nước ngọt và biển cũng như các loài đều bị ảnh hưởng. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến con người có thể là sự gia tăng dịch hại và bùng phát dịch bệnh cho đến những thay đổi khó lường trong ngành thủy sản và sản lượng nông nghiệp giảm.

Nghiên cứu đã được công bố vào thời điểm quan trọng vì nó thể hiện sự cần thiết phải lập kế hoạch thiết thực để thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực vào ngày 4/11/2016. Hiệp định Paris lần đầu tiên đánh dấu sự thống nhất giữa chính phủ các nước về các giới hạn ràng buộc để duy trì sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với mức của thời tiền công nghiệp. Hiệp định này được xem là quá chậm trễ vì ngày 9/11/2016, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WHO) đã thông báo giai đoạn 2011-2015 là 5 năm nóng kỷ lục với nhiệt độ năm 2015 đạt mức đỉnh điểm.

TS. Brett Scheffers tại Trường Đại học Florida, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi hiện có bằng chứng cho thấy, nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng thêm khoảng 1 độ C thì cũng gây tác động lớn đến các hệ thống tự nhiên. Các gen đang biến đổi, sinh lý loài và các đặc trưng vật lý như kích thước cơ thể thay đổi và các loài đang di chuyển. Chúng tôi đã xác định được những dấu hiệu rõ nét thể hiện áp lực mà các hệ sinh thái đang phải chịu để thích ứng với biến đổi khí hậu trên đất liền và ở đại dương".


Giáo sư David Dudgeon, một đồng tác giả của nghiên cứu.

Giáo sư David Dudgeon, một đồng tác giả của nghiên cứu.

"Báo cáo nghiên cứu nêu rõ có kẻ thắng, người thua trong bối cảnh nóng lên toàn cầu: phạm vi địa lý của một số loài đã mở rộng, trong khi đối với các loài khác, phạm vi này lại bị thu hẹp. Việc xác định thời gian sinh sản và các sự kiện theo mùa khác đã thay đổi", GS. David Dudgeon, đồng tác giả nghiên cứu đến từ Trường Khoa học sinh học tại Đại học Hồng Kông nói.

Nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng đối với Hồng Kông. Theo GS. Dudgeon, các loài đặc hữu ở Hồng Kông sẽ có ít cơ hội thay đổi phạm vi để thích ứng với biến đổi khí hậu. Cá thiên đường Hồng Kông và cóc chân ngắn là những ví dụ về các loài không thể điều chỉnh phạm vi của chúng, do tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ ở những nơi chúng hiện đang sinh sống. Nếu các điều kiện sống thay đổi, chúng sẽ phải thích nghi hoặc bị diệt vong.

Sa giông Hồng Kông chỉ sinh sản trong những tháng lạnh nhất của năm, cũng sẽ có khả năng trở thành nạn nhân của tình trạng nóng lên toàn cầu. Lý do là vì trong tương lai, nhiệt độ mùa đông có thể không đủ để loài vốn đang bị đe dọa trên toàn cầu này sinh sản. Các động vật trên đỉnh núi như ếch gai khổng lồ, chủ yếu sinh sống trong các dòng suối gần đỉnh núi Tai Mo Shan và dễ bị tuyệt chủng trên toàn cầu, sẽ không có chỗ nào để di cư khi khí hậu ấm lên.

GS. Dudgeon đã đưa ra kết luận: Biến đổi khí hậu đã xảy ra và đang làm thay đổi các quá trình sinh thái và các hệ thống tự nhiên ở khắp nơi. Do vậy, con người cần hành động mạnh mẽ hơn để hạn chế phát thải cácbon và ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ cao hơn.

N.P.D-NASATI (Theo Eurekalert)