Bà bầu có chế độ dinh dưỡng nghèo nàn sẽ khiến tim của trẻ lão hóa sớm

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đã cho thấy những em bé được sinh ra từ những bà mẹ mỏng manh yếu ớt không được ăn đầy đủ thức ăn cần thiết cho sức khỏe và sự phát triển trong thời kỳ mang thai có nhiều khả năng dễ bị lão hóa tim sớm.

Điều này là có căn cứ vào một nghiên cứu mới nhằm tìm kiếm mối liên hệ giữa khẩu phần ăn của khỉ đầu chó mang thai với sức khỏe tim của các con khỉ con. Công trình nghiên cứu này thuộc nhóm nghiên cứu đa ngành do Tiến sĩ Geoffrey Clarke, Trung tâm khoa học y tế - Trường Đại học Texas và Tiến sĩ Peter Nathanielsz , Trường Đại học Wyoming đứng đầu đã được công bố trên tạp chí The Journal of Physiology số ra gần đây.

Hình ảnh tim của những đứa con của những bà mẹ có chế độ dinh dưỡng nghèo nàn trong thời kỳ mang thai cho thấy có hình dạng hình cầu hơn so với nhóm đối chứng. Nguồn: TS.Peter Nathanielsz và TS.Geoffrey Clarke
Hình ảnh tim của những đứa con của những bà mẹ có chế độ dinh dưỡng nghèo nàn trong thời kỳ mang thai cho thấy có hình dạng hình cầu hơn so với nhóm đối chứng. Nguồn: TS.Peter Nathanielsz và TS.Geoffrey Clarke

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện thấy việc giảm nhẹ khẩu phần ăn của các bà mẹ có thể tác động đến tốc độ lão hóa tim của những đứa con. Bằng chứng là việc tích lũy dinh dưỡng từ khẩu phần ăn bị giới hạn có thể tạo ra các vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển cấu trúc và chức năng các cơ quan nội tạng đặc biệt là tim. Điều này làm cho đứa trẻ dễ có khả năng mắc các chứng bệnh mạn tính trong cuộc sống sau này như đột quỵ và tim mạch.

Các nhà nghiên cứu đã lựa chọn mô hình nghiên cứu tim của khỉ đầu chó do phần lớn rất giống với quá trình phát triển và lão hóa ở người. Họ đã sử dụng thiết bị máy quét cổng hưởng từ MRI để nghiên cứu cấu trúc và chức năng tim những con khỉ con đực và cái của khỉ mẹ đầu chó có khẩu phần chế độ ăn ít hơn 30% so với khỉ mẹ đầu chó có chế độ ăn thông thường. Kết quả cho thấy những con khỉ con của khỉ mẹ đầu chó có chế độ ăn ít hơn có dấu hiệu suy giảm chức năng tim dẫn đến lão hóa và trong khoảng 5 năm đầu đời, tương đương với trẻ 12 năm tuổi ở người, cấu trúc và chức năng tim của khỉ con bị suy giảm đáng kể.

Các nhà khoa học mô tả những ảnh hưởng này giống như những vấn đề xảy ra với một chiếc xe ô tô được chế tạo từ các bộ phận máy móc và linh kiện sản xuất không tốt và bản thiết kế tồi. Cho nên chiếc xe này không thể chạy nhanh, trơn tru và bền như những chiếc xe tương đương được chế tạo bằng vật liệu tốt và nghiêm chỉnh. Tương tự, những bà mẹ có chế độ dinh dưỡng nghèo nàn trong thời kỳ mang thai sẽ không đủ dinh dưỡng cung cấp cho em bé khiến các cơ quan nội tạng của em bé có biểu hiện dễ mắc bệnh và lão hóa sớm.

Nghiên cứu cho thấy vấn đề này có thể tác động lớn đến chỉ số phát triển của con người ở những nước phát triển cũng như các nước đang phát triển. Từ việc bị hạn chế khẩu phần ăn mà những con khỉ cái mang thai phải chịu đựng, chúng ta có thể mường tượng đến những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở các nước phát triển, đặc biệt là phụ nữ trong những gia đình phải vật lộn kiếm đủ ăn.

Mới đây, Tổ chức cứu tế lương thực The Trussell Trust đã phát hiện thấy có hơn 1 trong 5 bà bầu ở Anh phải đối mặt với nghèo đói và phải vật lộn kiếm sống để nuôi con cái của họ.

Những biến đổi ở tim có thể khiến người bệnh bị giảm chất lượng sống, giảm khả năng tập luyện thể dục và tăng khả năng dễ bị tổn thương dẫn đến mắc các căn bệnh như tiểu đường và cao huyết áp. Do đó việc hiểu rõ những ảnh hưởng của dinh dưỡng cho bà bầu lên quá trình lão hóa của trẻ sơ sinh sẽ cho phép chúng ta có biện pháp can thiệp sớm để có thể ngăn chặn các vấn đề liên quan đến tim trong cuộc sống sau này.

Theo Tiến sĩ Peter Nathanielsz, Giám đốc Trung tâm Y tế Wyoming - Đại học Wyoming cho biết: “Sức khỏe người phụ nữ trong thời kỳ mang thai là một trong những nền tảng cơ bản rất quan trọng đối với sức khỏe suốt cuộc đời trẻ. Do đó, xã hội nên chú ý cung cấp dinh dưỡng cho người phụ nữ trước và trong thời kỳ mang thai để có thể ngăn ngừa những nguy cơ tiềm ẩn có hại cho trẻ”.

P.T.T-NASATI (Theo Medicalxpress)