9 đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018

(Dân trí) - Bộ KH&CN cho biết, từ 54 hồ sơ đăng ký tham gia Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018, Hội đồng khoa học 8 ngành khoa học tự nhiên Quỹ Nafosted đã đánh giá, thẩm định và chọn ra 9 hồ sơ vào chung kết, trong đó có 7 giải thưởng chính và 2 giải thưởng phụ.

So với 5 lần tổ chức giải thưởng Tạ Quang Bửu trước, năm nay số lượng các nhà khoa học được đề cử nhiều nhất và nghiên cứu ở hầu hết mọi lĩnh vực khoa học tự nhiên mà Quỹ Nafosted tài trợ: toán học, vật lý, hóa học, khoa học trái đất và môi trường, y sinh dược học, khoa học nông nghiệp…


Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017.

Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017.

Bảy đề cử giải thưởng chính tập trung vào những gương mặt mới và phần lớn có độ tuổi thấp hơn so với những năm trước.

1. PGS. TSKH. Nguyễn Thiệu Huy (toán học), làm việc tại Viện Toán ứng dụng và Tin học - trường Đại học Bách khoa Hà Nội với công trình “Periodic motions of Stokes and Navier-Stokes flows around a rotating obstacle” xuất bản tại Archive for Rational Mechanics and Analysis.

2. TS. Trần Đình Phong (vật lý), làm việc tại Khoa Công nghệ nano trường đại học Khoa học công nghệ Hà Nội với công trình “Coordination polymer structure and revisited hydrogen evolution catalytic mechanism for amorphous molybdenum sulfide” xuất bản trên Nature Materials, 15, 640-646.

3. TS. Nguyễn Thị Lệ Thu (hóa học), làm việc tại trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh với công trình “Healable shape-memory (thio) urethane thermosets” xuất bản trên Polymer Chemistry.

4. TS. Nguyễn Thanh Tuấn (khoa học trái đất và môi trường), làm việc tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam với công trình “Design of a GIS and multi-criteria based land evaluation procedure for sustainable land-use planning at the regional level” trên tạp chí Agriculture, Ecosystems and Environment.

5. PGS. TS. Phạm Văn Hùng (sinh học nông nghiệp) làm việc tại trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh với công trình “In vitro digestibility and in vivo glucose response of native and physically modified rice starches varying amylose contents” trên tạp chí Food Chemistry.

6. PGS. TS. Nguyễn Văn Nhờ (khoa học công nghệ và kỹ thuật) làm việc tại trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh với công trình “A Reduced Switching Loss PWM Strategy to Eliminate Common-Mode Voltage in Multilevel Inverters” trên IEEE Transactions on Power Electronics.

7. TS. Ngô Tất Trung (y sinh dược học) làm việc tại Khoa Sinh học phân tử Bệnh viện trung ương Quân đội 108 với công trình “Enrichment of bacterial DNA for the diagnosis of blood stream infections” xuất bản trên BMC Infectious Disease.

Hai đề cử giải trẻ - giải thưởng dành cho các nhà khoa học dưới 35 tuổi thuộc về các nhà khoa học:

TS. Đỗ Quốc Tuấn (vật lý) trường đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN với công trình “Higher dimensional nonlinear massive gravity” trên Physical Review D.

TS. Trương Vũ Thanh (hóa học) trường đại học Bách khoa TPHCM, ĐHQGTHCM với công trình “An azobenzene-containing metal–organic framework as an efficient heterogeneous catalyst for direct amidation of benzoic acids: synthesis of bioactive compounds” xuất bản trên Chemical Communication.

Hội đồng Giải thưởng sẽ làm việc, xem xét và đề xuất nhà khoa học đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 vào cuối tháng 4/2018. Theo điều lệ, giải thưởng Tạ Quang Bửu hằng năm sẽ được trao cho tối đa ba tác giả chính và một tác giả trẻ (dưới 35 tuổi) là nhà khoa học có công trình xuất sắc ở tầm quốc tế. Lễ trao Giải thưởng dự kiến được tổ chức vào dịp ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5/2018 tại Hà Nội.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu do Bộ KH&CN tổ chức hằng năm, nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có kết quả công bố xuất sắc trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Giải thưởng góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và khoa học công nghệ Việt Nam nói chung tiếp cận trình độ quốc tế, tạo tiền đề cho khoa học và công nghệ của đất nước hội nhập và phát triển. Được tổ chức lần đầu vào năm 2014, đến nay Giải thưởng đã thu hút được sự quan tâm, đánh giá tích cực của các nhà quản lý và cộng đồng khoa học.

S.H