Gặp sinh viên xuất sắc nhất ĐH Xây dựng năm 2013

(Dân trí) -Giải thưởng CSC trị giá 5.000 USD (tương đương 105 triệu đồng) là thành tích mới nhất mà Nguyễn Thị Thủy-sinh viên lớp 55QĐ2, khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng ĐH Xây dựng. Cũng bởi sức học “đáng nể” mà Thủy được bạn bè trong lớp ưu ái dành cho biệt danh “Thủy trâu”.

Giải thưởng CSC do công ty Cotana Group phối hợp với Trường ĐH Xây dựng tổ chức. Khởi động từ năm 2011, giải thưởng CSC được trao hàng năm cho 1 sinh viên Trường ĐH Xây dựng có kết quả học tập và nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất. Nguyễn Thị Thủy là sinh viên thứ ba của ĐH Xây dựng nhận giải thưởng này.
“Trong việc học, Thủy rất chăm chỉ và hầu hết các môn học Thủy đều đạt điểm A (tính theo điểm tín chỉ). Đến các thầy cô khó tính đều hài lòng với kết quả bài thi của Thủy” - một bạn trong lớp nhận xét về “Thủy trâu”. 
Cô sinh viên có sức học “đáng nể” Nguyễn Thị Thủy.
Cô sinh viên có sức học “đáng nể” Nguyễn Thị Thủy (sinh viên năm thứ 4, Trường ĐH Xây dựng).

Nữ sinh đầy nghị lực

Sinh năm 1992, Nguyễn Thị Thủy là con gái đầu trong một gia đình nông dân ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, em gái Thủy hiện đang học trung cấp y tại Hà Nội. Từ ngày em gái xuống thủ đô học thì số tiền mà bố mẹ gửi cho hai chị em lại tăng lên. Thủy rất thương bố mẹ và tự hứa sẽ cố gắng học thật giỏi để bố mẹ vui lòng.

“Thời gian mới xuống Hà Nội học, mình thấy nhớ nhà lắm. Vẫn hay khóc suốt. Nhưng nghĩ đến bố mẹ vất vả ở quê nên mình có thêm động lực để học tập và rèn luyện” - Thủy tâm sự.

Những năm đầu, Thủy dành thời gian đi làm gia sư để kiếm thêm tiền thu nhập trang trải cho cuộc sống. Vừa đi làm thêm, Thủy cũng vừa chăm lo việc học của mình. Trong 3 năm vừa qua, điểm tích lũy học tập của Thủy đạt 3.74. Riêng năm học 2012 - 2013, Thủy đạt điểm học tập là 3.87; giải Nhì nghiên cứu khoa học cấp trường. Với những kết quả đó, Thủy đã hai lần giành giải thưởng Đỗ Quốc Sam - giải thưởng của Trường ĐH Xây dựng dành cho những sinh viên có kết quả học tập cao.

Song song với việc học, Thủy còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện của khoa, trường  tổ chức.

Dù là con gái, biết theo nghề Xây dựng là vất vả nhưng ngành Xây dựng dường như đã trở thành một niềm đam mê của Thủy. Cô sinh viên xuất sắc tâm sự: “Thi vào ĐH Xây dựng, mình cũng muốn thử thách chính bản thân mình đối với công việc mà cần tới nam nhiều hơn nữ này. Đi thực tập, các cô chú công nhân giao việc gì mình đều làm hết. Từ việc dọn dẹp các phòng sau thi công, thu phòng mẫu, bốc gạch mình đều không ngại”.

Bí quyết để học tập tốt

Chia sẻ về những kinh nghiệm để có thể học tập tốt trong môi trường đại học, Thủy cho rằng điều đầu tiên cần đến là sự chăm chỉ. Thứ nữa là cần có phương pháp học tập đúng đắn. “Khi tiếp cận với những môn mới còn bỡ ngỡ, ở trên lớp người học cần cố gắng nghe các thầy cô giáo giảng. Với những vấn đề mình chưa thể hiểu được ngay thì về nhà nên xem lại. Mỗi ngày như vậy sẽ dành từ hai đến 3 tiếng cho việc học. Không nên để đến lúc thi mới xem lại. Vì thông thường, thời gian ôn thi khá ngắn, chỉ tầm khoảng ít ngày thì người học không thể ôm đồm hết được. Cố gắng nên học mỗi ngày một ít thì đến lúc ôn thi sẽ nhanh hơn”.
 
Video sinh viên Nguyễn Thị Thủy chia sẻ bí quyết học tập:
 

Bên cạnh đó, Thủy cũng cho rằng, phương pháp học nhóm rất cần thiết cho mỗi sinh viên.

“Mình nghĩ trong quá trình học, mỗi sinh viên nên cố gắng trao đổi bài với bạn bè. Bởi có những vấn đề trong bài học mà mình đinh ninh là đúng nhưng thực chất không phải. Bạn bè sẽ phát hiện, chỉ ra chỗ sai để giúp mình phát triển hơn” - Thủy tâm sự.

Chia sẻ một vài bí quyết cho những bạn thường xuyên phải làm đồ án, Thủy cho rằng các sinh viên nên hỏi kinh nghiệm của các anh chị đi trước, học trong những cuốn hướng dẫn làm đồ án và những chỗ nào không hiểu thì có thể hỏi thầy và hỏi bạn. Đặc biệt, bảo vệ đồ án là phần quan trọng nhất. Mỗi người nên tập thuyết trình trước với bạn bè và đưa ra những câu hỏi “vặn vẹo” để có thể hiểu sâu hơn về vấn đề mình đang trình bày.

Nói về dự định sắp tới, Thủy cho biết sẽ tiếp tục duy trì việc học trên lớp và tương lai không xa, cô sẽ cố gắng tìm kiếm một suất học bổng để có thể đi du học ở nước ngoài. Mong muốn của Thủy là sẽ được làm giảng viên tại ngôi trường mà mình đang theo học.

Bùi Thủy