Xe khách “vô hiệu” dữ liệu giám sát để vi phạm giao thông

(Dân trí) - Việc bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình (GSHT) là để quản lý chặt chẽ hoạt động của phương tiện vận tải và đảm bảo an toàn giao thông, tuy nhiên tình trạng lái xe khách tìm cách đối phó và cố tình “vô hiệu” dữ liệu khi để vi phạm ngày càng tăng.

Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) - cho biết: Cả nước hiện có trên 80% xe ô tô kinh doanh vận tải đã được lắp thiết bị GSHT. Thông qua hệ thống này, cơ quan quản lý và chủ doanh nghiệp có thể kiểm soát, chấn chỉnh những lái xe chạy không đúng lộ trình, dừng đỗ và bắt trả khách dọc đường hay vi phạm tốc độ.

Tuy nhiên, theo ông Huyện, số lượng phương tiện đối phó với quy định ngày càng gia tăng. Cụ thể, trong tháng 3/2017, bình quân có gần 75% tổng số phương tiện truyền dữ liệu về hệ thống của Tổng cục ĐBVN. Có 10/63 tỉnh thành phố có nhiều phương tiện không truyền dữ liệu về Tổng cục ĐBVN, điều này khiến cơ quan quản lý Nhà nước không kiểm soát được lái xe vi phạm.

Xe khách dừng đỗ để đón trả khách dọc đường, vi phạm giao thông
Xe khách dừng đỗ để đón trả khách dọc đường, vi phạm giao thông

Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho hay, 10 địa phương có nhiều phương tiện không truyền dữ liệu gồm: Quảng Trị, Quảng Ngãi, Hà Nội, Quảng Ninh, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ; Bắc Ninh. Đáng nói, phương tiện của 7 địa phương trong 3 tháng liên tiếp “cắt” dữ liệu về hệ thống giám sát hành trình quốc gia là Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ.

Về tình hình vi phạm tốc độ xe chạy của các địa phương, trong tháng 3/2017, cả nước có tổng số hơn 6,5 triệu lần vi phạm quá tốc độ.

Ông Huyện cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2017, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý vi phạm đối với gần 4.700 phương tiện.

Liên quan đến tình trạng xe khách vi phạm quy định về thiết bị GSHT, cố tình “vô hiệu” dữ liệu GSHT để vi phạm giao thông, Tổng cục ĐBVN vừa có văn bản đề nghị các Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác theo dõi, giám sát và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định.

Đặc biệt, đối với 10 địa phương có tỉ lệ phương tiện không truyền dữ liệu cao nhất cần tăng cường theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở đối. Các đơn vị kinh doanh vận tải, Sở Giao thông vận tải phải có biện pháp và liên hệ ngay với đơn vị cung cấp thiết bị để khắc phục và truyền dữ liệu đầy đủ, kịp thời về Tổng cục ĐBVN theo quy định, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời đối với các trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải đã yêu cầu khắc phục nhưng đơn vị cung cấp thiết bị và dịch vụ GSHT không thực hiện.

Ngoài ra, Tổng cục này đề nghị kiểm tra chuyên đề về truyền dữ liệu và thời gian lái xe liên tục; xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành. Kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh đối với các đơn vị kinh doanh vận tải có nhiều vi phạm khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị GSHT...

Châu Như Quỳnh