Taxi truyền thống với phi truyền thống:

Thay đổi để tồn tại và phát triển

Kể từ khi làn sóng “xe taxi” công nghệ du nhập vào thị trường Việt Nam cũng là lúc nổ ra nhiều cuộc tranh luận, đánh giá, phân tích diễn ra trên nhiều phương diện để so sánh giữa loại hình dịch vụ này với taxi truyền thống…

Thậm chí, cơ quan Nhà nước đã có nhiều sự thay đổi về chính sách, quy định để đáp ứng và điều chỉnh phù hợp với xu thế phát triển này. Và theo nhiều chuyên gia đầu ngành, trong xu thế hội nhập mạnh mẽ hiện nay, loại hình dịch vụ truyền thống cần phải thay đổi để đáp ứng với yêu cầu thực tế đặt ra.

Cái gì lạc hậu tự khắc bị loại bỏ!

Nói về loại hình taxi truyền thống với dịch vụ gọi xe bằng ứng dụng công nghệ hiện nay, tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong xu thế phát triển kinh tế thị trường và ứng dụng các tiến bộ khoa học mạnh mẽ hiện nay, việc du nhập một loại hình kinh doanh mới luôn có sự khác biệt, mới mẻ và tiến bộ hơn. Điều này cũng sẽ gây ra nhiều bàn cãi, tranh luận, phân tích, đánh giá dưới nhiều góc độ, quan điểm khác nhau trong việc so sánh giữa loại hình mới với cũ.

Theo tiến sĩ Hiển, rõ ràng, việc du nhập loại hình dịch vụ gọi xe qua ứng dụng công nghệ là xu hướng tất yếu và đáng được hoan nghênh, vì nó sẽ kích thích và tạo chất xúc tác cho việc phát triển theo hướng tiến bộ đối với loại hình dịch vụ vận tải công cộng, cụ thể là sự thay đổi của taxi truyền thống.

Thay đổi để tồn tại và phát triển - 1

Để chứng minh điều này, tiến sĩ Hiển phân tích, rõ ràng Chính phủ cùng các Bộ, ngành liên quan hiểu rõ và thấy được lợi ích của loại hình phi truyền thống này mang lại khi cho phép Grab Việt Nam thí điểm hoạt động tại 5 tỉnh, thành phố lớn trong cả nước.

Trước hết, nó tận dụng tối đa thời gian nhàn rỗi của người và xe cộ để đem lại lợi ích cho cá nhân lẫn nền kinh tế, tạo công ăn việc làm nhiều hơn, xe cộ chất lượng hơn. Đặc biệt, với công nghệ mới, loại hình này đã đánh đúng vào xu thế sử dụng các thiết bị công nghệ hay Smartphone phổ biển hiện nay. Người dân chỉ cần cài đặt công nghệ của nhà cung cấp dịch vụ và vài thao tác nhỏ trên điện thoại là có thể gọi xe. Đồng thời, biết được các thông tin liên quan như tài xế, loại xe, biển số xe, giá cước, quảng đường, thời gian di chuyển…

Qua đây có thể thấy, số lượng xe Grab gia tăng không phải do nhà nước cho phép mà sử dụng những xe có sẵn, giảm thiểu ô tô cá nhân. “Trong thời đại phát triển và hội nhập hiện nay, việc ứng dụng công nghệ hiện đại là yếu tố sống còn, đặc biệt đối với loại hình dịch vụ phục vụ cho di chuyển. Nếu loại hình này không kịp thay đổi và lạc hậu thì tự khắc sẽ bị loại bỏ như một quy luật hiển nhiên”, tiến sĩ Hiển khẳng định.

Tương tự, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho hay, sau khi Nhà nước cho phép Grab hoạt động thì ngay lập tức nó đã chứng tỏ là loại hình kinh doanh tiên tiến, dùng công nghệ để tiếp cận và phục vụ khách bằng dịch vụ công khai, minh bạch từ khâu đặt xe đến tính tiền cước. Có thể khẳng định, Grab thực sự đã được công chúng đón nhận và khẳng định chổ đứng.

Trao đổi với phóng viên, tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho hay, taxi công nghệ cũng chỉ là sản phẩm của cuộc cách mạng công nghệ hiện nay. Khách hàng có nhu cầu thì nhà cung cấp dịch vụ đáp ứng bằng cách thông qua chiếc điện thoại di động đã cài phần mềm ứng dụng. Khách hàng không phải chờ đợi lâu, xe sạch đẹp, tài xế lại vui vẻ, lịch sự, tiền cước được biết trước và rẻ hơn nhiều so với truyền thống.

Đặc biệt, sau khi sử dụng xong dịch vụ có thể nhận xét đánh giá thái độ phục vụ. Rõ ràng, yếu tố quyết định thành công ở đây là luôn coi khách hàng là “thượng đế”.

Phải thay đổi mới… “sống”

Bàn về xu thế phát triển, tiến sĩ Phạm Sanh cho rằng, trong nền kinh tế thị trường đã kinh doanh là phải có cạnh tranh, cạnh tranh thường thông qua giá, thời gian, chất lượng phục vụ và tính linh hoạt. Như vậy, nếu Grab tính giá cước rẻ hơn taxi truyền thống cũng là chuyện bình thường, do hiệu suất xe có khách cao hơn và dịch vụ tốt hơn. Taxi truyền thống cần phải có sự thay đổi để bắt kịp với xu thế phát triển chung và đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân.

Thay đổi để tồn tại và phát triển - 2

Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó trưởng phòng quản lý vận tải (Sở GT-VT TP HCM) cho hay, thực tế, có thể thấy, sự xuất hiện của “taxi” Grab đã khiến các doanh nghiệp taxi truyền thống có sự chuyển biến tích cực trong việc tự nâng cao chất lượng. Rõ ràng, khi một loại hình dịch vụ vận tải với các ứng dụng và tính năng hiện đại thì cơ quan nhà nước hoàn toàn ủng hộ chủ trương cách làm và hoạt động theo khuôn khổ quy định liên quan.

Liên quan tới việc taxi truyền thống phản đối phi truyền thống áp dụng mức giá cước thấp, đặc biệt là các hình thức khuyến mại, theo luật sư Thái Văn Chung, Giám đốc Hãng luật Nguyên Giáp (Hội luật gia TP Hồ Chí Minh), đây là xe hợp đồng không phải như taxi truyền thống nên không thuộc phạm vi của Luật quản lý giá. “Cơ quan Nhà nước cần bàn bạc nghiêm túc và thực sự cầu thị để đưa ra hướng phát triển hài hòa và phù hợp đối với cả hai loại hình nhằm bảo vệ lợi ích chung của xã hội và người tiêu dùng".

Trong chiến lược cạnh tranh giá với đối thủ, Grab liên tục đưa ra những lựa chọn tiết kiệm cho khách hàng như GrabCar Siêu Rẻ. Đây là một thử nghiệm thể hiện quyết tâm tìm kiếm những giải pháp di chuyển tiết kiệm nhất cho hành khách, góp phần kích cầu và thể hiện cam kết về việc cung cấp ứng dụng công nghệ làm nền tảng cho di chuyển văn minh, tiết kiệm cho các nhu cầu đa dạng của người dân.

Đồng tình với quan điểm này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia TP Hồ Chí Minh đề nghị, các đơn vị vận tải phải thay đổi cách quản lý. Trong cách ứng xử với các mô hình kinh doanh mới, rất ít quốc gia đưa ra quyết định cấm hay từ chối, mà phải làm sao để người dân được hưởng lợi và doanh nghiệp cần phải thay đổi để thích nghi, hội nhập với quốc tế.

Hai mô hình kinh taxi truyền thống và phi truyền thống là khác nhau nên khó áp dụng theo cùng một cách quản lý. Nếu dịch vụ vận tải mới giảm chi phí, giảm giá thành và có lợi cho người tiêu dùng thì cần khuyến khích phát triển.

Hà Phạm