Xót lòng thăm học sinh vùng cao ngày cuối năm

(Dân trí) - Lên vùng cao Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa vào những ngày cuối năm, thăm những ngôi trường nằm giữa đại ngàn heo hút gió, nhìn những đứa trẻ chân trần đến lớp tìm con chữ giữa trời đông giá rét mà chúng tôi không khỏi xót xa…

Nơi miền sơn cước này, hàng ngày các em nhỏ phải chống chọi với cái lạnh cắt da, cắt thịt, đến trường trên những bước chân trần nuôi con chữ. Ghé thăm Trường THCS Thanh Lâm (huyện Như Thanh, Thanh Hóa) vào một buổi trưa ngày cuối năm, khi giờ học đã tan, tôi nghẹn lòng khi bắt gặp một nhóm học sinh ngồi ăn chung một gói mì tôm sống. Hỏi ra mới biết các em học hai buổi nhưng nhà xa, đường khó đi nên phải ở lại. Bữa ăn trưa chỉ là một gói mì tôm lót dạ cho cả 4 đứa trẻ. Nhìn em nào, em nấy run bắn lên vì lạnh, răng va lập cập vào nhau. Khi được hỏi "Sao các em ăn mặc mỏng manh thế?", các em đồng thanh trả lời hồn nhiên: "Lạnh lắm ạ, nhưng nhà cháu nghèo không có tiền mua áo ấm".

Xót lòng thăm học sinh vùng cao ngày cuối năm    - 1
Nhiều em phải cuốc bộ hàng km mới đến được trường học.

Suốt cả mùa đông lạnh giá, nhưng nhiều em chỉ có một vài bộ quần áo mỏng manh, nhà nào khấm khá thì sắm cho con em được một chiếc áo ấm, còn không phải chịu lạnh, chịu rét đến trường. Thế nhưng, khát khao tìm con chữ khiến các em quên cả đói, quên cả rét.

Xót lòng thăm học sinh vùng cao ngày cuối năm    - 2
Nhiều học sinh nơi đây vì nhà xa, điều kiện khó khăn nên phải ăn mì tôm vào buổi trưa.

Được biết, ngôi trường THCS Thanh Lâm hiện có gần 70 HS phải học hai buổi và đều ở lại buổi trưa vì nhà các em quá xa, đường sá đi lại khó khăn. "Những em nào nghỉ lại buổi trưa để chiều học tiếp sẽ được các thầy cô trong trường cho mượn nồi, bát đũa để có thể nấu cơm, nấu nước ăn mì tôm. Tuy nhiên phần thì các em không có tiền, phần thì ngại nên những học sinh này thường ăn mì tôm sống, ăn linh tinh hoặc nhịn đói", một thầy giáo tâm sự.

Chúng tôi tiếp tục đến thăm lớp học của trường Mầm non Thanh Phong, xã Thanh Phong đúng vào giờ các cháu đang ăn bữa trưa. Khẩu phần ăn đa phần chỉ toàn rau, một ít đậu phụ. Các cô ở trường cho biết, mỗi ngày các cháu được ăn hai bữa trị giá 10 ngàn đồng. Những khuôn mặt còn lấm lem, ánh mắt ngây thơ ngơ ngác nhìn khi chúng tôi lại gần trò chuyện.

Xót lòng thăm học sinh vùng cao ngày cuối năm    - 3

Xót lòng thăm học sinh vùng cao ngày cuối năm    - 4
Dù còn đó nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng các em vẫn đam mê học hành.

Qua thôn Sơn Thuỷ, xã Tân Bình, một thôn nhỏ nằm trong vùng lõi của vườn quốc gia Bến En, chúng tôi bắt gặp những đứa trẻ phải chèo thuyền mới tới được trường học. Nơi đây mặc dù là huyện vùng cao, ấy thế mà do mực nước hồ sông Mực lên cao, vì thế năm nào cũng vậy cứ từ tháng 7 cho đến tháng 3 năm sau là người dân và HS muốn đi lại phải chèo đò.

"Mục sở thị" khu Rộc Lối, thuộc thôn Sơn Thuỷ, khu dân cư nhỏ này có 20 hộ dân sinh sống, nhưng đã mấy chục năm qua họ giao lưu, thông thương với thế giới bên ngoài đều bằng chiếc thuyền nan bé nhỏ. Đời sống của họ cũng cực khổ, chìm nổi theo con nước vậy.

Bà Lô Thị Nguyên, Bí thư chi bộ thôn Sơn Thuỷ thở dài: "Cuộc sống của người dân nơi đây khổ đủ đường, thương nhất là các em nhỏ, hôm nào các cháu cũng phải 2 lần chèo thuyền qua hồ để đến trường, cả thôn hiện có gần 20 cháu đang tuổi cắp sách đến trường, nhiều hôm bố mẹ bận đi làm không đưa đón được, nên nhiều cháu phải tự chèo thuyền qua hồ để về nhà, rất nguy hiểm".

Cũng đã có nhiều lần học sinh bị chìm đò, rất may là chưa có trường hợp đáng tiếc xảy ra. Người dân nơi đây vẫn chưa quên, vào năm 2009, bác Vi Văn Thức đi đò đón 3 cháu nhỏ đi học về, lúc vừa chèo thuyền ra được nửa sông thì thuyền quá tải, chòng chành rồi chìm nghỉm, may thay hôm ấy có mấy người đi làm về, thấy vậy liền lao xuống cứu sống được 3 cháu nhỏ.

Xót lòng thăm học sinh vùng cao ngày cuối năm    - 5
Nhiều em phải đi thuyền thúng đến trường.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước đây khu Rộc Lối đất đai rất màu mỡ, người dân nơi đây không phải đi làm ăn tứ phương. Nhưng kể từ khi đập sông Mực hình thành (1978), rồi Vườn quốc gia Bến En ra đời, những mảnh đất màu mỡ trước đây bị nhấn chìm trong biển nước, đất đai còn lại thì được cắt vào vườn quốc gia, thành thử người dân không còn đất sản xuất, cuộc sống từ đấy bị đảo lộn, khó khăn bủa vây cư dân nơi đây.

Nguyễn Thùy - Duy Tuyên