Xin đừng “quay lưng” lại “Hai không”!

(Dân trí) - Vì “Hai không”, số học sinh yếu kém tăng. Nhờ “Hai không”, số học sinh bỏ học giảm. Đâu là ý nghĩa thực sự của sự tồn tại cuộc vận động "Hai không"?

Không thể không mất mát!

Khi cuộc vận động "Hai không" với sức nóng chưa từng có lan tỏa trong ngành giáo dục bắt đầu vào tháng 7 năm 2006, không khí dạy và học trong toàn ngành đã sôi sục, rộn rã và đầy hứng khởi bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ của học và dạy thực chất.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên thực hiện "Hai không" có thể được xem là một chiến công vang dội đầu tiên của cuộc vận động này. Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã thể hiện một niềm tự hào không giấu giếm. Trong lá thư gửi các thầy cô giáo nhân ngày 20/11/2007, ông đã viết: "Ngành giáo dục thật vui, khi đã bắt đầu làm được lời hứa với Đảng, Chính phủ và nhân dân: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".

Nhưng đến hết học kỳ I năm học 2007-2008, con số học sinh (HS) yếu kém, bỏ học đã dồn dập báo về từ nhiều địa phương. Nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học Nguyễn Kế Hào đã phải lên tiếng rất mạnh mẽ về tình trạng này và ông gọi đó là sự tiềm ẩn nạn trẻ em thất học.

Ông Hào phân tích: Những "Lệnh" thiếu chuẩn phát đi từ Bộ, được truyền từ cấp trên xuống cấp dưới, rồi đến từng giáo viên. Năm học 2002-2003, đó là lệnh phải cho HS lớp 1, lớp 2, lớp 3 lên lớp 100%". Từ đó đã dẫn đến tình trạng nhiều trẻ em học hết năm học lớp 1 chưa đọc được, chưa viết được mà vẫn phải lên lớp, các bậc cha mẹ thương con đã xin cho con học lưu ban cũng không được...

Nhưng đến năm 2006 lại có lệnh mới - lệnh "Chống ngồi nhầm lớp". Thế là ngay năm học đó, số HS lưu ban bỏ học gia tăng, HS khá giỏi giảm rõ rệt. Trong tình thế này các trường đạt thành tích về sự dũng cảm dám nhìn thẳng vào sự thật, còn trẻ em đã thành những nạn nhân...".

Tuy nhiên, đó chỉ là nhận định riêng của ông Nguyễn Kế Hào. Nếu nhìn thẳng thắn vào thực tế thì "cuộc chiến" giành lại kỷ cương dạy và học theo tinh thần của cuộc vận động "Hai không" là điều vô cùng đáng quý và cần thiết cho ngành giáo dục. Và như mọi cuộc chiến, cuộc chiến "Hai không" cũng có những mất mát riêng của nó, quan trọng là sự dũng cảm của những người đã khởi xướng "cuộc chiến."

Cần lắm sự dũng cảm!

Nếu như trong những ngày đầu còn hân hoan với không khí "chiến thắng" bởi chất lượng dạy và học đã dần đi đến thực chất biểu hiện qua số HS yếu kém tăng, người đứng đầu ngành giáo dục đã rất thẳng thắn nhìn nhận: "Suy cho cùng thì trách nhiệm lớn nhất của thực tế chất lượng yếu kém này thuộc về ngành giáo dục trong nhiều năm qua và hôm nay.

Tổng số HS bỏ học trong các năm (nguồn: Bộ GD- ĐT)

Năm học

2003 – 2004

2004 – 2005

2005 - 2006

2006 – 2007

Học kỳ I năm học 2007 - 2008

Số HS bỏ học

580.511

679.485

625.157

186.600

106.228

Không chỉ ở lớp 12, mà ở tất cả các lớp dưới, nguy cơ chất lượng thật thấp hơn điểm số cũng rất lớn. Nếu các em sắp vào lớp 6, lớp 10 mà không đủ năng lực thật của lớp 5 và lớp 9, rất có thể các em sẽ không học được lớp 6, lớp 10 và cả các năm sau của mỗi cấp."

Thì đến nay, khi trong dư luận "bỏng rát" vì tình trạng HS yếu kém, bỏ học hàng loạt, ngành giáo dục dường như đã không còn dũng khí để nhìn thẳng vào sự thật khi đưa ra những nhận định kém mạnh mẽ hơn nhiều. Cùng đó, cũng là "Hai không" mà những ảnh hưởng của nó đến đời sống dạy và học lại trái ngược nhau đến không ngờ.

Trong cuộc họp báo ngày hôm qua 12/3, khi nhận định về tình trạng HS bỏ học hiện nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định không có gì là đột biến so với những năm học trước.

Ông Nhân cũng cho rằng các yếu tố góp phần giảm số lượng HS bỏ học là: Kết quả của công cuộc xóa đói giảm nghèo làm cho các gia đình có đời sống khá hơn nên áp lực phải nghỉ học do nghèo quá giảm đi. Ngày càng có nhiều trường lớp mới được thành lập, rút ngắn khoảng cách từ nhà đến trường của trẻ, nhất là vùng miền núi, khó khăn. Đồng thời, nhu cầu lao động có văn hóa cao hơn trong xã hội tăng lên, các khu công nghiệp cũng tuyển dụng ưu tiên người tốt nghiệp THPT. Toàn ngành chỉ đạo các thầy cô rà soát, phân loại để có kế họach hỗ trợ thêm cho HS diện yếu kém...

Lần này, khi nhắc đến cuộc vận động "Hai không", ông nhậnđịnh cuộc vận động này đã thúc đẩy hơn truyền thống hiếu học của dân tộc, lôi kéo sự tham gia nhiều hơn của chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội đối với việc học tập của trẻ em..... Nhưng, trong một chừng mực nào đó, cuộc vận động "Hai không'' đi vào thực tế đã khiến cho việc thi cử không dễ dàng như trước, một số HS không vượt qua được.

Bộ GD- ĐT cũng bố một loạt các con số của những năm trước, từ năm 2002 đến năm 2006, năm nào con số bỏ học cũng trên dưới nửa triệu HS. Một điều dễ nhận thấy là đương nhiên trong những năm đó, HS bỏ học không phải vì lý do siết chặt chất lượng....

Rõ ràng, nếu ngành giáo dục không thừa nhận nguyên nhân HS bỏ học vì "Hai không", điều đó cũng gần như là đồng nghĩa với việc phủ nhận những tác động của cuộc vận động này trong sự nghiệp giáo dục trong suốt hai năm qua.

Mai Minh