Xin đừng buông tay con trẻ!

(Dân trí) - Dạo gần đây báo chí nói nhiều đến khó khăn của phụ huynh trong việc giáo dục con trẻ. Bố mẹ dễ dàng đánh giá một đứa trẻ là “hư” và tự nhận mình bất lực trong cách dạy con. Nhiều bố mẹ còn buông xuôi, đẩy trách nhiệm giáo dục sang cho nhà trường hoặc các trung tâm tư vấn tâm lí, các lớp học kĩ năng sống.

Tuy nhiên, nền tảng giáo dục một con người phải bắt nguồn từ cái nôi là gia đình. Khi bố mẹ buông tay giáo dục con, chẳng khác gì bố mẹ đã đẩy con trẻ vào hố sâu của những sai lầm nối tiếp sai lầm. Không có một đứa trẻ nào hoàn toàn xấu xa, hoàn toàn cá biệt và không thể dạy được. Có chăng mỗi người bố người mẹ cần nhìn nhận lại cách giáo dục con cái lâu nay của mình.

Một quan niệm vẫn luôn ăn sâu trong tư tưởng của người Việt là “Cá không ăn muối cá ươn…” hay “Áo mặc không qua khỏi đầu” nên không ít bố mẹ vẫn dạy con theo hướng áp đặt, gia trưởng. Luôn luôn cho mình là đúng, lời nói của mình là mệnh lệnh và mọi khuôn khổ, nề nếp trong gia đình đều phải tuân theo. Sự nghiêm khắc trong cách dạy con là điều cần thiết nhưng không có nghĩa là loại trừ hoàn toàn quyền được nói của con cái.

Thực tế là chúng ta vẫn bắt gặp những đứa trẻ thật sự sợ bố mẹ, nhất nhất nghe lời bố mẹ. Nhưng giữa bố mẹ và con vẫn luôn tồn tại một khoảng cách vô hình khó lấp đầy của sự gần gũi, yêu thương. Rồi có cả những đứa trẻ bỗng “nổi loạn” vượt ra khỏi vòng đè nén, kìm kẹp một cách công khai hoặc ngấm ngầm. Lúc đó bố mẹ bỗng giật mình, sững sờ thốt lên: “Tôi mất con thật rồi!” bởi tiếng nói đồng cảm, sẻ chia giữa hai thế hệ đã tắt từ lâu, chẳng thể khơi mào.

Bên cạnh đó là sự nuông chiều thái quá của bố mẹ dành cho con trẻ cũng nhen nhóm lên thái độ sống có phần ích kỉ, vô tâm của con. Yêu thương con, lo cho con một cuộc sống đủ đầy là tâm nguyện đáng quí của bậc sinh thành. Nhưng không phải là cho con một cuộc sống vật chất dư thừa, trải “thảm hoa” cho từng bước chân con mà quên mất cần phải giáo dục con biết giá trị của lao động, biết quan tâm, sẻ chia với mọi người xung quanh.

Nếu quen được nuông chiều và luôn xem mình là nhất, con trẻ rất dễ rơi vào căn bệnh tự mãn, kiêu ngạo và càng lớn thì cái tôi của con lớn dần. Mọi lời nói uốn nắn của bố mẹ chỉ như “nước đổ lá khoai”. Đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên với những biến động tâm sinh lí phức tạp. Các con luôn muốn thể hiện mình, muốn khẳng định bản thân nên nhiều bố mẹ thấy vậy cứ qui vào tội: ngang bướng, khó bảo, mất dạy.

Một phương pháp giáo dục con hoàn toàn sai lầm chính là dùng đòn roi để uốn nắn con nên người. Chúng ta dễ dàng bắt gặp xung quanh mình hình ảnh những đứa trẻ bị bố mẹ đánh, mắng đến mức lì đòn, trơ lì cảm xúc. Lúc đó, mọi lời la mắng, đánh đập của bố mẹ đều vô tác dụng và việc giáo dục được “giao khoán” hoàn toàn cho nhà trường, cho thầy cô. Nhưng thầy cô làm thế nào có thể dạy được những đứa trẻ ngỗ nghịch mà chính phụ huynh đã khẳng định: “Tôi bất lực với nó rồi!”?

Khi thừa nhận mình bất lực trước con, buông xuôi hoàn toàn trong cách dạy con, bố mẹ đã vô tình đẩy con cái xa dần vòng tay của mình hơn. Mất điểm tựa, thiếu định hướng, các con càng dễ dàng sa ngã hơn. Nên chẳng mỗi phụ huynh hãy thử thay đổi chính mình, thay đổi phương pháp dạy con lâu nay?

Hãy lắng nghe con nói nhiều hơn! Thực tế đã chứng minh rằng những đứa trẻ thành công là những đứa con được quyền nói trước bố mẹ và được bố mẹ tôn trọng ý kiến cá nhân của mình. Thay vì đánh mắng con khi con không nghe lời, hãy kìm nén cơn giận để bình tĩnh nghe trẻ nói lí do vì sao không thích làm điều ấy. Thay vì lao vào làm việc để chu cấp cho trẻ đủ đầy, hãy dành thời gian lắng nghe con kể chuyện trường lớp, bạn bè, đón đầu những nguy cơ tiềm ẩn và định hướng những cách ứng xử phù hợp. Thay vì lôi con ra đánh đập, mắng chửi vì con đánh bạn, hãy nghe trẻ giãi bày mọi nguyên nhân, phân tích đúng sai và cùng tìm kiếm giải pháp phù hợp nhất…

Hãy làm bạn với con! Nghe thì có vẻ khó nhưng thật sự cần thiết trong cuộc sống hiện đại này, khi mà trẻ càng có nhiều cơ hội tiếp xúc với cuộc sống muôn màu bên ngoài thì càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đánh mất bản thân, lệch lạc về giá trị sống. Cùng con trò chuyện cởi mở về các vấn đề giới tính, cùng con bàn luận sôi nổi về một bộ phim đang “hot” hay một trào lưu mới của giới trẻ, cùng con xem các clip bạo lực học đường và khéo léo gợi mở suy nghĩ của con về tác hại không lường của bạo lực… Trong các cuộc chuyện trò ấy, hãy phân tích thấu đáo mọi vấn đề, trẻ sẽ xác định được điều gì là tốt cho bản thân và có các kĩ năng cần thiết để tránh xa cái xấu.

Dạy con là cả một quá trình dài, cần lắm tính kiên trì, bền bỉ và sự khéo léo, tinh tế của bố mẹ. Hạnh phúc thật tròn đầy khi ta có một đứa con ngoan. Nhưng nếu có một đứa con chưa ngoan, ta buộc phải kiên trì và khéo léo gấp đôi. Dù thế nào cũng xin đừng buông tay con trẻ!

Thùy Mai