“Xin cô cho cháu được ở lại lớp…”

(Dân trí) - Nếu như phụ huynh có quyền ý kiến, không phải ai cũng muốn con mình năm nào cũng lên lớp, lúc nào cũng hoàn thành chương trình. Có lẽ sẽ có một số người sẽ mạnh dạn thưa: “Xin cô cho cháu ở lại lớp…”.

Tôi có đứa cháu đang là học sinh lớp 1. Cô bé rất đáng yêu nhưng hơi chậm trong việc học. Giọng nói có phần ngượng nghịu nên cháu rất ngại đọc. Và nhận mặt chữ chậm, đọc yếu hơn so với các bạn là điều tất yếu. Các bài tập điền vào chỗ trống trong môn Tiếng Việt cháu làm thường mắc lỗi. Mỗi khi hướng dẫn con học, cháu làm phép tính môn Toán lắm lúc làm bố mẹ tức giận vì những phép tính đơn giản mà tính mãi vẫn sai. Biết sức con mình học yếu, hai vợ chồng ra sức kèm cặp và cháu có sự tiến bộ phần nào.

Đánh giá về con gái mình, hai vợ chồng luôn lo lắng không đạt được điểm trung bình và đã tính sẵn chuyện cho cháu học lại một năm lớp 1. “Chậm mà chắc vẫn hơn!” là câu nói chắc như đinh đóng cột của phụ huynh khi nhận ra sự yếu kém của con gái mình. Điều đáng ngạc nhiên là vừa xong cuộc họp phụ huynh cuối năm, người bố vội vã về nhà thông báo con mình làm bài thi khá, được lên lớp. Có thể là “học tài thi phận”, biết đâu cháu đã nỗ lực hết sức và tiến bộ thật sự trong những bài thi cuối kì? Tuy nhiên, có thể khẳng định: Niềm vui vì con hoàn thành khá chương trình lớp 1 và nỗi lo về sự đuối sức của con khi lên lớp 2 đã song hành cùng nhau.

Nỗi trăn trở của phụ huynh không phải không có căn cứ. Theo tôi đó là những người sáng suốt nhìn nhận, đánh giá về con đúng thực chất và suy nghĩ cùng dự định cho con học lại một năm lớp 1 đáng trân trọng. Nhưng hẳn là điều ấy sẽ khó thành hiện thực trong hoàn cảnh thực tế của ngành giáo dục hôm nay.

Việc thực hiện Thông tư 30 với qui định bỏ chấm điểm thay vào đó là nhận xét, đánh giá học sinh tiểu học đang để lại nhiều “kẽ hở”. Những con số chỉ tiêu chất lượng mà cấp trên “dội” về đang khiến giáo viên chịu nhiều áp lực. Và đó chính là mầm mống của căn bệnh thành tích.

Học sinh tiểu học “ồ ạt” hoàn thành chương trình, “bội thực” hoàn thành tốt và xuất sắc nhưng thực tế là vẫn có học sinh đọc không thông - viết không thạo. Học sinh trung học thi lại thì lẻ tẻ và hầu như các em đều ỷ rằng mình sẽ được thầy cô “gạ” đề sẵn và “vô tư” lên lớp thôi…

Phải chăng thành tích trong các trường hiện nay gặt hái có phần dễ dàng hơn khi mà số lượng học sinh khá giỏi luôn là những tỉ lệ ngang ngửa số học sinh trung bình - yếu - kém? Những bản báo cáo thành tích của các trường luôn “lung linh” với những con số chất lượng cao về học lực, hạnh kiểm nhưng thực tế lại nhiều học sinh “thiếu hụt” văn hóa?

Nếu như phụ huynh có quyền ý kiến, không phải ai cũng muốn con mình năm nào cũng lên lớp, lúc nào cũng hoàn thành chương trình. Có lẽ sẽ có một số người sẽ mạnh dạn thưa: “Xin cô cho cháu ở lại lớp…”.

Ngọc Hùng