Vừa quản lý chuyên môn vừa biên soạn sách tham khảo

(Dân trí) - Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 8/4 tại Bộ GD-ĐT, nhiều phóng viên đã chất vấn lãnh đạo Bộ GD-ĐT, tại sao Phó Vụ trưởng Vụ THPT Bộ GD-ĐT Nguyễn Hải Châu là chủ biên của nhiều bộ sách tham khảo cấp THPT, trong khi đó ông là người quản lý chuyên môn.

Vừa quản lý chuyên môn vừa biên soạn sách tham khảo - 1
Hiện nay tại thị trường có nhiều sách tham khảo ôn thi tốt nghiệp THPT.

 

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố môn thi tốt nghiệp THPT 2010 thì trên thị trường xuất hiện hàng chục đầu sách tham khảo phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp khiến phụ huynh và học sinh bối rối, không biết chọn loại sách nào cho phù hợp.

Một thực tế mà dư luận băn khoăn là phần lớn sách tham khảo (từ Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật Lý, Hóa...) này đều do ông Nguyễn Hải Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, làm chủ biên. Như vậy ông Châu vừa là người quản lý chuyên môn lại tham gia biên soạn sách tham khảo cho học sinh, không những thế lại là nhiều bộ sách thuộc các lĩnh vực khác nhau, thuộc nhiều nhà xuất bản khác nhau.

Trả lời câu hỏi phóng viên là “Bộ có biết việc này không? Chủ trương của Bộ về việc một cán bộ tham gia làm sách như thế nào?”, ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ THPT giải thích: Công văn số 6631 năm 2008 của Bộ GD-ĐT có nói rõ thế nào là sách tham khảo, sách nâng cao. Bộ không có chủ trương giao cho bất kỳ cá nhân nào viết sách tham khảo cả. Đây là do đơn vị in sách đã mời ông Châu làm chủ biên. Họ đã làm đúng theo Luật Xuất bản. Vấn đề này mang tính cá nhân nên Bộ không can thiệp. Ngoài ra, Bộ đã có văn bản hướng dẫn ôn thi cho các em học sinh, tất cả nằm trong chương trình lớp 12. Học sinh, giáo viên cũng có thể chọn sách tham khảo phù hợp với bản thân.

Ông Chuẩn cũng cho biết, lâu nay, nhiều người nhầm tưởng tài liệu tham khảo là giới hạn chương trình, đặc biệt là tài liệu tham khảo đứng tên người của Bộ GD-ĐT. Điều đó hoàn toàn không đúng. Bộ không có giới hạn chương trình. Cấu trúc đề thi năm nay nằm trong chương trình giáo dục THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.

Để việc ôn thi tốt nghiệp có hiệu quả, Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ đạo các trường, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với giáo viên bộ môn cùng nhau ngồi lại, phân tích trình độ của học sinh để đưa ra những lời khuyên, cách ôn thi, lịch trình ôn thi phù hợp với từng đối tượng. Đây là cách làm sát với thực tiễn và nhiều trường đã và đang thực hiện rất có hiệu quả.

Ông Chuẩn cũng cho hay, cơ quan quản lý chuyên môn là Bộ GD-ĐT nhưng cơ quan làm đề thi là Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng đào tạo. Và danh sách người tham gia đề thi không có cán bộ làm chủ biên sách giáo khoa.

Bộ cũng yêu cầu nhà trường phải chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn kiểm định lại chất lượng, trình độ của học sinh để ôn thi cho các em mà không cần bất kỳ loại sách tham khảo nào cũng như không có giới hạn chương trình ôn thi.

Ông Chuẩn cũng khẳng định: Bộ không có yêu cầu nào khuyên học sinh dùng sách tham khảo. Học sinh đừng nên nghĩ sách này có tác dụng trong kỳ thi sắp tới. Còn theo quy định của Luật Xuất bản, người biên soạn được nơi viết sách lựa chọn làm chủ biên và chất lượng do chính người sử dụng đánh giá.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, có thể trong bộ có một hoặc nhiều người tên Nguyễn Hải Châu. Một người là tác giả của nhiều đầu sách không vi phạm Luật Xuất bản nhưng không nên làm như vậy.

“Nếu là cán bộ của bộ thì phải dành nhiều thời gian cho công việc chuyên môn, tránh hiểu lầm là bộ làm sách để bắt mua. Bộ sẽ tìm hiểu và rút kinh nghiệm trong cơ quan” - bà Nghĩa cho hay.

Hồng Hạnh (ghi)