Vì sao Sử, Địa khó đạt điểm cao?

(Dân trí) - Ngoài môn Văn thì hai môn còn lại của khối C là Lịch sử và Địa lý đều được đánh giá là hai môn tương đối dễ so với các môn khác trong 4 khối A, B, C, D. Tuy nhiên, thí sinh vẫn khó thể đạt được điểm cao đối với hai môn này. Vì sao?

Sử và Địa là hai môn thi thường có phần lý thuyết chiếm tới gần 70%, trong khi tỷ lệ này ở các môn thi khác chiếm chưa tới 30%. Yếu tố tâm lý, tinh thần tự giác khi thi hai môn Sử, Địa cũng giữ vai trò quyết định trong việc có giúp thí sinh giành được kết quả cao hay không.

Theo điều tra của Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) thì phần lớn thí sinh dự thi hai môn Sử, Địa luôn có tâm trạng... nhấp nhổm không yên vì phải “đấu tranh” tư tưởng trong việc có nên dùng tài liệu hay không!

Làm thế nào để thoát khỏi nỗi ám ảnh về “phao” đối với hai môn thi rất cần “phao” này quả thật là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, nếu nắm được những  bí quyết dưới đây, Sử, Địa sẽ trở thành hai môn vừa an toàn, vừa rất dễ “kiếm điểm”:

Đối với môn Sử:

1. Hãy biết hệ thống hóa kiến thức cho dễ nhớ bằng cách tạo cẩm nang học riêng cho mình bằng bảng tóm tắt  những sự kiện, soạn dàn ý cho mỗi bài học hoặc làm phép so sánh giữa những bài có cấu tạo gần giống nhau.

2. Học theo các sự kiện quan trọng. Để nhớ những mốc thời gian nhỏ trong toàn chương trình, học sinh cần học theo các sự kiện quan trọng, bằng các khung sự kiện với nội dung bao gồm: nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa. Nắm khung giúp nhớ có hệ thống và nhớ lâu, dễ trả lời những câu hỏi tổng hợp.

3. Phải biết suy luận. Bài làm môn lịch sử cần đi thẳng vào vấn đề, không viết rông dài, dẫn đến lạc đề. Hãy đọc kỹ đề bài, hiểu rõ câu hỏi và thiết kế những kiến thức đã học theo ý đồ của câu hỏi, đừng bắt câu hỏi phải đi theo kiến thức có sẵn của mình. Muốn thế, học sinh phải học cách suy luận từ nền tảng của những vấn đề mà mình đã được học và biết chọn ra những chi tiết, sự kiện lịch sử nào để chứng minh, giải thích theo yêu cầu của đề bài.

4. Không được phép học theo kiểu nhớ mang máng. Môn Sử là một môn tuyệt đối kỵ với các khái niệm mù mờ. Ví dụ không được nhớ nhầm "Mặt trận dân tộc thống nhất" thành "Mặt trận thống nhất dân tộc". Không được viết lẫn lộn giữa những chữ "đấu tranh", "chiến đấu", "khởi nghĩa"…

3 lý do khiến thí sinh không đạt kết quả cao môn Sử:

Theo PGS.TS Vũ Quang Hiển, khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, cho rằng đề thi Lịch sử thường có khả năng phân loại rộng. Như trong năm 2006, kết quả môn Sử của thí sinh có dải điểm phân cách từ 0,0 đến 8,5; trong đó, khoảng 15-20% điểm khá, giỏi. Thí sinh không đạt kết quả cao môn Sử vì những lý do sau đây:

1. Không xác định đúng yêu cầu của đề bài.

2. Do vội vàng, thiếu sự phân tích đề bài trước khi làm, dẫn đến lạc đề.

3. Do học vẹt, học gạo. Đề thi môn Sử đòi hỏi HS không những học thuộc các sự kiện lịch sử theo kiểu biên niên, phải nhớ từng ngày tháng thật chi tiết, mà phải hiểu được nội dung các sự kiện và quá trình lịch sử. Song do học vẹt, học gạo nên HS thiếu sự hiểu biết kiến thức cơ bản nên cũng không đạt yêu cầu đề ra.

 

Đối với môn Địa:

1. Không cần phải nhớ hết số liệu: Thay vì phải nhớ hết số liệu trong chương trình, HS hãy học cách đọc và hiều quyển Atlat. Đây là quyển sách đã có đầy đủ các biểu đồ, các số liệu và thí sinh được phép sử dụng trong phòng thi.

Việc tiếp thu quyển Atlat của HS dễ dàng hơn nhiều so với việc phải học thuộc lòng. Từ nội dung Atlat có thể làm thành một bài lý thuyết cho yêu cầu câu hỏi đã đặt ra.

Tuy nhiên HS cũng phải lưu ý các đề thi thường yêu cầu HS vừa dựa vào kiến thức trong quyển Atlat, vừa dựa vào kiến thức trong SGK. Nếu chỉ học ôn quyển Atlat thì cũng không đủ.

2. Đừng học thuộc lòng: Hãy học theo cách nhớ ý, hãy nắm bắt từ ý chính rồi đến ý phụ, ý cơ bản rồi ý mở rộng và học theo hệ thống chương, bài, mục. Sau đó, cần đặc biệt lưu tâm đến cấu trúc bài học. Một dạng bài nào đó thường có cấu trúc giống nhau và khái quát lên thành dạng bài thì sẽ dễ dàng hơn nhiều cho việc tiếp thu.

Địa lý là môn nằm giữa ranh giới các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Để học tốt môn Địa lý, yêu cầu học sinh phải hiểu chứ không chỉ thuộc lòng.

3. Phải biết phân tích, chọn lọc: HS cần chú ý kỹ năng xây dựng biểu đồ, xử lý, nhận xét các số liệu. Khi phân tích, HS phải học cách phân tích tổng hòa của các yếu tố trong mối liên hệ tổng thể giữa các hiện tượng địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế xã hội thì làm bài mới có kết quả cao.

Đối với số liệu, thí sinh phải trả lời các câu hỏi sau truớc khi phân tích: Số liệu ấy nói lên điều gì? Những biến động của các dãy số liệu phản ánh điều gì? Tại sao lại có diễn biến như thế?

4. Phải rèn luyện tư duy địa lý: HS cần hiểu các mối quan hệ của địa lý kinh tế - xã hội. Có như thế mới trả lời đúng vấn đề. Tư duy địa lý thể hiện trong việc đánh giá của HS trong việc nêu ra  các mối quan hệ giữa tự nhiên và kinh tế, giữa tự nhiên và xã hội, giữa kinh tế và xã hội.. để thấy được sự ràng buộc giữa các mối quan hệ đó.

Cấu trúc một đề thi Địa lý:

 

Trong đề thi ĐH môn Địa lý thường có nhiều câu hỏi nhỏ nằm rải rác trong toàn bài. Đề thi bao giờ cũng gồm có 2 phần.

 

* Phần thứ nhất là phần bắt buộc và thường có 2 câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất thường là bài tập thực hành, vẽ hoặc xây dựng biểu đồ, sau đó kết hợp nhận xét và phân tích một biểu đồ địa lý kinh tế. Phần này có cơ cấu từ 3 - 3,5 điểm. Câu thứ hai, phân tích để rút ra nhận định từ một bản số liệu. Phần này được 5 điểm.

 

* Phần thứ hai là phần tự chọn (HS chọn 1 trong 2 đề để làm bài). Trong đó, có một đề sẽ có một câu lý thuyết (yêu cầu HS sử dụng nội dung của kiến thức sách giáo khoa để làm bài). Đối với phần này có cơ cấu điểm từ 1,5 - 2 điểm.

M.M (tổng hợp)

Dòng sự kiện: Tư vấn thi các môn