Vì sao Hà Nội tạm dừng tuyển viên chức giáo viên?

Với hơn 2.000 trường học, Hà Nội hiện đang thiếu gần 10.000 giáo viên (GV) và nhân viên. Thế nhưng trong năm 2018, TP lại tạm dừng tuyển viên chức GV.

Dù có lý do là để thực hiện tinh giản biên chế theo hướng tự chủ tài chính từng phần, tiến tới tự chủ tài chính toàn phần, song việc này khiến nhiều người trong nghề băn khoăn: Liệu có ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học?

Giáo viên lo lắng

Thông tin Hà Nội tạm dừng tuyển viên chức GV khiến không ít GV hợp đồng lo lắng cho "số phận” của mình. “Tôi đã dạy hợp đồng gần 10 năm nay, năm nào cũng trông chờ tuyển dụng biên chế, nhưng vẫn chưa có. Giờ Hà Nội lại tạm dừng tuyển viên chức GV, không biết đến khi nào mới có cơ hội thi tuyển để ổn định công việc. Nếu chính sách không rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của những GV hợp đồng như tôi” - chị Nguyễn Thái Hà - giáo viên dạy THCS tại quận Đống Đa cho biết. Đây cũng nỗi lo của hàng trăm GV hợp đồng khác.


Giáo viên tiếng Anh tại trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy. (Ảnh: Phạm Hùng)

Giáo viên tiếng Anh tại trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy. (Ảnh: Phạm Hùng)

Theo thống kê của Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ Hà Nội thì hiện tại, TP đang thiếu hơn 9.800 GV và nhân viên trong ngành giáo dục. Nhiều hiệu trưởng các trường ở Hà Nội cũng phản ánh tình trạng thiếu GV tiếng Anh, tin học bậc tiểu học. Đặc biệt khi áp dụng chương trình phổ thông mới, thì với mức tính định biên GV hiện nay sẽ không phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy. Bà Nguyễn Thị Huệ - Hiệu trưởng trường Tiểu học Chu Văn An (quận Tây Hồ) phản ánh, tình trạng chỉ có một GV ngoại ngữ biên chế trong mỗi nhà trường là không đủ để thực hiện chương trình môn học hiện hành chứ chưa nói đến chương trình mới.

Chờ rà soát theo chương trình mới

Trước lo lắng của người trong nghề này, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, năm 2018 sẽ tạm dừng tuyển chứ không phải dừng hẳn. Đối với những đơn vị thiếu GV, nhân viên, trước mắt, năm học này TP cho phép các trường ký hợp đồng để đảm bảo hoạt động dạy và học. Vì vậy sẽ không có chuyện vì tạm dừng tuyển mà ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo trong các trường hiện nay.

Cũng theo giải thích của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện Nhà nước quy định cả miền xuôi, miền núi, hải đảo chung một định mức viên chức GV, nhưng có thể ở từng cơ sở, Hiệu trưởng bố trí chưa cân đối nên bị thiếu. Hiện, toàn TP có hơn 2.000 trường học, thiếu gần 10.000 GV, nhân viên, số này nếu chia cho các trường thì không nhiều. "Nếu hiểu TP không tiếp tục tuyển thêm GV là chưa đúng. Do liên quan tới việc chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, Hà Nội chỉ tạm thời dừng để rà soát nhằm đáp ứng theo yêu cầu chương trình mới. Sau khi rà soát xong, chúng tôi sẽ đề xuất lãnh đạo TP, Sở Nội vụ cho tuyển dụng, tránh tình trạng tuyển dụng theo định mức cũ, sau khi áp dụng chương trình mới lại phải rà soát, thanh lọc và đào tạo lại sẽ rất bất cập, mất thời gian và tốn kém” - ông Tiến giải thích.

Thực tế, hiện nay, tình trạng thừa GV đang được Bộ GD&ĐT cảnh báo. Khi triển khai chương trình mới ở lớp 1, năm học 2019 - 2020 sẽ thừa khoảng 4.700 GV và sẽ thừa thêm gần 5.000 GV vào năm học 2020 - 2021. THCS là bậc học có số GV thừa nhiều nhất. Trong 4 năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, số GV dôi dư mỗi năm từ hơn 4.000 đến trên 6.000 người. Đến năm học 2023 - 2024, tổng số GV dôi dư lên đến 21.663 người. Bậc THPT cũng sẽ thừa 4.508 GV vào năm học 2021 - 2022 và đến năm học 2023 - 2024 thừa 8.874 GV. Chính vì vậy, việc tuyển dụng viên chức vào thời điểm này cần phải được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, có kế hoạch phù hợp với nhu cầu lâu dài.

Theo Trung Anh

Kinh tế đô thị