Tuyển sinh lớp 10 năm 2019 của Hà Nội: Chọn phương án nào hữu hiệu?

(Dân trí) - “Theo quan điểm của tôi, ở thời điểm hiện tại, chọn phương án 1 là phù hợp nhất, tương tự như thi THPT đã áp dụng trong một thời gian dài. Phương án 1 phát huy được mục đích giáo dục toàn diện, khắc phục được các nhược điểm của hai phương án còn lại”.

Nhiều tỉnh đã điều chỉnh việc thi tổ hợp

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 cấp THCS ngày 13/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng dự thảo ba phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020.

Phương án 1: Thi 4 bài độc lập

Thi tuyển 4 bài gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ tư thuộc một trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Sở sẽ công bố bài thi thứ tư vào cuối tháng 3. Thời gian làm bài đối với Toán và Ngữ văn là 120 phút, hai môn còn lại là 60 phút/bài.


Thầy Trần Mạnh Tùng (giáo viên Toán, THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) - tác giả bài viết.

Thầy Trần Mạnh Tùng (giáo viên Toán, THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) - tác giả bài viết.

Phương án 2: Thi tuyển kết hợp xét tuyển như cũ

Thí sinh chỉ phải thi hai môn Toán và Ngữ văn. Điểm xét tuyển vào lớp 10 sẽ là tổng của điểm Toán, Ngữ văn nhân hệ số hai, cộng với điểm 4 năm THCS.

Phương án 3: Thi Toán, Ngữ văn và một bài thi tổ hợp

Tổ hợp 1 (gồm Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục công dân) hoặc tổ hợp 2 (gồm Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học). Thời gian làm bài đối với Toán và Ngữ văn là 120 phút; đối với bài tổ hợp là 90 phút. Việc quyết định tổ chức thi bài tổ hợp nào sẽ được Sở bốc thăm và công bố vào cuối tháng 3.

Theo quan điểm của tôi, ở thời điểm hiện tại, chọn phương án 1 là phù hợp nhất, tương tự như thi THPT đã áp dụng trong một thời gian dài. Phương án 1 phát huy được mục đích giáo dục toàn diện, khắc phục được các nhược điểm của hai phương án kia.

Ở phương án 2, việc không thi môn Ngoại ngữ dẫn đến việc học sinh chưa chú trọng môn này, gây khó khăn nhiều trong việc học Ngoại ngữ ở trung học phổ thông. Nhiều tỉnh nhận ra tầm quan trọng của môn Ngoại ngữ nên tổ chức thi từ rất sớm.

Bên cạnh đó, việc xét tuyển dựa vào điểm 4 năm THCS của học bạ dẫn đến đánh giá trong học bạ chưa thật sự khách quan, thiếu độ tin cậy. Nhiều trường THPT không đồng tình với kết quả này. Trong thực tế, qua kiểm chứng ở THPT, khá nhiều học sinh có học bạ THCS “đẹp” nhưng lực học lại kém.

Ở phương án 3, việc thi thêm bài tổ hợp như thế là rất nặng nề và không hiệu quả. Sở chỉ công bố bài thi tổ hợp vào cuối tháng 3, tức là học sinh chỉ có chưa đủ 2 tháng để chuẩn bị một cách chủ động, cả năm học phải học để sẵn sàng đi thi cho 9 môn.

Nhiều tỉnh như Hưng Yên, Hải Phòng, Phú Thọ… đã nhận ra sự bất cập của phương án thi tổ hợp và hủy bỏ hoặc điều chỉnh lại.

Học sinh thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội năm 2018 (Ảnh: Mỹ Hà).
Học sinh thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội năm 2018 (Ảnh: Mỹ Hà).

Nên “chốt” phương án sớm

Năm học mới 2018 - 2019 đang đến gần, để thuận tiện hơn cho thầy vào trò trong việc học và ôn thi vào 10, theo tôi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên chủ động tham khảo ý kiến và chốt phương án sớm, trong tháng 9 là hợp lý.

Cụ thể, theo tôi, nếu sử dụng phương án 1 thì nên triển khai như sau:

Toán, Văn nên thi như cũ

Do là năm đầu tiên thay đổi nên Sở cần đảm bảo không gây xáo trộn và khó khăn nhiều cho học sinh. Theo tôi, nên thi Toán, Văn (120 phút) theo hình thức, nội dung như cũ, tránh thay đổi nhiều. Vừa rồi, TPHCM ra đề Toán thi vào 10 theo kiểu mới, sáng tạo và nhiều yếu tố thực tế song học sinh chưa quen nên kết quả rất thấp (51,5% học sinh có điểm Toán dưới trung bình).

Môn Ngoại ngữ nên thi tự luận kết hợp trắc nghiệm

Qua trao đổi với một số giáo viên Ngoại ngữ, chúng tôi thấy rằng, để đáp ứng tốt các yêu cầu về kỹ năng với môn Ngoại ngữ, nên thi ở dạng tự luận kết hợp một số câu hỏi trắc nghiệm, trong đó có các dạng câu hỏi khác nhau, tương tự bài thi học kỳ chúng ta vẫn tổ chức ở cấp quận, huyện.

Môn thi thứ 4 nên thi trắc nghiệm 100%

Theo tôi, môn thi thứ 4 không nên nặng nề. Sở chỉ công bố vào cuối tháng 3 hàng năm nên thời gian không nhiều.

Để tránh áp lực cho học sinh, chúng ta nên thi ở dạng trắc nghiệm nhẹ nhàng với những câu hỏi cơ bản trong sách giáo khoa hoặc những câu hỏi vận dụng đơn giản, tránh các kiến thức hàn lâm, vô bổ.

Công bố đề minh họa sớm

Để thuận lợi cho các nhà trường và không gây khó khăn cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên khẩn trương xây dựng đề minh họa và công bố sớm.

Nếu có thể, Sở nên công bố đề minh họa vào 2 đợt: Đợt 1 gồm đề 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ vào khoảng tháng 10, tháng 11. Đợt 2 gồm 4 môn, ngay sau khi Sở công bố môn thi thứ 4.

Bên cạnh đó, Sở cũng cần dành nhiều thời gian và nhân lực cho việc xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm để chủ động và tạo được các đề thi có chất lượng.

Trần Mạnh Tùng

Giáo viên Toán, THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội)

“Chúng tôi không “đón đầu”

Trao đổi với PV Dân trí, bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng Phòng GD&ĐT Hà Đông, Hà Nội cho hay, bà ủng hộ phương án 3.

Trả lời câu hỏi, chỉ với 2 môn thi như hiện nay, học sinh đã “tối tăm mặt mũi”. Nếu thi phương án 3, học sinh sẽ quá tải bởi luôn trong tình trạng “túc trực” 9 môn học để thi. Bà Hằng nêu quan điểm: “Tôi nghĩ bài thi tổ hợp chỉ có 90 phút, nếu là trắc nghiệm thì không quá áp lực. Việc này hướng đến học sinh phải học đều các môn mà không phải ôn tập quá nhiều. Với đề thi khả năng sẽ chỉ ra ở kiến thức cơ bản, mức độ bình thường để kiểm tra kiến thức học sinh".

“Có phải bà ủng hộ phương án thi này vì quận đã dạy “đón đầu” theo phương án thi mà Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố hồi tháng 4/2018?” Bà Hằng cho biết: “Chúng tôi không đón đầu. Tôi nghĩ quan trọng ở cách ra đề như thế nào sao cho phù hợp nhất. Em nào nắm chắc kiến thức cơ bản, đề ra cơ bản thì sẽ không quá khó để hoàn thành. Phòng sẽ tham mưu với Sở GD&ĐT để ra đề ở mức độ cơ bản, phù hợp với năng lực của học sinh".

Mỹ Hà