Tuyển sinh ĐH, CĐ 2006: Lại gia tăng hồ sơ ảo

(Dân trí) - Chỉ một tuần nữa là hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học tại các địa phương. Đây là thời điểm thí sinh nộp hồ sơ đông nhất sau thời gian lựa chọn và cân nhắc. Tuy vậy, rất nhiều thí sinh nộp 4,5 hồ sơ ĐKDT, do đó năm nay sẽ gia tăng hồ sơ ảo.

Học sinh Ngọ Thị Huệ, trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội nộp đến 5 hồ sơ, 3 trường đại học, 2 cao đẳng. Huệ cho biết: “Năm nay em thi 2 khối A, D nên nộp nhiều hồ sơ thi cho chắc ăn. Em hi vọng, nếu có trượt khối A thì may mắn đỗ khối D”.

 

Còn học sinh Đặng Hà Thu trường THPT Trần Phú, Hà Nội cũng nộp đến 4 bộ hồ sơ lại cho hay: “Em đăng ký vào 4 trường Thương Mại, Sư phạm, Bách Khoa và Kinh tế Quốc dân khi đến ngày thi xem trường nào “chọi” ít thì thi sẽ thi vào trường đó”.

 

Hiện nay, tâm lý của nhiều thí sinh là vẫn nộp nhiều hồ sơ đăng ký dự thi đại học để sau khi gần thi mới quyết định thi trường nào.

 

Cô Nguyễn Minh Thu là người thu nhận hồ sơ ở phòng giáo dục của Quận Đống Đa cho biết: “Có rất nhiều học sinh nộp đến 4, 5 bộ hồ sơ thi đại học, thậm chí có thí sinh nộp 4 hồ sơ vào một trường với các ngành khác nhau. Ở đây, mỗi thí sinh đến nộp ít nhất là 2 bộ hồ sơ vào các trường đại học, sau đó chỉ lựa chọn thi có một trường, rất tốn tiền”.

 

Trước hiện tượng này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long khuyến cáo rằng: “Thí sinh nộp nhiều hồ sơ sẽ không có lợi vì không những không giải toả được tâm lý lo sợ mà còn gây ra lãng phí không cần thiết. Khi nộp nhiều hồ sơ nhưng chỉ được chọn một trường để thi, thí sinh sẽ rất dễ nhầm lẫn dẫn đến chọn “bừa”. Nếu đỗ, điều này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự học tập cũng như tương lai sau khi tốt nghiệp đại học của thí sinh. Mặt khác, với sự chọn “bừa”, nhiều thí sinh cũng đã trượt oan”.

 

Tuy nhiên, hiện tượng hồ sơ ảo vẫn diễn ra hàng năm. Năm 2005, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi đại học tăng 0,9% so với năm 2004 và tỷ lệ thí sinh dự thi so với hồ sơ đăng ký dự thi là 74,86%.

 

Do việc thí sinh nộp nhiều hồ sơ ảo này đã khiến không ít trường đại học rất lo lắng như Học viện Tài chính năm trước chỉ có 56,5% thí sinh có mặt so với đăng ký dự thi, làm Học viện phải bù lỗ mất 300 triệu tiền cho công tác tổ chức thi. Các trường khác cũng tình cảnh tương tự như: ĐH Kinh tế Quốc dân 61%, ĐH Thương mại 68%, ĐH Quốc gia Hà Nội 61%, ĐH Giao thông vận tải 67,4%, ĐH Ngoại thương (cơ sở phía Bắc) 57,4%...

 

Ông Đỗ Duy Dự, thường trực Ban chỉ đạo tuyển sinh cho rằng: “Hiện tượng “ảo” hồ sơ là lẽ đương nhiên vì không có quy định ngăn cấm thí sinh nộp ít hồ sơ đó là quyền của mỗi thí sinh. Để ngăn được tình trạng này, các trường nên có biện pháp giới thiệu về ngành nghề của trường mình và phổ biến rộng rãi tới các thí sinh”. 

 

* Ngày 10/4 hết hạn nộp hồ sơ theo hệ thống của sở GD - ĐT, bắt đầu từ 11/4 đến 17/4, thí sinh nộp hồ sơ cho các trường theo đúng thời hạn quy định và chỉ những hồ sơ nộp qua đường bưu điện mới được coi là hợp lệ; trong mọi trường hợp, các trường đều không trực tiếp thu nhận hồ sơ của thí sinh.

 

 

Mai Minh - Hồng Hạnh