Tuyển sinh 2010: Ồ ạt mở ngành học mới

(Dân trí) - Tuyển sinh 2010, nhiều trường đại học ồ ạt mở ngành học mới nhưng chỉ tiêu thì tăng nhỏ giọt. Do vậy, thí sinh cần thận trọng khi chọn trường học phù hợp năng lực của mình.

Tuyển sinh 2010: Ồ ạt mở ngành học mới - 1
Thí sinh dự thi vào Học viện công nghệ Bưu chính viễn thông 2009

Ngành mới theo nhu cầu xã hội

Để đáp ứng nhu cầu xã hội, khối trường các ngành kinh tế dự kiến mở thêm nhiều ngành mới. ĐH Ngoại thương, sẽ mở thêm chuyên ngành Quản trị du lịch khách sạn thuộc ngành Quản trị kinh doanh. Ngoài ra, sẽ có thêm 2 ngành mới là Kinh tế quốc tế và Kinh doanh quốc tế.

ĐH Thương Mại mở thêm 3 chuyên ngành mới gồm: Quản trị thương hiệu, Thương mại dịch vụ y tế và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Quản trị kinh doanh tổng hợp. ĐH Kinh tế Quốc dân mở thêm chuyên ngành Kế toán theo chương trình tiên tiến và một số ngành đào tạo chất lượng cao.ĐH Quốc gia Hà Nội, dự kiến mở thêm4 ngành mới là Kế toán, Hóa Dược, Kinh doanh quốc tế và Việt Nam học.

Cũng để thu hút thí sinh, năm 2010, ĐH Công Đoàn, mở thêm chuyên ngành Quản trị du lịch và Khách sạn. Mặc dù, không mở thêm ngành mới nhưng ĐH Nông nghiệp Hà Nội lại tăng chỉ tiêu cho các ngành “hót” đông thí sinh dự thi 4 ngành là Kế toán, Công nghệ Sinh học, Môi trường và Quản lý đất đai.

Để đáp ứng nhu cầu xã hội, ĐH Lâm Nghiệp dự kiến mở 2 ngành Kỹ thuật cơ điện và Thiết kế cảnh quan, mỗi ngành khoảng 50 chỉ tiêu; Học viện Báo chí mở thêm ngành Quan hệ quốc tế với 45 chỉ tiêu. Học viện Ngoại giao, mở thêm ngành mới là Truyền thông Quốc tế; ĐH Điện Lực, đang trình Bộ mở thêm ngành học mới là Điện hạt nhân, nếu Bộ đồng ý sẽ tuyển sinh một lớp ngay trong năm nay; Đại học Hàng Hải cũng đang xin Bộ mở thêm ngành học mới là Logistis và Quản trị chuỗi cung ứng, nếuđược trường tuyển sinh ngay trong năm nay.

ĐH Y Hà Nội cũng thông báo mở thêm hệ cử nhân Điều dưỡng liên thông vừa làm vừa học với 250 chỉ tiêu; Điều dưỡng trung cấp vừa làm vừa học để thành cử nhân, trong đó có 50 chỉ tiêu học tại Quảng Ninh… Các thí sinh khối B năm nay cũng sẽ thêm cơ hội tại Khoa Y - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, một khoa hoàn toàn mới với 100 chỉ tiêu trong năm 2010.

Nhiều trường đại học phía Nam cũng đồng loạt mở thêm ngành học mới như: ĐH Giao thông vận tải (cơ sở 2 TPHCM) mở mới hai chuyên ngành đào tạo là chuyên ngành Địa kỹ thuật công trình giao thông, chuyên ngành Vật liệu và công nghệ xây dựng giao thông.ĐH TônĐức Thắng dự kiến tuyển thêm khối V cho ngành Quy hoạch đô thị.

ĐH Nha Trang mở thêm3 ngành mới: Điều khiển tàu biển, Kỹthuật tàu thủy, Hệthống thông tin kinh tế. ĐH Bách khoa Đà Nẵng dự kiến tuyển sinh 3.200 chỉ tiêu với 25 chuyên ngành, trong đó có một ngành mới mở là Quản lý Công nghiệp dự kiến tuyển sinh 60 chỉ tiêu.

Trường ĐH Tài chính - Marketing cũng tuyển thêm hai chuyên ngành mới là Quản trị bán hàng, quản trị khách sạn cho cả hai hệ đại học và cao đẳng. ĐH Bách khoa TPHCM dự kiến thêm hai ngành đào tạo mới là chuyên ngành Kiến trúc dân dụng và Công nghiệp.
 
Tuyển sinh 2010: Ồ ạt mở ngành học mới - 2
Tuyển sinh 2010, báo hiệu sẽ rất căng thẳng: (Ảnh: Hồng Hạnh)

Mở rộng đào tạo theo địa chỉ với ngành Y Dược và Sư phạm

Theo lãnh đạo nhiều trường đại học thì việc mở thêm ngành mới này nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Bà Lê Thị Thu Thủy, trưởng phòng đào tạo của trường cho biết: “Từ năm học này, trường Ngoại thương bắt đầu tổ chức đào tạo tại một địa điểm mới ở Uông Bí (Quảng Ninh), đào tạo chuyên ngành Quản trị kinh doanh du lịch - Khách sạn nhằm đào tạo nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh.

Còn ông Phạm Tấn Hạ - Phó trưởng Phòng Đào tạo trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) cho biết: “Tuyển sinh 2010, trường dự kiến đào tạo thêm bốn ngành học mới là ngữ văn Tây Ban Nha, Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Du lịch vì cả bốn ngành này đều là những ngành tiềm năng có nhu cầu lớn”.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, tuyển sinh 2010, Bộ xác định quy mô tuyển sinh hợp lý, đảm bảo chất lượng vẫn dựa vào các điều kiện đảm bảo chất lượng gồm: tỷ lệ SV/GV qui đổi; cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, thực hành, thực tập, nhu cầu của xã hội đối với các ngành nghề đào tạo.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển quy mô đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh biên giới, miền núi, vùng sâu. Gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng, đào tạo theo địa chỉ, nhất là các ngành Y Dược, Sư phạm.

Nhà nước tiếp tục giao chỉ tiêu kế hoạch tuyển mới đào tạo với những chỉ tiêu đào tạo thuộc diện chính sách nhà nước, do Nhà nước đảm bảo cơ bản về ngân sách đào tạo, đối với con em các dân tộc, các vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, cụ thể: Hệ dự bị, dân tộc nội trú và năng khiếu, chỉ tiêu tuyển mới đào tạo phục vụ cho quốc phòng và an ninh của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an - Thứ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.

Hồng Hạnh