“Tuổi dậy thì nổi loạn” mong chờ gì từ cha mẹ?

(Dân trí) - Chứng kiến nhiều trường hợp các em học sinh tuổi 15, 16 sống nổi loạn khiến mối quan hệ bố mẹ và con đi vào ngõ cụt, tôi thấy rất đồng cảm với sự định hướng cần thiết cho cả cha mẹ và con ở lứa tuổi phức tạp này.

Cha mẹ khi thấy con mắc lỗi, bướng bỉnh không nghe lời thì dùng mọi biện pháp kìm kẹp, chửi mắng đánh đập con với mong muốn con đi đúng đường. Có em gái phạm lỗi lấy cắp một quyển sách em thích ở thư viện trường, khi cô giáo gọi điện về thông báo, bố mẹ lập tức đóng kín cửa dạy con bằng roi vọt, nguyền rủa "tao mất mặt vì mày, sao mày hư hỏng mất dạy đến thế, mày quỳ xuống".

Không hiếm bố mẹ dạy con cực đoan đến nỗi bắt con trần truồng đứng ngoài cổng nhà cho thiên hạ nhìn thấy, cốt để cho con thấy "xấu hổ mà chừa tính xấu". Có biết đâu, vết thương danh dự này khiến các em sống mặc cảm, co mình và tổn thương sâu sắc suốt nhiều năm.

Học sinh nam tuổi này thường bập vào chơi game, đua đòi chúng bạn, ham chơi trốn học, hay về nhà sai giờ. Bố mẹ các em quản lý sát sao tới mức cứ con về muộn là chửi rủa, đuổi khỏi nhà "mày không nghe lời tao, mày cút khỏi nhà, đi cho khuất mắt tao". Bố mẹ trút giận lên con bằng đòn roi không nương tay cùng vô vàn lời chửi rủa nặng nề.

Tuổi dậy thì còn là tuổi các em biết rung động trước bạn khác giới, có tình yêu chớm nở và rất nhiều em coi tình yêu là lý tưởng đời mình. Bố mẹ biết được thường chửi con là loại mất nết, mới nứt mắt ra đã đua đòi yêu đương rồi tìm mọi cách phong tỏa con. Bố mẹ sẽ áp dụng mọi biện pháp cứng rắn: đưa đón con đi học tận nơi, tịch thu điện thoại, khóa mã máy tính. Bố mẹ đâu biết, càng cấm đoán thì con càng tìm mọi cách "bẻ khóa".

Nhiều em nổi loạn đến mức, bố mẹ khóa cửa thì bật tường, leo rào trốn ra ngoài. Bố mẹ không cho tiền chi tiêu thì lao vào trộm cắp, cướp giật để thỏa mãn sở thích cá nhân. Đến khi con bị công an bắt, bị tòa tuyên án, nhiều bố mẹ than trời vì đã tìm mọi cách quản lý con mà vẫn thất bại.

Tôi cũng từng trải qua tuổi dậy thì đầy biến động, thậm chí đã làm cuộc đời mình ngoặt hẳn sang một hướng khác nên tôi rất hiểu tâm trạng của các em. Con đang ở tuổi thích khẳng định bản thân thì chuyện thóa mạ, xỉ nhục con thật vô tác dụng. Hãy làm bạn với con, để hiểu rõ con muốn gì, cần gì. Bố mẹ hãy nghĩ về chính mình ở lứa tuổi của các con bây giờ, mình đã từng thất vọng biết bao nhiêu khi cha mẹ dằn hắt, xiết kỉ luật thép khi con phạm lỗi để có cách xử sự thỏa đáng với các con.

Chửi mắng, đánh đập con ở tuổi dậy thì vì con bướng bỉnh, trái ý bố mẹ chưa bao giờ cho kết quả tốt. Thậm chí chính cha mẹ đã vô tình đẩy con vào những cạm bẫy khác ngoài đời, khi con cảm thấy lạc lõng, vô vị trong gia đình, luôn bị bố mẹ coi như đồ bỏ đi.

Ngày ấy, khi tôi là đứa trẻ nổi loạn, sống bất cần đời thì chỉ cần một lời khuyên nhủ chân thành từ người anh, người chị, từ cô bác mà tôi quý mến đã khiến tôi thay đổi lối sống, cố gắng quay trở lại quỹ đạo một học trò ngoan hiền vốn có. Cái mà một đứa trẻ nổi loạn như tôi lúc ấy cần nhất là được mọi người tin tưởng, động viên chứ không phải là những câu mắng mỏ "mày là đứa con hư hỏng làm tao xấu mặt với họ hàng, làng xóm".

Tuổi dậy thì không một đứa trẻ nào không phạm lỗi, bố mẹ đừng vì thế mà thóa mạ, đánh đập con cái. Có lẽ cha mẹ nên song hành cùng con, khéo léo động viên con. Cha mẹ cũng cần tôn trọng con, không vì con phạm lỗi mà đi bêu xấu con sẽ khiến con mặc cảm nặng nề. Miệt thị, hành hạ, đánh đập con ở tuổi dậy thì chỉ mang lại cho con nỗi thù hận, uất ức vì bị cha mẹ ruồng bỏ và khiến các em càng phạm sai lầm trầm trọng.

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)