Từ vụ “thủ khoa nuôi lợn”: “Bạn trẻ hãy tự thiết kế cuộc đời mình”

(Dân trí) - Các bạn trẻ hãy tự hiểu vấn đề không phải là việc làm mà vấn đề đó là bạn có làm được việc hay không. Nếu bạn học chỉ để thi và thi xong không biết để làm gì thì coi như một thất bại.

Nhân câu chuyện về em Bùi Thị Hà - thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc Đại học Sư phạm Hà Nội 2 năm 2016 hơn 1 năm nay không tìm được việc làm, thầy Trịnh Quỳnh (giáo viên Văn học, Trường THPT Lương Thế Vinh - Nam Định) đã có những chia sẻ tâm huyết về chủ đề việc làm của bạn trẻ. Xin giới thiệu cùng bạn đọc!

Quán quân của một cuộc thi nghệ thuật không có nghĩa ra khỏi cuộc thi sẽ trở thành nghệ sĩ nổi tiếng nếu không nỗ lực làm việc và cống hiến. Đừng chấp nhận bất cứ đỉnh cao nào, đừng coi thành công của hiện tại là thành công của tương lai.

Nói như thế để thấy kiến thức sách vở và điểm số học tập là chưa đủ để mỗi người có thể đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống. Một bộ phận không nhỏ học sinh hiện nay thiếu kỹ năng sống như năng lực giao tiếp, hợp tác còn vô cùng hạn chế, năng lực quản trị cuộc sống giải quyết vấn đề gần như không có.

Đa phần các bạn không xác định được mục tiêu và nỗ lực hành động để đạt được mục tiêu đó. Sự trông chờ, ỷ lại vào người khác đã biến nhiều người trẻ trở nên thiếu chủ động ngay trong chính cuộc đời của mình.

Sợ nhất là các bạn ngại khó ngại khổ, thường lấy lý do để chống chế trong khi tuổi trẻ là quãng thời gian cống hiến nhiều nhất, là nền tảng của mọi thành công sau này. Nhiều bạn chưa làm, làm không hiệu quả nhưng vẫn trông chờ hoặc đặt lợi ích bản thân được hưởng lên trên hết. Thành công là một quá trình cần có sự vun đắp từng ngày chứ không thể kết hoa kết trái trong ngày một ngày hai.

Bản thân các bạn trẻ hãy tự hiểu vấn đề không phải là việc làm mà vấn đề đó là bạn có làm được việc hay không. Nếu bạn học chỉ để thi và thi xong không biết để làm gì thì coi như một thất bại. Người học phải biết học để làm gì từ những điều đã biết. Trong một bài giảng không nhất thiết phải tiếp thu 100% kiến thức một chiều, có sẵn từ thầy cô mà đôi khi chỉ cần tiếp thu 20% kiến thức nhưng biết vận dụng 20% kiến thức đó để tạo ra 80% cái mới từ những gì đã học. Có những sinh viên từ năm nhất đã có thể có thu nhập từ công việc chuyên môn của mình nhưng có những sinh viên chỉ khi rời bỏ sách vở mới nghĩ đến cuộc sống đang cần gì ở mình.

Nhiều sinh viên ngay cả việc đánh máy, gửi email để ngỏ ý một điều gì đó cũng không dám và không biết làm. Có những người làm việc bận rộn không có đến thời gian để ngủ tại sao vẫn có những người có thời gian ngồi than vãn vì chưa thấy ai gọi đi nhận việc.

Sinh viên trao đổi với nhà tuyển dụng tại Hội chợ việc làm Học viện Ngân hàng 2017. (Ảnh: Mai Châm)
Sinh viên trao đổi với nhà tuyển dụng tại Hội chợ việc làm Học viện Ngân hàng 2017. (Ảnh: Mai Châm)

Xét riêng về nghề Sư phạm, đây là một nghề không mở về đầu ra, khó chủ động trong xin việc và tự tạo việc làm cho mình. Con đường mà sinh viên Sư phạm đi có định hướng rõ nơi mà mình sẽ phải đến, đó là con đường duy nhất nếu cánh cửa không mở coi như một sự bế tắc. Các thầy cô đi dạy rồi cũng khó có cơ hội thay đổi môi trường công tác càng không có cơ hội thay đổi về nghề nghiệp. Nhưng với những người trẻ liệu có nên chấp nhận sự an toàn bền vững đó? Tại sao bản thân không dám đặt mình vào những thử thách thực sự.

Tôi biết có nhiều người học Sư phạm nhưng ra làm việc ở các lĩnh vực khác, kĩ năng nghề nghiệp của họ rất tốt cộng với kiến thức đã học họ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục rất thành công. Tôi cũng biết có nhiều người học ngoại thương, học bách khoa... họ cũng đi dạy điều đáng nói là kỹ năng của họ rất tốt, họ có khả năng trình bày, thu hút học trò bằng những hoạt động truyền cảm hứng. Bản thân tôi trước khi đi dạy thời sinh viên cũng đã đặt mình vào rất nhiều công việc ngoài sư phạm như báo chí, xuất bản, dịch thuật, thậm chí là bán hàng. Và tôi thấy tất cả những kỹ năng tôi học được tôi đều vận dụng trong chính nghề nghiệp của mình.

Cuộc sống rất mở, các mối quan hệ cũng rất mở hà cớ gì phải tự đóng cánh cửa nghề nghiệp của mình. Người ta thường nói “nếu bạn không tự thiết kế kế hoạch cuộc đời của riêng mình, bạn sẽ rơi vào kế hoạch của người khác”. Vậy mà có những người chờ đợi để được rơi vào kế hoạch của người khác đó.

Dĩ nhiên tôi cũng thông cảm với hoàn cảnh của nhiều sinh viên Sư phạm, nhiều bạn học Sư phạm vì nhà còn nghèo, vì muốn về gần nhà để chăm sóc cha mẹ. Nhưng tôi nghĩ rằng khi bạn giao tiếp xã hội nhiều hơn, các mối quan hệ mở rộng, cơ hội nghề nghiệp cho bạn lựa chọn thì bạn sẽ có suy nghĩ khác. Ở đây kiến thức không hề có lỗi, lỗi ở chỗ người ta chưa có kỹ năng để sử dụng những kiến thức đó.

Thầy giáo Trịnh Quỳnh

(Giáo viên Văn học, Trường THPT Lương Thế Vinh - Nam Định)