Tự chủ đại học: Từ bỏ nỗi “sợ” để nâng cao chất lượng

Sau hơn 10 năm thí điểm tự chủ đại học, đến nay mới chỉ có 14 trường được giao tự chủ.

“Rào cản” gì khiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải kêu gọi các trường hãy từ bỏ nỗi sợ hãi để tự chủ.

Tự chủ nửa vời, chất lượng giảm sút?

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 89/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016. Trong đó, Chính phủ thống nhất chủ trương đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học gắn với nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Theo đó, các trường đại học được giao quyền tự chủ cả về chuyên môn, tổ chức nhân sự, tài chính và tăng cường trách nhiệm giải trình; quy định rõ về kiểm định chất lượng và cơ chế học bổng nhằm bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao cho con em hộ nghèo, đối tượng chính sách; giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, việc giao quyền tự chủ tài chính cho các trường ĐH công lập đang trở thành vấn đề “đau đầu” khi nhiều trường cho rằng, tự chủ tài chính còn mang tính hình thức, nửa vời. Cụ thể, tự chủ tài chính còn thiếu đồng bộ khiến cho nhiều trường thu không đủ bù chi. Không được tự chủ trong tuyển sinh và đầu tư cơ sở vật chất... khiến cho chất lượng giáo dục có thể bị giảm sút.

GS.TS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương (Hà Nội) thẳng thắn cho rằng: Sau 4 năm thực hiện hiện tự chủ tài chính, nhà trường vẫn không tạo ra được những đổi mới như mong muốn bởi cơ chế thiếu đồng bộ. Ngoài việc phải tự lo kinh phí thường xuyên, trường không được hưởng thêm bất cứ quyền hạn, cơ chế gì so với trường không được giao tự chủ. Để duy trì hoạt động giảng dạy, trường phải “thắt lưng buộc bụng” để lo chi phí thường xuyên và lương thưởng cho hơn 500 giảng viên.

Còn theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc Thường trực Đại học Quốc gia TP. HCM, hiện nay quá trình triển khai tự chủ vẫn gặp những tồn tại như việc thiếu cơ chế linh hoạt cho các hoạt động dịch vụ, tăng nguồn thu, cùng với nguồn kinh phí ngân sách nhà nước giao để nâng cao chất lượng dịch vụ công cho xã hội, chưa có cơ chế thông thoáng nhằm khai thác cơ sở vật chất sẵn có với các hình thức hợp tác khai thác để tăng kinh phí phục vụ nghiên cứu.

“Trường cần cơ chế tự chủ theo hướng giao quyền tự chủ trong tuyển dụng giáo viên, chỉ tiêu tuyển sinh được quyết định mức học phí; quyết định lương và thu nhập cho cán bộ, giảng viên trong trường, được sử dụng tiền thu học phí vào việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất... để nâng cao chất lượng giáo dục” - GS.TS Hoàng Văn Châu

Thực tế, hiện nay Chính phủ đã cho phép ĐH công lập tự chủ thu học phí cao so với Nghị định 49/2010/NĐ-CP nhưng chất lượng lại chưa tương xứng. Vì vậy, cần xây dựng những tiêu chí đào tạo chất lượng cao phù hợp để người học không bị thiệt thòi. Nhà trường phải chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội về chất lượng đào tạo và công khai minh bạch các khoản thu, chi tài chính. Đồng ý với việc giao quyền tự chủ về mức thu cho các trường, tuy nhiên, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, còn thiếu cơ chế kiểm soát để đảm bảo quyền lợi cho người học.

Phân bổ kinh phí gắn với chất lượng

Vấn đề tự chủ ĐH ở Việt Nam đã được đặt ra từ lâu và cũng đã thí điểm cách đây 10 năm, áp dụng đối với ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP. HCM nhưng không đạt được tiến độ mong muốn với các trường tiếp theo bởi hầu hết đều hiểu lệch theo hướng tự chủ tài chính, lo lắng rằng nhà nước sẽ không cấp kinh phí nữa thì không có tiền chi thường xuyên. PGS.TS Trần Quốc Toản, Hội đồng Lý luận Trung ương lý giải, vẫn có khuynh hướng muốn “quản chặt” từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước với nhiều lý do khác nhau. Cũng có những cơ sở giáo dục “ngại” phải thực hiện cơ chế tự chủ vì không dám chịu trách nhiệm và vẫn muốn được bao cấp cũng như bảo trợ theo cơ chế cũ.

Tăng cường quá quyền tự chủ mà không đặt yêu cầu về tự chịu trách nhiệm sẽ có nguy cơ dẫn đến tình trạng giảm sút chất lượng, chạy theo lợi ích trước mắt. Ngược lại, tăng cường sự chịu trách nhiệm và hạn chế quyền tự chủ sẽ “trói buộc” các cơ sở ĐH, không tạo động lực và cơ chế linh hoạt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội. Nhiều ý kiến cũng kiến nghị, vấn đề quan trọng là cần thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách Nhà nước gắn với trường có chất lượng hay kém chất lượng; phân bổ kinh phí nên gắn với các kết quả đánh giá, kiểm định độc lập về chất lượng đào tạo thì mới công bằng, hiệu quả.

Tại Hội thảo “Tự chủ đại học: Cơ hội và thách thức” trước những băn khoăn sợ tự chủ của nhiều trường, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi: Các trường hãy bỏ nỗi sợ là nếu tự chủ thì không được Nhà nước đầu tư nữa. Tôi khẳng định tự chủ không phải là Nhà nước không đầu tư mà chỉ thay đổi cách đầu tư. 14 trường ĐH trong nước được trao quyền tự chủ hiện nay đều vẫn đang được hưởng các khoản đầu tư lớn của Nhà nước. “Những “rào cản” trong vấn đề giao quyền tự chủ cho các trường ĐH từ chính sách hiện đã được tháo gỡ. Cụ thể là về tự chủ bộ máy tổ chức, nhân sự, Bộ Nội vụ có quyết định tháo gỡ căn bản liên quan đổi mới về sự nghiệp công” - Phó Thủ tướng nêu.

Theo Nguyễn Hằng

VOV