Tự chủ đại học: Tổng thu của 10 trường tự chủ tăng hơn nghìn tỷ đồng

(Dân trí) - Tổng thu giai đoạn thí điểm tự chủ năm 2015-2016 là 7.765 tỷ đồng của 10 trường đại học (không tính đầu tư xây dựng cơ bản - XDCB) so với giai đoạn trước khi tự chủ năm 2013-2014 là 6.660 tỷ đồng tăng 16,6%.

Đó là số liệu trong báo cáo của nhóm nghiên cứu về tự chủ đại học của trường ĐH Kinh tế quốc dân thực hiện.

Học phí vẫn là nguồn thu chính

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng số liệu của 2 năm tài chính gồm giữa giai đoạn trước tự chủ (năm 2013-2014) và sau tự chủ (năm 2015-2016) của 10 trường tự chủ trên 2 năm (10 trường bao gồm: Học viện Nông nghiệp, trường ĐH Hà Nội, trường ĐH Tài chính – Marketing, trường ĐH Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, trường ĐH Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, ĐH Mở Tp. Hồ Chí Minh, trường ĐH Tôn Đức Thắng, trường ĐH Kinh tế quốc dân, trường ĐH Công nghiệp thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh và trường ĐH Điện lực) với các khoản thu của các trường bao gồm thu sự nghiệp, ngân sách cấp và thu dịch vụ.

Số liệu báo cáo của 10 trường tự chủ trên 2 năm cho thấy, các trường đã đảm bảo được toàn bộ chi hoạt động thường xuyên, thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người học, miễn giảm học phí cho các đối tượng chính sách, trích lập quỹ học bổng khuyến khích theo quy định và đều có chênh lệch thu lớn chi.

Các trường đã trích lập quỹ đầu tư phát triển sự nghiệp, quỹ khen thưởng, phúc lợi, ổn định thu nhập. Thu nhập của người lao động đã tăng lên rõ rệt so với thu nhập bình quân giai đoạn trước.

Cụ thể, về nguồn thu, theo báo cáo nghiên cứu của nhóm ở 10 trường thực hiện tự chủ thì tổng thu giai đoạn thí điểm tự chủ năm 2015-2016 là 7.765 tỷ đồng của 10 trường đại học thực hiện tự chủ (không tính đầu tư xây dựng cơ bản - XDCB) so với giai đoạn trước khi tự chủ năm 2013-2014 là 6.660 tỷ đồng tăng 16,6%.

Trong đó, thu từ NSNN cấp chi thường xuyên, không thường xuyên giảm 16,51%; thu hoạt động sự nghiệp từ thu học phí, lệ phí, thu sự nghiệp khác tăng 23,47%5; thu hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ (liên kết đào tạo với nước ngoài, đào tạo ngắn hạn, các hoạt động tư vấn, nghiên cứu khoa học, dịch vụ hỗ trợ đào tạo và dịch vụ khác) giảm 0,17%.

Tự chủ đại học: Tổng thu của 10 trường tự chủ tăng hơn nghìn tỷ đồng - 1

Nhóm nghiên cứu nhận xét, cơ cấu các khoản thu của các trường tự chủ chưa có sự thay đổi rõ rệt trước và sau tự chủ.

Thu từ học phí và lệ phí tăng 4,29% so với thời điểm trước tự chủ và vẫn là nguồn thu chính, chiếm trên >70% trong tổng thu của các trường.

Điều này cũng phản ánh một thực tế là hoạt động của các trường đại học tự chủ chủ yếu dựa vào hoạt động đào tạo. Vấn đề này cũng hàm chứa rủi ro về tài chính bởi phụ thuộc chủ yếu vào vào quy mô đào tạo và mức thu học phí.

Cả hai yếu tố này nhà nước vẫn đang kiểm soát và quy định về trần học phí và chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm.

Ngoài ra, việc tuyển sinh của các trường tự chủ không những phải cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với các trường khác chưa tự chủ về mức học phí. Nguồn thu hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào học phí.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, điều này khá rủi ro do phụ thuộc vào nhu cầu xã hội, trong khi xu hướng du học của các gia đình có điều kiện kinh tế trở nên hiện hữu.

Nếu nguồn thu chủ yếu không được tạo ra từ nội lực các trường mà phụ thuộc vào các yếu tố khách quan thì nguồn thu này sẽ không bền vững và trong dài hạn sẽ gây bất lợi cho chất lượng đào tạo khi việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn hoặc nhà nước cắt giảm chỉ tiêu. Các khoản thu từ NCKH, dịch vụ hay chuyển giao công nghệ, tư vấn doanh nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ và có xu hướng giảm trong cơ cấu nguồn thu của các trường.

Tự chủ đại học: Tổng thu của 10 trường tự chủ tăng hơn nghìn tỷ đồng - 2

Tăng mức xây dựng đầu tư cơ bản

Cũng theo nghiên cứu này, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) cho hoạt động thường xuyên và không thường xuyên (không bao gồm vốn đấu tư XDCB và kinh phí đặt hàng của nhà nước đối với các ngành Nông, Lâm, Ngư nghiệp) giảm đi 16,51% so với trước tự chủ, từ 430 tỷ đồng năm 2013-2014 xuống 359 tỷ đồng năm 2015-2016.

Kinh phí cấp chi thường xuyên cho các cơ sở GDĐH tự chủ giảm 27,4% tương đương với 66 tỷ đồng. NSNN cấp chi thường xuyên hiện nay chủ yếu là cấp cho miễn, giảm học phí đối với sinh viên thuộc đối tượng chính sách, hỗ trợ kinh phí học tập cho sinh viên thuộc dân tộc thiểu số không thuộc đối tượng chính sách theo Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, Nhà nước vẫn thực hiện cấp kinh phí thường xuyên đặt hàng đào tạo sinh viên một số ngành đặc thù (nông, lâm, ngư nghiệp) khoảng từ 30 – 40 tỷ đồng/năm.

NSNN cấp cho chi không thường xuyên giai đoạn thí điểm tự chủ giảm 2,5% tương đương với 4 tỷ đồng. Nguyên nhân giảm là NSNN không thực hiện cấp hỗ trợ kinh phí chi tăng cường cơ sở vật chất cho 03 trường thí điểm tự chủ tài chính giai đoạn 2008-2014 và các trường thực hiện thí điểm theo NQ77.

Mặc khác, cấp cho đầu tư XDCB tăng 85,1% từ 230 tỷ năm 2013-2014 lên đến 425 tỷ năm 2015-2016.

Phần vốn này tăng thêm chủ yếu do nhà nước thực hiện cấp tăng vốn đầu tư XDCB cho các dự án đang triển khai dở dang của các trường trước khi tự chủ cho đến khi kết thúc dự án theo đúng lộ trình tự chủ của NQ77 mà Chính phủ cam kết như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, dự án Trung tâm đào tạo trường ĐH Kinh tế Quốc dân, dự án xây dựng cơ sở mới của trường ĐH Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, trường ĐH Tài chính - Marketing, trường ĐH Hà Nội, trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh.

Nhật Hồng