TS trẻ Nguyễn Bá Hải: Kẻ mộng mơ và ích kỷ nhất thế gian!

TS Nguyễn Bá Hải (Giảng viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM) muốn thay đổi xã hội: Muốn thế giới sẽ phải mua máy móc do người Việt sáng chế chứ không phải người Việt mua máy của nước ngoài dùng; Ước mơ cả thế giới sẽ học tiếng Việt thay vì cả thế giới học tiếng Anh; Muốn ly cà phê phin của Việt Nam chứ không phải ly Espresso của Ý là lựa chọn của cả thế giới…

Vì thế, gọi Hải là “Kẻ mộng mơ nhất thế gian” quả “xứng đáng”. Tuy nhiên gọi một nhà khoa học trẻ dành trọn đam mê và tài năng của mình để phụng sự xã hội, phụng sự cộng đồng như Hải là “kẻ ích kỷ nhất thế gian” liệu có oan uổng? Thự tế, “danh hiệu” ấy chính do Hải tự phong cho mình với tất cả lòng…tự hào.

Quả thật, TS Nguyễn Bá Hải là một chân dung gai góc rất thử thách bút lực người viết.

Người ta ngưỡng mộ tài năng của anh thì đúng rồi nhưng đáng quý hơn ở anh lại là tấm lòng với thiên hạ. Hải giỏi trong công việc nghiên cứu, chế tạo của mình nhưng Hải còn là kẻ truyền lửa và tạo cảm hứng trong cộng đồng.

Chỉ ánh mắt long lanh, tinh nghịch như một đứa trẻ nhìn thế giới hay nụ cười hoàn toàn “vô ưu” của Hải, cách Hải say sưa với mọi thứ Hải làm đã đủ biến anh thành một khối nam châm khổng lồ có sức thu hút đặc biệt với mọi người.

Hải trẻ lắm nhưng anh lại có cái tâm thế mạnh mẽ của “kẻ giác ngộ” – một kẻ luôn giữ được cho mình cái nhìn hồn nhiên, từ ái và do đó rất tự tin, lạc quan giữa cuộc đời còn đầy rẫy những bề bộn, trăn trở… “Vẽ” được chân dung của một người như thế quả không dễ dàng.


TS Nguyễn Bá Hải

TS Nguyễn Bá Hải

Kẻ mộng mơ nhất thế gian

28 tuổi, Nguyễn Bá Hải nhận bằng Tiến sĩ trước thời hạn ở tuổi 28 chuyên ngành Biorobotics (Robot sinh học) tại Hàn Quốc với bằng khen và giải thưởng Đề tài Tiến sĩ tốt nhất của trường trong khóa tốt nghiệp. Nhiều lời mới làm việc với mức lương hàng ngàn đô la Mỹ dành cho anh từ đất nước Hàn Quốc nhưng Hải từ chối tất cả để quay về nước, tiếp tục ở nhà trọ, đi xe máy cà tàng đến ngôi trường xưa làm việc và cống hiến.

Mọi người “thất kinh” khi nhìn vào quyết định “kỳ dị” của Hải. Có người lại ngợi ca hết lời cái lý tưởng cống hiến cho đất nước của Hải. Riêng với anh, lí do đơn giản và “thực tế” hơn nhiều: “Nhiều người thích sống ở nước ngoài nhưng với tôi, sống vài năm để học hành thì được chứ sinh sống luôn như quê hương thì không thể.

Ở nước ngoài, tôi thấy thấy mình thật vô dụng nhưng về Việt Nam thì tôi thấy bất cứ cái gì tôi cũng có thể động tay vào làm được. Mà hoạt động là một tín hiệu báo hiệu cho mình biết là mình đang còn sống. Chính vì thế, cuộc sống ở Việt Nam rất thú vị với tôi”.

Hóa ra, lý do Hải về nước chỉ hồn nhiên như thể nó là điều tất yếu phải thế, chẳng có gì phải đấu tranh trong quyết định đó. Ở Việt Nam, Hải được “sống” nhiều nhất, có thể làm nhiều nhất. Tiền bạc không bao giờ là ưu tiên trong cuộc đời của Hải. Cơ hội để thể hiện mình, để phát triển tài năng, để cống hiến thì Việt Nam là nơi lý tưởng nhất. Thế là Hải về thôi. “Về” như là con đường tất yếu với một người trẻ “dám khác biệt” như Hải.

Về nước, Hải lập tức bắt tay vào những dự án “mộng mơ” nhất. Hải xây dựng dự án lớp học 1 đô la Mỹ với tham vọng thay đổi xã hội, bằng cách tập hợp cộng đồng, thổi lửa vào cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, để nhiều người trẻ đam mê làm khoa học đích thực, có khát vọng làm giàu bằng sáng tạo.

Tham vọng của anh là “tìm con đường cứu ngành khoa học Việt Nam” và cách của anh chính là thổi ngọn lửa đam mê làm khoa học đích thực vào những nhà khoa học trẻ. Anh đã dành rất nhiều tâm sức cho dự án này.

Ban đầu, dự án không được hiệu quả do nhiều người học không có thái độ nghiêm túc với việc học. Hải không nản chí. Anh nghĩ ra “chiêu” để dự án thu hút được những người thật sự nghiêm túc và cầu thị. Hải đưa ra điều kiện với học viên là ai muốn tham gia học lớp học thì phải đến trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM… nhặt lá cây một tuần, mỗi ngày nhặt lá 15 phút. Nhiều người khó chịu ra mặt, thậm chí “ngứa mắt” với “bài” này của Hải, nhưng Hải vẫn thản nhiên thực hiện phương cách đó.

Lý do của “gã khùng” này là, ai vượt qua được 1 tuần thử thách đó mới chứng minh họ thật sự nghiêm túc muốn theo học. “Bài” của Hải tỏ ra hữu hiệu, những người đến với lớp học của Hải sau đó đều là những người thực sự nghiêm túc và có khát vọng.

Đến nay, sau 5 năm hoạt động, lớp học 1 đô la của Hải đã giúp khoảng 3.000 thanh niên và người dân yêu khoa học nhận thức rõ đam mê đích thực của bản thân là gì và biết làm sao để biến ước mơ thành sự thật... 3.000 người yêu khoa học đã biết nhận diện đam mê, khám phá bản thân từ lớp học của Hải chắc chắn sẽ tạo ra một sự thay đổi không hề nhỏ cho ngành khoa học Việt Nam nói riêng và cho xã hội Việt Nam nói chung.

Đó cũng chính là mơ ước lớn nhất của Hải: Thay đổi xã hội, cổ vũ những người trẻ cùng mình hành động để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.“Tôi thích thay đổi xã hội. Làm sao, bước ra đường là mình phải thấy vui. Mà muốn ra đường thấy vui thì mỗi người phải cố gắng vì một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn” – Hải tâm sự về giấc mơ lớn nhất của mình.

Song song với dự án lớp học 1 đô la, Hải cùng với các cộng sự của mình còn đắm say với một dự án mộng mơ khác: Gia tăng giá trị nông sản hạt cà phê phát triển công nghệ pha chế độc quyền Nhật – Việt – Ý để tạo ra ly cà phê thuần Việt sạch hơn, lợi hơn, ngon hơn và nhanh hơn.

Sau 2 năm, với 5 phiên bản phát triển đã tạo thêm 10 điểm bán cà phê sạch giá chỉ 10 ngàn đồng, tạo thêm 15 việc làm thu nhập ổn định cho thanh niên khó khăn. Nhờ máy móc và giải pháp cà phê sạch chỉ gói gọn trong 2 mét vuông với chi phí thấp ấy mà người dân khi mua máy kinh doanh thuận lợi hơn trước rất nhiều.

Vượt lên trên những kết quả ban đầu ấy, Hải đặt ra những tham vọng lớn hơn nhiều cho dự án này. Hải chia sẻ, một đất nước xuất khẩu cà phê nhất nhì thế giới nhưng công nghệ pha chế cà phê của Việt Nam gần như bằng 0, đó là một điều vô lý.

Vẫn biết, thế giới có rất nhiều loại máy pha cà phê tuyệt vời, người Việt Nam chỉ cần thụ hưởng những sáng tạo đó bằng cách mua máy móc của thế giới nhưng Hải vẫn muốn sáng tạo máy pha cà phê của mình với suy nghĩ không muốn người Việt Nam phải mua máy của nước ngoài dùng mà người nước ngoài sẽ phải mua máy của người Việt Nam chế tạo để dùng.

Giấc mơ của Hải là: Không phải ly cà phê Esperso là lựa chọn của cả thế giới mà chính ly cà phê phin của Việt Nam và cách pha phin máy của Việt Nam sẽ được yêu thích trên toàn thế giới, máy pha cà phê của Việt Nam sẽ thay thế máy pha cà phê công nghệ Ý.

Nó cũng giống như Hải vẫn mơ Tiếng Việt sẽ trở thành thứ ngôn ngữ được cả thế giới tìm học chứ không phải tiếng Anh. Một giấc mơ quá lãng mạn của người mộng mơ nhất thế gian. Tuy nhiên, chính những giấc mơ dường như “không tưởng” như thế của những người trẻ lãng mạn sẽ hối thúc họ hành động đẩy con thuyền Việt Nam tiến lên mạnh mẽ.

Ích kỷ nhất thế gian?

Trong cuộc gặp mặt các nhà khoa học trẻ do Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức hồi tháng 9/2015, màn đối thoại xoay quanh chiếc kính dẫn đường cho người mù (Mắt thần) giữa TS Nguyễn Bá Hải và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng "nóng" nhất.

Hải thu hút sự chú ý của toàn hội trường khi trình bày dự án làm kính mắt thần (kính dẫn đường) cho người mù của anh. Mắt thần cho người mù không chỉ thu hút Thủ tướng bởi giá trị khoa học mà quan trọng hơn là ở giá trị thực tiễn và tính nhân văn của nó.


TS Nguyễn Bá Hải trao tặng và hướng dẫn dùng kính mắt thần cho người khiếm thị

TS Nguyễn Bá Hải trao tặng và hướng dẫn dùng kính mắt thần cho người khiếm thị

Chắc hẳn, việc sáng chế ra kính mắt thần chỉ đường cho người mù không phải là việc quá khó khăn với nhiều nha khoa học ở Việt Nam nhưng trước TS Nguyễn Bá Hải không có ai đau đáu với việc sáng chế thiết bị này. Phải có tình yêu thương với con người nhiều lắm, đặc biệt là với những người không may mắn mất đi đôi mắt của mình thì mới có thể tự bỏ tiền túi, tự bán xe của mình đi, tự đi xin tiền các doanh nghiệp để nghiên cứu, để chế tạo hàng nghìn kính mắt thần tặng miễn phí cho người mù nghèo trên cả nước như Hải.

Thậm chí, anh đã từ chối lời đề nghị mua bản quyền kính mắt thần này với giá hai tỉ đồng, sẵn sàng “biếu không” cho nhà nước, chỉ cốt sao những người mù (hẳn đa phần là nghèo) sẽ được tặng kính miễn phí hoặc được mua với một giá rẻ nhất.

Hải kể, Hải có ý định chế tạo sản phẩm này từ hồi còn là sinh viên. Trường của Hải khá gần một Hội người mù khi đó định làm băng nói tặng người mù mà chưa thực hiện đã đi du học. Khi về trở về nước, bắt đầu hành trình nghiên cứu và trao tặng “Mắt Thần” cho người khiếm thị, Hải đã gặp rất nhiều người mù vất vả mưu sinh trên đường ngoài chợ với bao nhiêu nguy hiểm rình rập họ…, thương lắm.

Hải tâm sự, khi anh nhìn vào đôi mắt của những người già mù lòa, anh nhìn thấy đôi mắt của bố mình trong đó; Nhìn vào đôi mắt của những em bé mù lòa, anh nhìn thấy đôi mắt của con mình trong đó; Nhìn vào đôi mắt của những thanh niên mù lòa, anh nhìn thấy đôi mắt của chính mình trong đó. Xót thương, ám ảnh, thế là Hải cứ đau đáu khát vọng cải tiến liên tục chiếc kính “mắt thần” cho người mù.

“Mình phải làm một cái gì đó để mình cảm thấy ấm áp, để mình còn có lý do để ở lại thành phố lớn trước những áp lực từ sự ô nhiễm, bụi bặm, công việc thì nhiều khi quá nhiều áp lực và khốc liệt này”. Nghĩ thế, Hải quyết tâm làm bằng được chiếc kính dẫn đường cho người mù và tìm đủ cách để tất cả người mù Việt Nam đều được tặng kính miễn phí hoặc ít nhất sẽ được mua với giá rất rẻ.

Nhìn vào những việc Hải đã làm cho cộng đồng, ai cũng phải trầm trồ ngưỡng mộ “một tầm lòng” với đất nước, với cộng đồng của Hải. Riêng bản thân Hải lại tự nhận mình là người “siêu ích kỷ”: “Tôi chỉ toàn làm những việc tôi thích và đam mê. Tôi chỉ làm những việc mà tôi cho là đúng đắn với lương tâm của mình, với hệ giá trị của mình chưa không quan tâm người khác sẽ nghĩ gì. Rõ ràng tôi là con người ích kỷ nhất thế gian”.

Vâng, Hải chỉ làm những việc mà Hải thích chứ không làm theo những trông đợi của gia đình hay chạy theo những giá trị có thể đang thịnh hành trong xã hội. Hải ích kỷ theo cái nghĩa Hải sống hoàn toàn cho những đam mê của mình, Hải thủy chung với hệ giá trị của riêng mình, nhưng những đam mê của Hải lại là đam mê phụng sự cộng đồng; Những giá trị Hải đeo đuổi lại là giá trị rất nhân văn, rất vì con người; Những thứ Hải đam mê lại là những thứ giúp ích cho cộng đồng. Thế nên, kẻ ích kỉ nhất thế gian ấy lại chính là một tấm lòng trong thiên hạ!

Hãy bớt than thở và đổ lỗi cho hoàn cảnh

Than thở, bức xúc là những thứ chúng ta đang thấy quá nhiều trong xã hội hiện nay. Đất nước còn nghèo, xã hội còn ngổn ngang, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thử thách cho những người trẻ mới bước vào lập thân lập nghiệp. Với những người lựa chọn sống với đam mê như TS Nguyễn Bá Hải thì dường như khó khăn còn chất chồng hơn nữa.

Ngạc nhiên là Hải lại tự nhận Hải là người quá may mắn. “Tôi thấy tôi quá may mắn. Được sinh ra giữa thời hòa bình, có điều kiện thuận lợi để thực hiện đam mê của mình thì đó đã là một điều quá may mắn rồi” – Hải chân thành chia sẻ.

Ấy vậy mà, con người cảm thấy mình quá may mắn ấy từng phải lăn lộn kiếm sống rất vất vả trong suốt những năm đại học, từng bị cái nghèo ám ảnh đến độ tiếc… 200 đồng tiền gửi xe mỗi buổi đến trường; Từng suýt chết vài lần trong khi nghiên cứu khoa học và hiện vẫn “ở nhờ” nhà bố mẹ vợ, tài sản chẳng có gì khác ngoài…mấy con robot và đủ loại máy móc mà Hải tích cóp những tháng lương, những dự án làm thuê cho doanh nghiệp để dành mua được.

Thực ra, cuộc sống của Hải cũng vô vàn khó khăn như bao người thôi. Hải chỉ khác nhiều người là anh luôn tự tìm ra những mầm may mắn ngay trong những khó khăn mà anh gặp phải. Với con người mang sự mạnh mẽ của “kẻ giác ngộ” ấy, thất bại chỉ nâng mình lên chứ chẳng thể hạ mình xuống và nếu cuộc sống càng có nhiều khó khăn thì chỉ càng… thú vị.

Học được từ những thất bại và khó khăn tột độ của bản thân, Hải nghĩ mỗi cá nhân phải bằng tinh thần tự lực, tự cường hóa giải các khó khăn chứ không tìm kiếm các nguyên nhân bên ngoài bản thân mình.

“Chúng ta hãy bớt than thở và đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan hay sự mất công bằng nào đó. Chúng ta, và chính chúng ta, hãy nỗ lực không ngừng mỗi ngày bồi đắp giá trị tâm hồn của bản thân mình bằng những suy nghĩ và việc làm cụ thể để mưu cầu hạnh phúc cho bản thân, gia đình, và cùng chung tay xây dựng một đất nước Việt Nam tươi đẹp!” – Hải nhắn nhủ những lời tâm huyết tới các bạn trẻ.

Theo Hoàng Hương

Tuổi trẻ thủ đô