Đắk Lắk:

Truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho 3 nhà giáo Liệt sỹ

(Dân trí) - Sáng 19/11, tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam và 50 năm Giáo dục thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sở GD-ĐT Đắk Lắk đã công bố Quyết định của Bộ GD-ĐT Truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho 3 nhà giáo Liệt sỹ.

Theo đó, 3 nhà giáo liệt sỹ tại tỉnh Đắk Lắk được Bộ GD-ĐT truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước theo quyết định số 4179/QĐ-BGDĐT, gồm: nhà giáo Trần Văn Chắc (tức Trần Chắc), quê quán tỉnh Quảng Nam, hy sinh năm 1972 tại Phú Yên; nhà giáo Nguyễn Thị Nhâm, quê quán tỉnh Quảng Nam, hy sinh năm 1972 tại Đắk Lắk và nhà giáo Lê Văn Khả, quê quán tỉnh Quảng Nam, hy sinh tại Đắk Lắk.

Truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho 3 nhà giáo Liệt sỹ
Thân nhân và đồng đội 3 nhà giáo liệt sỹ nhận quyết định Truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại buổi lễ.

Ngoài ra tại buổi lễ, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk đã công bố quyết định khen thưởng, tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc cho 38 tập thể đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua, năm học 2011-2012, được Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khen tặng.

Truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho 3 nhà giáo Liệt sỹ
38 tập thể đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc trong phong trào thi đua, năm học 2011-2012, tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Hồng - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk đầy tâm huyết khi nói về nghề nhà giáo: “Nghề dạy học được xem là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Cái cao quý nhất ở đây phải chăng là do tính đặc thù nghề nghiệp tạo nên. Đó là để tạo nên những con người có ích cho xã hội, mỗi thầy cô phải là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo cho học sinh noi theo. Đây là vinh dự to lớn nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề đối với người thầy… Lòng tôn kính của nhân dân đối với người thầy là lòng tôn kính có điều kiện. Người thầy xứng đáng được tôn kính phải là người thầy đáp ứng được lòng tin cậy của xã hội, chứ không phải người thầy bất kỳ. “Tôn sư” luôn gắn liền với “Trọng đạo”.

Viết Hảo