Trượt đại học: Cuộc đời “chấm hết”?

(Dân trí) - 12 năm học hành vất vả, mùa thi đại học được mong đợi nhất đối với rất nhiều học sinh và cả các bậc cha mẹ đã diễn ra. Vào thời điểm này, mỗi thí sinh gần như đã biết chính xác “thượng đế có mỉm cười với mình hay không”.

Đỗ - trượt phải chăng là may rủi? Kết quả trong 3 ngày thi phải chăng là con đường duy nhất để đến được cái đích cao nhất của cuộc sống? Với những ai “không may mắn đỗ”, một hành trình mới, một cuộc sống mới dù không như dự định vẫn bắt đầu!

Làm sao để bạn đón nhận kết quả một cách tích cực?

Bạn có thể hiểu rằng cánh cửa đại học không phải là con đường duy nhất để bạn bước vào đời, dù đó là cánh cửa mà nhiều người thấy tự hào, nhưng đó không phải là con đường duy nhất để khẳng định mình.

Mong muốn bước vào cánh cửa ấy hoàn toàn chính đáng. Nhưng nếu bạn phải lùi một bước, hoặc phải bước sang cánh cửa khác thì cuộc sống cũng vẫn nở hoa trên con đường bạn đi, khi bạn học hỏi và cố gắng.

Bạn sẽ học được gì sau một lần thi trượt?

Một cách thường thấy là mỗi lần thi trượt, dù ở kỳ thi nào cũng khiến thí sinh thấy buồn, chán và thất vọng. Nhưng đã khi nào bạn nghĩ bạn được gì sau một lần thi trượt? Bạn học được cách trải nghiệm và vượt qua khó khăn. Bạn học được cách để hiểu cảm xúc của người khác khi có một việc không được như ý muốn hay khi họ thất bại.

Bạn cũng có thể học được cách nhìn thẳng vào sự thất bại của mình. Và hơn tất cả là bạn học được những kinh nghiệm để lần sau bạn bước những bước đi chắc chắn và thành công hơn.

Và bạn còn học được, tất cả những nguyên nhân ấy đều có thể có giải pháp!

Giải pháp trước tiên là bạn có đủ bình tĩnh và sáng suốt để xác định nguyên nhân thực sự khiến bạn thi trượt là gì không? Bạn sẽ nhìn vào nguyên nhân ấy một cách tích cực hay tự đổ lỗi cho mình, bất cần và chán nản? Những cảm xúc tiêu cực kéo dài sẽ hạn chế khả năng tư duy của bạn. Nó cũng khiến bạn khó đưa ra được một quyết định phù hợp.

Ngược lại, bạn nhìn nhận vấn đề với lòng dũng cảm và đương đầu với thất bại ấy - Đương đầu với bản thân mình, với những cảm giác thất bại và buồn chán. Đương đầu với những đánh giá vô tình hay ác ý của những người xung quanh.

Nhưng bạn thấy, có mấy ai không gặp thất bại? Có mấy ai chỉ có thành công và sung sướng mà không phải cố gắng và cố gắng?

Khi bạn đã đối mặt được với vấn đề của mình rồi, bạn có thể tìm cho mình một khoảng thời gian thư giãn và tĩnh tâm để lập kế hoạch cho tương lai chưa? Lần đầu tiên thi, cánh cửa đại học đang khép lại. Bạn sẽ tìm cơ hội để mở cánh cửa ấy ra lần nữa hay sẽ bước vào một cánh cửa khác. Nhưng dù bạn lựa chọn giải pháp nào thì đã bao giờ bạn tự hỏi bạn thực sự muốn cuộc sống bạn trở nên như thế nào chưa? Bạn lựa chọn con đường ấy là cho chính mình hay vì mong đợi của gia đình, hay vì một ai đó? Khi bạn đi trên con đường của chính bạn, niềm tin và lòng say mê sẽ là động lực giúp bạn thành công.

Khi một tinh thần khoẻ mạnh với những suy nghĩ tích cực, lạc quan và sẵn sàng đón nhận thử thách, cuộc sống của bạn sẽ có nhiều điều tốt đẹp hơn!

“Đừng khép mình với những nỗi lo” - Ý kiến của chuyên gia tư vấn Ths Tô Thị Hạnh, phòng Tham vấn tâm lý, Tham vấn, nghiên cứu và tâm lý học cuộc sống - SHARE (101 Giang Văn Minh, Hà Nội)

“Khi không thi đỗ, các em rất dễ có tâm trạng mặc cảm. Các em có thể sống thu mình lại, không muốn trò chuyện cùng ai. Có em muốn tránh mặt cha mẹ, vì chính cha mẹ là người nuôi dưỡng, là người đặt rất nhiều niềm tin, niềm hi vọng vào sự đỗ đạt của con nên cũng chính là người con cảm thấy mình có lỗi nhất.

Để giúp con giải tỏa tâm trạng buồn chán, thất vọng, tránh cho con những hành vi tiêu cực, mà đau lòng nhất là có hành vi tự sát, cha mẹ không nên tiếp tục gây áp lực cho con bằng những lời trách móc than vãn, hay cả những sự chăm sóc, dỗ dành con thái quá sẽ khiến con cảm thấy mình trở nên yếu đuối hơn.

Hãy quan tâm đến con, chia sẻ cảm xúc của con để con thấy rằng, đó là một thất bại nhưng không phải là dấu chấm hết. Tương lai của con mới bắt đầu, con còn rất nhiều cơ hội thành công phía trước. Đã từng có bao nhiêu lớp học sinh không thi đỗ đại học bây giờ cũng đã có con đường riêng, sự nghiệp riêng của mình. Một điều cũng rất quan trọng là: Hãy để lớp trẻ đi trên đôi chân của mình với sự hỗ trợ tốt nhất của cha mẹ!”.

Duy Khánh - Linh Giang