Trường nghề tìm cách “hút” học viên

Đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường quảng bá hình ảnh, nhiều chính sách ưu đãi... là những biện pháp để trường nghề thu hút học viên.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) vừa kết thúc cũng là lúc các trường nghề tại TP HCM bắt đầu tăng tốc tuyển sinh. Sự cạnh tranh quyết liệt giữa các trường thể hiện qua việc liên tục cải tiến chương trình đào tạo nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu người học, nhất là học sinh tốt nghiệp THPT có ý định học nghề.

 

Đa dạng hóa loại hình đào tạo

 

Từ đầu năm 2013, Ban Giám hiệu Trường Trung cấp Xây dựng TP HCM (trực thuộc Sở Xây dựng TPHCM) đã hoàn chỉnh kế hoạch tuyển sinh năm học 2013-2014. Nhằm phục vụ nhu cầu học tập của học sinh, trường tổ chức đào tạo chương trình trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) 2 năm + 3 tháng cho ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp. Chương trình này, ngoài các học phần chuyên môn còn có các học phần toán, lý, hóa, văn dành riêng cho học sinh đã hoàn thành chương trình lớp 12 nhưng chưa tốt nghiệp THPT. Việc khai giảng được tiến hành nhiều đợt, bắt đầu từ tháng 7/2013. Năm nay, trường xét tuyển 1.350 chỉ tiêu dựa trên điểm trung bình 2 môn toán, lý lớp 12.

 
Các học viên Trường Trung cấp Xây dựng TPHCM trong giờ thực hành. (Ảnh: Khánh An)
Các học viên Trường Trung cấp Xây dựng TPHCM trong giờ thực hành. (Ảnh: Khánh An)
 

Năm học 2013-2014, Trường Trung cấp nghề kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng (trực thuộc LĐLĐ TPHCM) sẽ tổ chức đào tạo hệ sơ cấp nghề, thời gian học từ 3-12 tháng. Học sinh có thể chọn lựa các nghề dễ học, dễ tìm việc, như: quấn dây máy điện, thiết kế trang web, kế toán doanh nghiệp, bảo trì hệ thống nhà cao tầng, kỹ thuật đồ họa, truyền thông đa phương tiện, thiết kế và quản trị hệ thống mạng máy tính; lắp ráp, cài đặt máy tính và quản trị hệ thống mạng máy tính. Ngắn hơn là các lớp dạy nghề thường xuyên (dưới 3 tháng, thậm chí một tuần) hoặc các lớp chuyên đề (dưới 30 tiết) theo nhu cầu của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. "Năm tháng đầu năm 2013, đã có 2.730 học viên theo học loại hình này. Cùng với sơ cấp nghề, đây là loại hình đào tạo phù hợp cho những người đang làm việc có nhu cầu nâng cao tay nghề hoặc muốn chuyển đổi nghề nghiệp" - ông Lê Văn Kiệm, hiệu trưởng nhà trường, cho biết thêm.

 

Quảng bá, ưu đãi

 

Đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh cũng là một trong những biện pháp được các trường nghề thực hiện để tiếp cận học viên. Ông Nguyễn Lê Đình Hải, Trưởng Phòng Đào tạo Trường CĐ Nghề Nguyễn Trường Tộ, cho biết chuẩn bị cho năm học 2013-2014, ngoài tư vấn tuyển sinh ở các trường THPT, THCS trên địa bàn TP, trường còn đẩy mạnh tuyên truyền ở các trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX), các tỉnh ĐBSCL, Tây Nguyên để tiếp thị hình ảnh. "Các TTGDTX tại TP và các tỉnh, thành có số lượng học sinh khá đông, phần lớn có xu hướng học nghề nhưng ít có cơ hội tiếp cận thông tin về trường nghề. Vì vậy, nhà trường tích cực mở rộng kênh tuyển sinh cho đối tượng này" - ông Hải giải thích. Năm học 2013-2014, trường còn dành hơn 300 triệu đồng hỗ trợ học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

 

Quảng bá mạnh cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp là chiến lược của Trường CĐ Nghề TP HCM. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Trưởng Phòng Đào tạo, Trường CĐ Nghề TP, cho biết: "Mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh học sinh là việc làm ổn định hay không. Do đó, khi đến các trường THPT, THCS làm công tác phân luồng, tư vấn tuyển sinh, ngoài việc giới thiệu về cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy, chúng tôi còn chủ động cung cấp cho phụ huynh, học sinh thông tin về các chương trình hợp tác, giới thiệu việc làm của nhà trường để bảo đảm đầu ra cho sinh viên".

 

Để thu hút học viên, mới đây, Trường Trung cấp Bách khoa Sài Gòn đã thuyết phục thành công một số doanh nghiệp Nhật Bản ký kết hợp tác, tài trợ một phần học phí cho tất cả học viên. Theo đó, suốt quá trình học, học viên được hỗ trợ 30% học phí. Ngoài ra, tiếp sức cho học viên còn có quỹ học bổng của nhà trường và ký túc xá dành cho học viên ở xa (miễn phí 3 tháng đầu).

 

 Cạnh tranh bằng chất lượng đào tạo

Ông Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Xây dựng TP, cho biết để thu hút học viên, trường thường xuyên cải tiến chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm vào nội dung học tập; gắn lý thuyết với thực hành, rèn luyện kỹ năng mềm và giáo dục đạo đức. Mong muốn của nhà trường là giúp học sinh có được nhiều kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để có thể trụ vững tại nơi làm việc.

 

Theo An Khánh - Hồng Nhung
Người Lao Động