Trường ĐH đầu tiên ở Việt Nam dạy bằng tiếng Anh

(Dân trí) - Theo sự phê chuẩn mới đây của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Thiện Nhân, trường ĐH Việt - Đức (VDU) sẽ được thành lập tại TPHCM và chính thức hoạt động vào tháng 9 tới.

Trước hết, VDU sẽ trực thuộc ĐHQG TPHCM. Từ năm 2009, phía Việt Nam sẽ xây dựng khuôn viên độc lập của VDU tại phần đất của trường.

Ngoài việc đào tạo ĐH, hàng năm VDU sẽ hỗ trợ hàng năm 85 suất nghiên cứu sinh tại bang Hessen (Đức). Những học bổng nghiên cứu sinh đầu tiên dự kiến sẽ được trao vào tháng 3 năm nay.

Hoạt động không vì lợi nhuận

Theo Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bành Tiến Long, VDU sẽ là trường đại học (ĐH) hàng đầu theo tiêu chuẩn của Đức trong giảng dạy, nghiên cứu và quản lý. Dự án thành lập trường được thỏa thuận ở cấp chính phủ giữa Bộ GD - ĐT Việt Nam và Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen (Đức).

Kỳ vọng của những người làm công tác quản lý giáo dục ĐH ở Việt Nam là VDU sẽ trở thành trung tâm chính về khoa học, công nghệ và kinh tế với những tiêu chuẩn hàng đầu cho Việt Nam và khu vực Đông nam Á.

Trước hết, VDU tập trung đào tạo các ngành học có thế mạnh nhất của Đức và các lĩnh vực cần thiết nhất đối với Việt Nam. Các ngành được ưu tiên hàng đầu là kỹ thuật, kinh tế và khoa học tự nhiên.

Những khóa học đầu tiên cho giai đoạn khởi động từ 2008 đến 2012 đã được xây dựng trong những ngành học sau: Chế tạo máy, Kỹ sư xây dựng, Kỹ thuật điện, Tài chính và ngân hàng (trình độ thạc sĩ), các ngành khoa học đời sống (Quản lý sức khỏe, Chăm sóc người bệnh).

Trong giai đoạn khởi động này, 80% đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy đều đã được đào tạo theo tiêu chuẩn Đức hoặc châu Âu.

Hiện nay có khoảng 125 ngàn người Việt Nam đang sinh sống tại Đức, riêng tại Hessen đã có khoảng 4.000 người. Bang Hessen và Việt Nam đã gắn bó với nhau trong mối quan hệ hữu nghị lâu năm, mối quan hệ được bắt nguồn và thắt chặt thông qua tổ chức Hỗ trợ Đại học Đức (WUS).

 

Thông qua WUS, từ 15 năm nay Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen đã cấp các suất học bổng tại chỗ cho sinh viên Việt Nam (hiện nay là 110 suất mỗi năm, kể từ 2008 sẽ là 150 suất mỗi năm) và học bổng cho các chương trình nghiên cứu sinh tại Hessen.

 

Trường ĐH Việt - Đức ra đời từ nguyện vọng thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.

VDU là một trường ĐH công, phi lợi nhuận và lấy kinh phí hoạt động từ nguồn tài chính công, từ học phí và đóng góp của các doanh nghiệp. Ngoài sự hỗ trợ tài chính từ bang Hessen, còn có một số công ty lớn đã cam kết hỗ trợ tài chính cho trường. Về lâu dài, những hỗ trợ của nhà nước cho VDU sẽ được thay thế thông qua sự tham gia của các đối tác khác và mức học phí phù hợp.

Việt Nam sẽ đảm bảo cho VDU có quyền tự chủ lớn thông qua một nghị định riêng sẽ được ban hành trong thời gian tới. 

Năm 2008: 150 chỉ tiêu đào tạo

Theo giám đốc điều hành DVU ông Alecxander Viethen, trước mắt VDU sẽ tuyển sinh 30 SV cho mỗi chuyên ngành của 5 chuyên ngành ban đầu.

Các khóa học sẽ được giảng dạy trước hết bằng tiếng Anh và tiếng Đức. Sau khi đã tham gia học dự bị ĐH và qua các khóa học tiếng Đức song song, SV sẽ có khả năng theo học và tốt nghiệp VDU bằng tiếng Đức, và cũng như vậy, SV sẽ có thể học ĐH tại Đức. Về mặt trung hạn, VDU sẽ tiến hành thực hiện việc kiểm định chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, VDU sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình đào tạo mới phù hợp với nhu cầu của Đức và Việt Nam, sẽ tăng số lượng SV của mỗi chuyên ngành và số lượng giảng viên Việt Nam. Trong giai đoạn phát triển sau cùng (năm 2020), dự kiến trường sẽ có từ 2.000 đến 5.000 SV theo học, số giảng viên Đức tham gia giảng dạy sẽ ổn định ở mức 20% đồng thời chất lượng đào tạo sẽ được đảm bảo theo tiêu chuẩn Đức.

Mai Minh