Trông giữ học sinh tiểu học: Nghiêm cấm các hình thức biến tướng

(Dân trí) -Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có văn bản hướng dẫn quản lý, tổ chức trông giữ ngoài giờ, bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống đối với học sinh tiểu học. Theo đó, việc tổ chức trông giữ ngoài giờ không thực hiện vào ngày thứ 7 và chủ nhật.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội nhấn mạnh, hoạt động trông giữ học sinh ngoài giờ học chính khóa là hoạt động đáp ứng nhu cầu gửi con của cha mẹ học sinh (vì không có điều kiện trông giữ hoặc đón về nhà đúng giờ). Đồng thời, muốn con được tăng cường thêm về kiến thức, kĩ năng các bộ môn năng khiếu..

Hoạt động trông giữ học sinh ngoài giờ học chính khóa không phải là hình thức tổ chức dạy thêm học thêm. Không được biến các nhóm lớp trông giữ thành các lớp dạy thêm học thêm các môn văn hóa. Hoạt động trông giữ học sinh ngoài giờ học chính khóa phải đảm bảo về chất lượng giáo dục, thời gian, sức khỏe, an toàn cho học sinh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

“Cha mẹ học sinh có nhu cầu đăng ký trên tinh thần tự nguyện. Tuyệt đối nhà trường, giáo viên không không dùng các biện pháp trực tiếp hay gián tiếp gợi ý, ép buộc học sinh tham gia” - lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay.

Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội, đối với dạy học hai buổi trên ngày (10 buổi/tuần) thì việc tổ chức các câu lạc bộ trong trường nhằm trông giữ trẻ sau giờ học buổi thứ hai (sau khi học xong chương trình quy định trong ngày) phải đảm bảo các yêu cầu về điều kiện mở lớp, nội dung hoạt động, thời gian trông giữ, tổ chức hoạt động. Cụ thể, về điều kiện mở lớp phụ thuộc vào nhu cầu của cha mẹ học sinh (tự nguyện có đơn đăng kí cho con tham gia); Trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đảm bảo vệ sinh, an toàn theo quy định; Đủ lực lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Về nội dung hoạt động thì Ban Giám hiệu xây dựng kế hoạch quản lý và chỉ đạo nội dung các hoạt động; Phân công trách nhiệm từng cá nhân phụ trách hoạt động cụ thể ở từng lớp, nhóm lớp. Lựa chọn nội dung hoạt động (phối hợp trông giữ): Có thể tổ chức các hoạt động tập thể có nội dung thiết thực, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh có tác dụng giáo dục toàn diện, dưới hình thức vui chơi gắn với tăng cường về kiến thức, kĩ năng các môn năng khiếu như Âm nhạc, Mỹ thuật, Cờ vua, Cờ tướng Thể dục thể thao và Kĩ năng sống. Tổ chức các hoạt động sao cho phù hợp với đối tượng học sinh theo cùng trình độ từng lớp, nhóm lớp; Các hoạt động phải được thống nhất trong Hội đồng trường và công khai với giáo viên và cha mẹ học sinh.

Về thời gian trông giữ, tổ chức hoạt động không quá 70 phút (tương đương 2 tiết học) sau buổi thứ hai. Tuyệt đối không nhận tổ chức trông giữ vào thứ bảy và chủ nhật.

Đối với trường dạy học một buổi trên ngày (5 buổi/tuần) thì tổ chức trông giữ trẻ một buổi còn lại trong ngày (ngoài một buổi dạy học trong chương trình theo quy định) ở ngoài nhà trường phải đảm bảo các yêu cầu: Cha mẹ học sinh có nhu cầu (tự nguyện có đơn đăng kí cho con tham gia); Phòng học, phòng trông giữ chăm sóc trẻ (kể cả phòng thuê ngoài nhà trường) tối thiểu có đủ điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn cho học sinh: Khung cảnh sư phạm, đảm bảo bình quân 1m2/học sinh; đủ bàn ghế, bảng đúng qui cách, có điện, nước, khu vệ sinh, thiết bị phòng chống cháy nổ, phòng chống tai nạn thương tích, y tế, môi trường không ô nhiễm, ồn ào, không gây ảnh hưởng đến khu dân cư.

Đủ lực lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên. Phân công trách nhiệm từng cá nhân phụ trách hoạt động cụ thể ở từng lớp, nhóm lớp; Mỗi nhóm trông giữ không quá 25 học sinh (trường hợp quá 25 học sinh cần bố trí 2 giáo viên trông giữ).

Ban Giám hiệu xây dựng kế hoạch quản lý và chỉ đạo nội dung các hoạt động: 1/3 thời gian của mỗi buổi (sáng hoặc chiều): giáo viên hướng dẫn học sinh tự học thay vì học sinh phải học và làm bài tập ở nhà.

2/3 thời gian của mỗi buổi: tổ chức các hoạt động như: đọc truyện, kể chuyện, văn nghệ, vẽ, thể dục thể thao, chơi các trò chơi dân gian lành mạnh...(hoặc kết hợp với trò chơi có tích hợp bồi dưỡng thêm kiến thức kĩ năng một phần nhỏ nội dung bài học các môn khác trong ngày .Ví dụ: Hái hoa dân chủ trả lời câu đố vui, đóng kịch, tiểu phẩm... sao cho phù hợp với đối tượng học sinh theo cùng trình độ/từng lớp, nhóm lớp).

Đảm bảo an toàn tuyệt đối việc đưa đón học sinh trước hoặc sau giờ học chính khóa đến các địa điểm trông giữ; Các hoạt động phải được thống nhất trong Hội đồng trường và công khai với giáo viên và cha mẹ học sinh.

Nhằm đảm bảo không có hình thức biến tướng trong việc tổ chức trông giữ ngoài giờ đối với học sinh tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội giao cho Hiệu trưởng các trường tiểu học có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, kiểm tra và thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh về việc tổ chức trông giữ học sinh ngoài giờ học.

Đối với việc trông giữ sau giờ học chính khóa mô hình câu lạc bộ: BGH nhà trường căn cứ đơn đăng ký tự nguyện của cha mẹ học sinh, lập kế hoạch cụ thể và báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của phòng GD-ĐT. Đối với việc trông giữ một buổi (trường học 1 buổi/ngày): căn cứ đơn đăng ký tự nguyện của cha mẹ học sinh, ban giám hiệu (BGH) nhà trường lập kế hoạch, phân công giáo viên có điều kiện và khả năng tham gia hoạt động trông giữ, xây dựng cụ thể chương trình (thời khóa biểu), kiểm tra điều kiện về cơ sở vật chất và thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh của từng lớp.

Các nhà trường tổ chức các hoạt động ngoài giờ học cho học sinh phải được cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý.

Liên quan đến khoản thu chi trong việc quản lý trông giữ ngoài giờ, Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay, trong khi Thành phố chưa có quy định cụ thể về việc thu chi. Các trường lập dự toán thu, chi tài chính theo tinh thần thỏa thuận với phụ huynh học sinh, thu đủ chi.

Nội dung chi: chi trả tiền ăn (nếu có), tiền điện, nước, vệ sinh, cơ sở vật chất phục vụ cho việc quản lý học sinh ngoài giờ; chi chế độ bồi dưỡng ngoài giờ cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên tham gia quản lí và phục vụ các lớp, nhóm lớp; chi trả tiền thuê mượn địa điểm với những trường phải thuê địa điểm ngoài nhà trường (việc hợp đồng thuê, mượn cơ sở vật chất với các tổ chức hoặc cá nhân phải đảm bảo đúng các qui định của pháp luật). Nội dung thu và chi phải đưa vào hệ thống sổ sách kế toán, Quy chế chi tiêu nội bộ của trường.

Nguyễn Hùng