Trò “chấm điểm” thầy tại Đại học Liège

(Dân trí) - Nội dung bài viết dưới đây xin được xem như một thí dụ chứ không phải là một kiểu mẫu giáo dục. Tất cả những chính sách, qui chế, tổ chức... đại học tùy thuộc rất nhiều yếu tố về truyền thống, lịch sử, văn hóa, nhân lực, phương tiện hiện hữu...

1. Bối cảnh của việc trò “chấm điểm” thầy tại Đại học Liège (Bỉ)

Chúng tôi là một Đại học nhỏ, 20.000 sinh viên, một Đại học xưa gần 200 năm tuổi, đã có thời hoàng kim trong hai thế kỷ trước, nhất là với trường Kỷ sư, nhưng hiện không có trong danh sách 200 Đại học hàng đầu thế giới.

Bù lại chúng tôi có truyền thống rất mở: tôn trọng tất cả chính kiến, đảng phái và tôn giáo (có những Đại học ở Bỉ ít tự do hơn chúng tôi).

Đại học Liège nằm trong một khu rừng xanh rộng 2.000 mẫu. Cái hiền hòa và thoáng mát của khung cảnh có thể làm cho con người thoải mái và lịch sự với nhau chăng?

Hệ thống giáo dục ở Bỉ có thể tóm tắt trong ba điểm chính :

- Cưỡng bức và miễn phí hoàn toàn cho tất cả trẻ em tới năm 18 tuổi

- Hệ cao đẳng và đại học được tài trợ bởi chính phủ (từ 10.000 euros tới 15.000 euros cho mỗi sinh viên tùy theo năm và ngành học - sinh viên chỉ đóng từ 400 tới 900 euros mỗi năm).

- Giáo dục phổ thông có một khung chương trình được chính phủ đề ra, dựa theo đó các trường có quyền uyển chuyển sửa đổi áp dụng. Cấp đại học thì hoàn toàn tự do. Nhiều sinh viên chọn trường và chọn môn học trên cơ sở tiếng tăm của trường hay của giáo sư chẳng hạn (kiểu “lên núi tầm sư học đạo” của ta ngày xưa).

Ngoài những chi tiết kể trên, phải kể thêm sơ lược về bối cảnh văn hóa đại học :

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

- Liên hệ giữa thầy và trò không phải là một liên hệ thẳng trên - dưới, mạnh - yếu mà là một liên hệ tam giác giữa người đi học - kiến thức và người đi dạy. Ba “nhân tố” này đều quan trọng cả ba. 

- Sinh viên chọn một ngành học vì nhiều lý do trong đó có sở thích cá nhân, sinh viên “đóng” một vai trò tích cực chứ không thụ động hấp thụ sự truyền đạt của thầy.

- Trong một xã hội mà càng ngày càng chuyên môn hóa - chuyên ngành chuyên nghề, đòi hỏi sự xuất sắc là cần thiết thì  phải dùng mọi phương tiện để đạt được kết quả đó - “chấm điểm” thầy là một trong những phương tiện .

- Riêng tại Liège, đầu những năm 1990, Jean Thérer, một giáo sư ngành giáo dục đã đặt ra “Tuyên Ngôn Quyền của người đi học”  làm nền móng cho một kiểu cách sư phạm nặng tính nhân bản.

2. Cụ thể trò ”chấm điểm” thầy thế nào?

Chiến dịch - opération -  được đặt tên là “SMART Evalens”  được hiểu là  “hệ thống phương pháp giúp thực hiện trắc nghiệm đánh giá giáo sư”  (Système Méthodologique d'Aide à la Réalisation de Tests d'Evaluation des Enseignants)  nhưng chữ Smart được tất cả cộng đồng giáo dục nhớ liền, nó “khả ái” làm sao ấy !

Bảng điều tra chỉ có một tờ, theo nguyên tắc chỉ cần 10 đến 20 phút là điền xong. Thời gian này tùy theo độ dài của  3 câu trả lời mở cuối bảng điều tra.

Ba câu này hỏi ý kiến cá nhân của sinh viên về môn học, về những bài tập ứng dụng hay bài tập có hướng dẫn và về các cuộc thi của môn ấy. Ba câu trả lời này được dành cho ba khung, chiếm nửa trang giấy, tức là một phần tư diện tích của bảng điều tra - vì chúng quan trọng,  thể hiện phê bình riêng tư của từng sinh viên.

Ba câu trả lời này đòi hỏi nhiều thì giờ và công sức để khai thác, phân tích và đúc kết vì phải đọc bằng... sức người. Những câu “đặc sắc” hay được nhiều sinh viên viết ra sẽ được chép y nguyên lại đưa cho giáo sư liên hệ cùng với những kết quả khác.

Tất cả trên 50 câu hỏi khác (một trang rưỡi của tờ điều tra) đều được trình bày để có thể trả lời bằng cách tô đen. Như thế,  máy tính đọc được và phân tích kết quả bằng chương trình tin học.

Sinh viên chỉ việc “cho điểm” từ 1 thấp nhất đến 5 - hiện nay là tới 6 - điểm cao nhất cho mỗi mục (item) - có quyền không trả lời hay có thể đánh dấu “không liên hệ”

Những câu hỏi này thuộc ba chủ đề :

. Phê bình những bài giảng của môn dạy: 16 câu hỏi đi từ chi tiết cụ thể (giờ giấc, giọng nói, dụng cụ sư phạm, giáo trình...)   cho đến nội dung (có phù hợp với chủ đích của ngành, có giúp cho sinh viên học hỏi thêm, tiến bộ trong chuyên môn, có trùng hợp với các môn khác...)  và dĩ nhiên,  phương pháp sư phạm (có thích hợp với trình độ của sinh viên, có trả lời những khó khăn của sinh viên, có đam mê và truyền đạt cái đam mê ấy cho sinh viên...)

- Phê bình các cuộc thi : 13 câu về cách hỏi thi, cách tổ chức các cuộc thi, cách giáo sư chuẩn bị cho sinh viên học thi, những gì giáo sư chờ đợi nơi sinh viên, chỉ tiêu, “thể lệ” hay cách chấm điểm có được cho biết trước hay không, câu hỏi bài thi có bao phủ hết môn học hay không, ...

- Phần thứ ba, quan trọng nhất: 22 câu về bài tập ứng dụng, tham khảo thêm có hướng dẫn hay lâm sàng (cho sinh viên Y khoa và Thú Y)

Trên bình diện sư phạm, sinh viên không thể chỉ biết lý thuyết thôi mà còn phải biết ứng dụng, biết làm, để biết xoay sở trước mọi tình huống sau này, để tự lập. Chúng tôi vẫn nói, một cách hơi quá đáng,  “dạy học tức là giải phóng” (ít nhất là giải phóng cho sự kém hiểu biết) và “người có tri thức là người tự do”.

Ở đây sinh viên phán đoán tầm quan trọng mà giáo sư dành cho các bài tập thực dụng, tổ chức việc làm của các trợ tá đặc trách lo cho sinh viên, công tác điều khiển sinh viên trong quá trình tự học thêm, sự tận tụy giúp đỡ sinh viên, ...

Triết lý mà nói, nếu phần ứng dụng này giáo sư làm tốt thì giáo sư rõ là người “khai tâm”, dạy cách học (apprendre à apprendre) cho sinh viên tiếp tục con đường tự học trong suốt quãng đời còn lại.

Cái đánh giá của mỗi sinh viên là chủ quan. Nhưng các mục đưa ra đều cụ thể, có thể “đong và đếm” được.

Dỉ nhiên mỗi bảng điều tra đều có phần hành chính ghi  môn học, tên giáo sư dạy, phân khoa, năm học, ngày điền bảng chấm điểm nhưng tuyệt nhiên không có tên họ của sinh viên, tác giả bảng chấm điểm.  

3. Sau đó ?

Phần “khổ sở” tức là công việc của phân khoa sư phạm: khai thác, phân tích và cô đọng các kết quả.

Một công việc nặng vì cả Đại học có hơn cả ngàn giáo sư, dạy ba ngàn môn. Thế nên công việc không thể tái diễn mỗi năm cho mỗi môn mà  thông thường cứ khoảng 5 năm một lần cho mỗi người.

Mỗi giáo sư sẽ nhận được đúng là bảng điều tra với số điểm của mình cho từng mục. Như thế, người đứng trên bục giảng biết được phản ảnh của sinh viên, chỗ nào được, chỗ nào còn thiếu qua nhận định của học trò mình. Và nhất là các ý kiến cá nhân của các sinh viên qua các câu trả lời tự do.

Đồng thời mỗi giáo sư còn nhận được một đồ thị bảng “điểm trung bình” của tất cả các đồng nghiệp cùng một khoa hầu có thể xác định vị trí của cá nhân (trên hay dưới trung bình đó - và trên hay dưới chỗ nào, phạm vi nào) .

Vấn đề đăng các kết quả của “Smart Evalens - đánh giá giáo sư” lên trang nhà nội bộ (intranet) của Đại học đã được bàn đến cách đây mấy năm. Hiện vẫn chưa ngã ngũ.

Nguyên tắc tự do sư phạm không cho phép bất cứ ai, kể cả Viện trưởng Đại học, áp dụng một chế tài nào đối với các giáo sư -  để khen thưởng hay chê bai - Thế nhưng phải nói là cộng đồng đại học ở Liège thoải mái với việc sinh viên cho điểm giáo sư. Có thể vì đại đa số ý thức được vai trò và bổn phận của mình, có thể vì tinh thần trách nhiệm của cá nhân cao.

Một “bảng điểm tốt” là một phần thưởng tinh thần to lớn đối với người mang nghề “bán cháo phổi”, là một đền bù vô giá cho những giờ cặm cụi soạn giáo trình, chuẩn bị ảnh đèn chiếu (hồi xưa) hay power point (bây giờ), lên giảng đường, ...

Những phê bình tiêu cực lại rất là quí giá: một người giỏi nghiên cứu (tất cả giáo sư Đại học qua bổ nhiệm đều là những chuyên gia có giá trị và đã được cộng đồng khoa học quốc tế  thừa nhận)   chưa hẳn là một nhà sư phạm  (vì khả năng sư phạm không phải là bẩm sinh)  nên đánh giá của sinh viên giúp người đi dạy  biết sở trường sở đoản của mình để làm tốt hơn.

Mà cũng có thể giáo sư bị phê bình tiêu cực chỉ vì nhu cầu của đa phần sinh viên một lớp nào đó khác đi so với thường lệ. Mà việc dạy học là một việc chung của người dạy và người học, hai người đi cùng một khúc đường với một chủ đích duy nhất: làm chủ cái hiểu biết.

Hai người đồng hành thì phải sóng bước cùng nhịp với nhau. Không để ý tới nhu cầu và nhận xét của sinh viên, chúng không học tốt thì người đi dạy thất bại. Tệ hơn nữa, không trả lời được chờ đợi của sinh viên, chúng chán nản, không tới lớp, người đi dạy sẽ giảng cho bốn bức tường của giảng đường ư ?

Nếu cần, các giáo sư có thể gọi “cầu cứu” bên bộ phận sư phạm của phân khoa. Bộ phận này làm việc trên cơ sở theo nhu cầu, không áp đặt.  Cùng với giáo sư nhờ giúp, họ sẽ phân tích hoàn cảnh, vốn khả năng của sinh viên, đặc thù và đòi hỏi của môn học để hướng đến những giải pháp sư phạm có thể thích ứng.

Trong tương lai, các giáo sư Đại học sẽ phải chứng minh khả năng sư phạm bằng một chứng chỉ hay bằng cấp chuyên môn.

Nhìn chung, hai phân khoa “dị ứng” nhất, lúc đầu, đối với việc sinh viên chấm điểm giáo sư là Y khoa và Luật khoa. Vì đó là hai phân khoa bảo thủ nhiều hơn. Nhưng tình hình cũng thay đổi và chúng tôi áp dụng hình thức dân chủ này từ hơn hai mươi năm nay.

Sinh viên ở Liège xem việc cho điểm giáo sư là một việc bình thường, cũng bình thường như việc đại diện của sinh viên (qua bầu cử) họp cùng với giáo sư trong Hội đồng Quản trị Đại học hay Hội đồng phân khoa  hầu giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc sống của Đại học hay của phân khoa. 

Nguyễn Huỳnh Mai

 

LTS Dân trí - Trước hết xin cảm ơn giáo sư Nguyễn Huỳnh Mai đã nhiệt tình viết tiếp bài thứ hai nói rõ hơn về cách tổ chức cho trò “chấm điểm” Thầy ở Đại học Liège (Bỉ) theo yêu cầu của những đồng nghiệp tại Việt Nam..

Mặc dù tác giả coi bài viết trên đây chỉ là một thí dụ nhưng đã đem lại nhiều thông tin bổ ích về ý tưởng cũng như cách thức tổ chức và hiệu quả thiết thực của việc “trò chấm điểm Thầy” tại Đại học Liège, một trường Đại học đã có gần 200 năm tuổi. Đấy cũng là những thông tin gợi mở cho việc xác định nội dung cũng như xây dựng các tiêu chí khách quan trong việc “chấm điểm” Thầy của sinh viên và cách xử lý kết quả đó đối với các trường đại học nước ta.

Dòng sự kiện: Trò "chấm điểm" Thầy