Tranh cãi quy định giáo viên bản ngữ không được gọi học sinh bằng tên tiếng Anh

(Dân trí) - Ngành giáo dục TPHCM đặt ra quy định, giáo viên bản ngữ tuyệt đối không được đặt tên tiếng Anh cho học sinh. Điều này đã gây ra rất nhiều tranh cãi với những ý kiến trái ngược.

Thật ra, quy định này đối với giáo viên bản ngữ khi dạy học tại các trường ở thành phố đã được đặt ra từ lâu. Mới đây, trong hướng dẫn chuyên môn tiếng Anh cấp tiểu học năm học 2017-2018, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM tiếp tục nhắc lại quy định này với nhấn mạnh: Giáo viên bản ngữ tuyệt đối không đặt tên tiếng Anh cho học sinh.

Quản lý... hài?

Trước nội dung này, không ít người phì cười và cho rằng, quản lý dường như đang quá rảnh rỗi nên đặt ra những quy định hài hước, can thiệp vào việc trong lớp học vốn chẳng ảnh hưởng đến ai.

Việc gọi học sinh bằng tên tiếng Anh có thể giúp thầy cô giao tiếp, dạy học một cách thuận lợi hơn. Học tiếng Anh, nhất là được học với giáo viên nước ngoài càng cần tạo một môi trường Anh ngữ. Việc đặt tên học sinh bằng tiếng Anh tạo ra không gian ngoại ngữ thật sự, các con được luyện nói, giọng bằng chính tên gọi.


Quy định giáo viên bản ngữ không được đặt tên tiếng Anh cho học sinh của ngành giáo dục TPHCM đang gây nhiều tranh cãi. (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Quy định giáo viên bản ngữ không được đặt tên tiếng Anh cho học sinh của ngành giáo dục TPHCM đang gây nhiều tranh cãi. (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Cô Ngọc Thu, một giáo viên ở TPHCM chia sẻ, quy định này can thiệp quá sâu vào nội bộ lớp học. Việc giáo viên gọi học sinh tiếng Anh có ảnh hưởng gì đến chất lượng giờ dạy không, vi phạm đạo đức gì không...

“Theo tôi ngành chỉ nên quản lý chất lượng, trình độ, chương trình giảng dạy và cả mức lương chi trả với giáo viên bản ngữ. Còn việc “quản” tên gọi học sinh là không cần thiết. Nhất là khi học sinh có tên tiếng Việt mà giáo viên bản ngữ rất khó gọi.

Nhiều người gọi quy định này là hài hước, lạ lùng... nhất là phụ huynh, không nhiều người đồng tình. Nhất là bây giờ nhiều người có xu hướng đặt tên ở nhà của con bằng bằng tên tiếng Anh. Hiện nay, những đứa trẻ có tên “tên Tây” gọi nhiều hơn tên thật trên giấy giờ như Mary, Peter, Anne, Jone, Charles... không hề hiếm.

Chửi cha không bằng... “chế” tên?

Bên cạnh việc nhiều người cho rằng Sở GD-ĐT TPHCM đưa ra quy định không cần thiết, hài hước thì cũng không ít ý kiến, nhất là của những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục lại đánh giá cao quy định của Sở.

Anh Đặng Tuấn, quản lý một trung tâm ngoại ngữ cho hay, thật ra không nhiều giáo viên bản ngữ đặt tên tiếng Anh cho học sinh. Có nhiều tên các em rất khó đọc nhưng giáo viên bản ngữ vẫn cố gắng phát âm, gọi tên các em.

Mọi dân tộc, màu da hoàn toàn có thể giao tiếp, hợp tác với nhau mà không cần phải đổi tên (Ảnh minh họa: Hoài Nam)
Mọi dân tộc, màu da hoàn toàn có thể giao tiếp, hợp tác với nhau mà không cần phải đổi tên (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Theo ông Tuấn, ngoại ngữ cần thiết cho tất cả mọi người, có thêm một ngoại ngữ là một giới mở ra cho mỗi người, mang đến nhiều cơ hội hơn và đặc biệt ta được tiếp xúc thêm với một nền văn hóa. Ở nền văn hóa đó, mỗi dân tộc đều cố gắng giữ gìn bản sắc của mình thì học sinh Việt cũng vậy. Và cái tên cũng là phần thể hiện rất rõ bản sắc, con người mình.

Ông Tuấn đánh giá, hướng dẫn của Sở GD-ĐT TPHCM rất tâm huyết, có cái nhìn chiều sâu, các địa phương khác nên tham khảo. Chưa kể, chỉ cần vài phụ huynh phản ứng việc con họ bị đặt tên tiếng Anh cũng có thể gây ra rắc rối.

“Chửi cha không bằng pha tiếng”, nhưng đúng hơn có lẽ hơn phải là chửi cha không bằng “chế” tên.

Bây giờ không ít người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, có người làm chung trong môi trường toàn người Việt nhưng cũng không ai đặt thêm cho mình tên tiếng Việt để mọi người dễ gọi. Nhiều du học sinh cũng chia sẻ, tên các em rất khó gọi nhưng ra bên ngoài, các giáo sư, giảng viên hay bạn bè quốc tế vẫn cố gắng gọi tên bằng tiếng mẹ đẻ của các em. Cũng như các em cố gắng gọi đúng tên mọi người.

Đó là sự tôn trọng người khác dù họ thuộc dân tộc nào, màu da nào... Và cũng là tự tôn của mỗi người.

“Mẹ không muốn trong nhà có một Peter lạ hoắc nào đó”

Chị Nguyễn Hồ Thụy Anh, công tác trong ngành giáo dục, đầu tư cho con học tiếng Anh từ rất sớm nhưng vẫn phải thốt lên với cậu con trai: “Mẹ không muốn trong nhà có một Peter lạ hoắc nào đó”.

Khi bắt đầu đi học tiếng Anh ở trung tâm, cậu con nì nèo cho tên tiếng Anh như các, cô ở trung tâm muốn con có tên là Peter... Chị nhớ lại cảm giác nổi nóng vô cớ với cô con gái đầu khi lên 7 tuổi, đi học ở trung tâm về, con hớn hở khoe: “Cô đặt tên cho con là Mary”.

Qua cơn giận , chị thủ thỉ với con vì sao bố mẹ đặt tên cho con là M.A., với người Việt cái tên gắn liền với ý nghĩa, với mong ước của cha mẹ dành cho con. Cô chị hiểu ra nhưng cậu con thì vẫn không chịu, đòi tên tiếng Anh... Cuối cùng, chị phải gắt lên với con như vậy.

Chị chia sẻ, khi chị đi học ở Mỹ, không một thầy cô nào yêu cầu sinh viên nên có tên Mỹ để dễ gọi cả. Các bạn học cùng ở Mỹ, trắng có, đen có và vàng có nhưng cũng chưa bao giờ bảo mình nên có một cái tên Mỹ để tiện sử dụng cả...

Và cả sau này khi về Việt Nam làm việc, trong một số hội thảo với chuyên gia giảng dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ, quan điểm đừng để trẻ nghĩ rằng mình là một con người khác khi vào lớp học tiếng Anh bằng cách đặt tên tiếng Anh cho trẻ được mọi người ủng hộ.

“Mình muốn con cần hiểu hiểu rằng tiếng Anh chỉ là phương tiện để đưa thế giới đến với cháu và đưa cháu đến với thế giới. Mình dặn con hãy học cách phát âm tên các thầy cô người bản xứ thật đúng và thầy cô cũng vậy. Mọi người cho rằng đây là chuyện nhỏ... nhưng với tôi chuyện này không nhỏ chút nào....”, chị Thụy Anh bộc bạch.

Hoài Nam