Trắc nghiệm gen vân tay, tìm ra năng khiếu?

(Dân trí) - Chị Trần Thị Mai ở ngõ Bích Câu, Hà Nội rất vui khi kết quả trắc nghiệm vân tay đã giúp chị hiểu rõ hơn về năng lực, tính cách cũng như ước mơ của con mình. “Ngay từ bé cháu nhà tôi luôn nói lớn lên muốn làm giám đốc. Và khi trắc nghiệm thì thấy cháu có trí năng nổi trội về lãnh đạo”.

Biết ngay con mình có năng khiếu gì!

Thời gian gần đây, nhiều người ở Hà Nội đổ xô đưa con đến phòng trắc nghiệm sinh học thuộc Trung tâm tư vấn học đường VALA (ở ngõ 255 Cầu Giấy, Hà Nội) kiểm tra gen vân tay để nhận biết tư chất bẩm sinh của con mình một cách nhanh nhất.

Nghe giới thiệu về chương trình trắc nghiệm này, anh Hồ Xuân Bắc (tổ 21 cụm 3 phường Phú Thượng, Tây Hồ) đã đưa con trai Hồ Tiến Dũng, 4 tuổi tới để làm trắc nghiệm. Bé Dũng được lấy vân tay qua hình thức chụp từ máy lấy vân tay được kết nối với máy tính nối mạng. Các dữ liệu được xử lý bằng phần mềm V.Genius.4.0.

Kết quả trắc nghiệm bé Dũng không nằm ngoài cảm nhận của anh Bắc: “Tôi thật sự bất ngờ vì kết quả phản ánh khá chính xác khả năng nổi trội về toán học của cháu. Cháu đặc biệt thích các con số và đã biết đếm đến 1.000 từ khi biết nói”.

Ông Nguyễn Văn Thành có con gái học lớp 7, khi xem kết quả trắc nghiệm cho thấy con gái ông có phần nổi trội về hội họa, khiến gia đình ông không khỏi bất ngờ. Lục lại tủ sách của cháu thì thấy có rất nhiều tranh được vẽ từ lâu, rất công phu và đẹp. Ông Thành cho biết: “Khi xem từ máy thấy cháu có khả năng nổi trội về mỹ thuật, nhìn thấy những bức tranh hỏi cháu, cháu nói là cháu vẽ đấy, chúng tôi lúc ấy mới phát hiện ra năng khiếu của cháu”. 

Cần nhìn nhận dưới góc độ khoa học 

Nhiều người lầm tưởng đây là một hình thức bói toán, đoán định tương lai như kiểu xem chỉ tay. Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý học đường VALA - bà Nguyễn Lâm Thúy vốn là một giáo viên dạy tiếng Trung cho biết: “Trong thời gian công tác ở Đài Loan, tôi tình cờ được một người bạn giới thiệu về phần mềm V.GENIUS 4.0; MIQ 5.0, BPSA… đang được sử dụng thịnh hành ở Đài Loan. Những phần mềm này có thể đánh giá tố chất, tiềm năng và tính cách đặc trưng bẩm sinh của mỗi người một cách khách quan, toàn diện và tương đối chính xác.

Tôi đã tham gia trắc nghiệm để tự mình đánh giá và hoàn toàn bất ngờ bởi kết quả phân tích từ vân tay phản ánh tương đối chính xác những trí năng nổi trội và những hạn chế cần phải khắc phục của mình.

Thực tế đây là phương pháp trắc nghiệm sinh học gen vân tay nhằm giúp các bậc cha mẹ sớm phát hiện trí năng nổi trội, đặc trưng tính cách của con em mình, từ đó sẽ lựa chọn nội dung và phương pháp giáo dục phù hợp, để sớm điều chỉnh hành vi cho trẻ, giúp trẻ học tập và có phương pháp tư duy tốt hơn. Sau đó, tôi đưa về Việt Nam thử nghiệm”.

Trong thời gian qua, Trung tâm đã tiến hành trắc nghiệm với gần 200 người, làm nhiều ngành nghề và thuộc các tầng lớp khác nhau và đều cho các kết quả khá chính xác.

Xem danh sách ý kiến khách hàng của Trung tâm, chúng tôi thấy có rất nhiều những nhà giáo và cả một số nghệ sĩ nổi tiếng, như PGS - Tiến sĩ tâm lý học Lê Đức Phúc; Nhà giáo ưu tú, Hiệu trưởng trường Lômônôxốp Nguyễn Phú Cường; Tiến sĩ, hiệu trưởng trường Nguyễn Bỉnh Khiêm; Giáo sư, họa sĩ Phạm Công Thành; Võ sư huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Hoàng Thanh Phong, GS.TS Văn Như Cương... đều nhận xét phương pháp trắc nghiệm này có cơ sở khoa học và tương đối chính xác.

Theo GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Trung ương: “Phương pháp trắc nghiệm gen vân tay đã khá quen thuộc ở một vài nước châu Á như Trung Quốc, Đài Loan. Ở Việt Nam vẫn là hình thức rất mới đối với người dân và cả các nhà tâm lý học nhưng muốn kết luận chính xác phương pháp này thì cần có thời gian kiểm nghiệm”.

Thạc sĩ Phạm Mạnh Hà, giảng viên khoa Tâm lý‎ học, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, cho biết: “Trong quá trình nghiên cứu về các bộ trắc nghiệm thì thấy rất mới lạ về phương pháp này. Với tư cách là trung tâm hỗ trợ tư vấn tâm l‎ý chúng tôi dự kiến sẽ đăng ký‎ một đề tài nghiên cứu so sánh mối tương quan phương pháp đánh giá bằng vân tay với các phương pháp khác. Nếu nó có hiệu quả thật thì đó là công cụ rất hữu ích để hỗ trợ cho các phương pháp khác giúp cho công tác tư vấn hướng nghiệp và nhận dạng đặc trưng tâm l‎ý‎ của con người”.

Theo chúng tôi, các cơ quan chức năng thuộc Bộ BD-ĐT cần tổ chức kiểm chứng tính hiệu quả của phần mềm này để nếu xác định phần mềm có thể hỗ trợ các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo trong việc quản lý, giáo dục con em mình thì có thể áp dụng.

Hiện tại, Trung tâm đang chuẩn bị một đợt trắc nghiệm miễn phí cho học sinh mẫu giáo và lớp 12 vào các buổi chiều 2-4-6 từ ngày 20/12/2006 tới ngày 20/1/2007. Phụ huynh có thể liên hệ với Trung tâm theo số 1088-1-11 để biết chi tiết.

Hồng Hạnh - Thảo Linh