TPHCM kiến nghị Chính phủ cơ chế giáo dục đặc thù

(Dân trí) - TPHCM sẽ kiến nghị với Chính phủ chấp thuận cho thành phố được thực hiện cơ chế đặc thù trong các luật về giáo dục và đào tạo.

Thông tin được ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng, Sở GD-ĐT TPHCM tại Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 của Sở GD-ĐT TPHCM.

Theo đó, tại phiên nội bộ trước khi diễn ra Hội nghị, các địa biểu thống nhất nhiều nội dung trong báo cáo tổng kết của ngành GD-ĐT TP. Một số vấn đề nội bật như phương hướng trọng tâm như học sinh được học tập và hoạt động cả ngày trong nhà trường; được giảng dạy và học tập bằng những phương pháp tiên tiến, hiện đại của thế giới, chú trọng phát triển tư duy khoa học, sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu...

TPHCM kiến nghị với Chính phủ chấp thuận để thực hiện cơ chế đặc thù về giáo dục
TPHCM kiến nghị với Chính phủ chấp thuận để thực hiện cơ chế đặc thù về giáo dục

Xuất phát từ thực vì một số quy định chung của Trung ương chưa tính đến đặc thù của thành phố lớn nên dẫn đến những khó khăn, tồn tại trong giáo dục thành phố chậm được giải quyết, các đại biểu cũng thống nhất đề xuất và kiến nghị lên Chính phủ và Bộ GD-ĐT, đặc biệt là kiến nghị với Chính phủ chấp thuận cho thành phố được thực hiện cơ chế đặc thù trong các luật về giáo dục và đào tạo. Thành phố được phép thực hiện chương trình giáo dục phù hợp với thực tiễn của địa phương nhưng vẫn tuân thủ chương trình khung của Bộ GD-ĐT.

Một số nội dung cụ thể như xem xét, điều chỉnh Nghị định 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 về quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục theo hướng phân cấp, phân công trách nhiệm rõ ràng hơn giữa UBND tỉnh, Bộ GD-ĐT và Bộ, Ngành chủ quản của các trường đại học nhằm giúp cho UBND tỉnh có điều kiện thực hiện nhiệm vụ được phân cấp dễ dàng hơn, tránh chồng chéo và không rõ ràng.

Cho phép Thành phố thực hiện thí điểm các dự án xây dựng trường học ở các quận nội thành không còn quỹ đất được nâng tầng cao phù hợp thực tế từng địa bàn, tính chất từng dự án một, giải quyết tình trạng thiếu phòng học ở các khu dân cư đông đúc, tập trung và tránh lãng phí kinh phí đầu tư xây dựng mặt bằng chiếm đất xây dựng.

Kiến nghị sửa đổi lương khởi điểm của giáo viên mầm non, tiểu học

Ngoài ra, ngành giáo dục TPHCM kiến với Bộ GD-ĐT nhiều vấn đề như Kiến nghị sửa đổi quy định về lương khởi điểm của giáo viên mầm non, tiểu học, đề xuất ban hành chức danh, mã ngạch giáo viên tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục...

Sở GD-ĐT TPHCM kiến nghị Bộ ban hành định mức chi phí tối thiểu cho một đầu học sinh, sinh viên ở các cấp học, ngành học, ngành nghề đào tạo để làm cơ sở cho việc ban hành định mức chi đối với từng cấp, bậc học và ngành nghề đào tạo.

Một trong những công việc nổi bật của ngành giáo dục TPHCM trong năm học này là trình Bộ GD-ĐT thẩm định bộ sách giáo khoa đặc thù
Một trong những công việc nổi bật của ngành giáo dục TPHCM trong năm học này là trình Bộ GD-ĐT thẩm định bộ sách giáo khoa đặc thù

Xem xét lại nội dung Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 3 năm 2015 của Bộ GD-&ĐT và Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, chưa hợp lý (4 chức danh 2 vị trí, số lượng trẻ trên giáo viên ở nhóm nhỏ, bảo vệ…).

Xem xét lại nội dung Thông tư liên tịch số 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 29/5/2015 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Sở GD-ĐT, bổ sung cơ chế đặc thù cho TP HCM, cụ thể như: tăng số lượng phòng, ban thuộc cơ quan Sở là 12 phòng và số lượng Phó Giám đốc phụ trách là 05, do đặc thù TP đông dân, đa dạng hình thức giáo dục, đặc biệt là nơi tập trung một số lượng lớn các đơn vị giáo dục quốc tế, các đơn vị có yếu tố nước ngoài…

Sửa đổi các Thông tư liên tịch số 20, 21 và 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học công lập và giáo viên trung học cơ sở công lập chưa hợp lý (lương khởi điểm của giáo viên có trình độ Trung cấp, Cao đẳng hay Đại học đều như nhau và có hệ số 1,86).

Công tác tư vấn tâm lý trong trường học là một hoạt động rất cần thiết, vì vậy đề xuất Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Nội vụ trình Thủ tướng ban hành chức danh, mã ngạch giáo viên tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục...

Trong năm học này, ngành giáo dục thành phố cũng tập trung phối hợp thực hiện và trình Bộ GD&ĐT thẩm định bộ sách giáo khoa phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố dựa trên khung chương trình của Bộ GD&ĐT.

Hoài Nam