Tổng kết và trao giải cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp

(Dân trí) -Sáng 14/9, tại Tuyên Quang, Bộ GD-ĐT đã tổng kết và trao giải cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp và vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn năm học 2012-2013. Kết quả cuộc thi cho thấy những tín hiệu đáng mừng đối với cả cô và trò.

Với mục đích khuyến khích giáo viên sáng tạo, thực hiện dạy học theo chủ đề, chủ điểm có nội dung liên quan đến nhiều môn học và gắn liền với thực tiễn; góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập, tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong dạy học; khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức của các môn học khác nhau để giải quyết các tình huống thực tiễn; tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu, thúc đẩy việc gắn kiến thức lý thuyết và thực hành trong nhà trường với thực tiễn đời sống, Bộ GD-ĐT đã tổ chức cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học và Cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học năm học 2012-2013.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đối với cuộc thi dành cho học sinh thì có 29 sở GD-ĐT tham gia. Có 946 bài dự thi cá nhân và tập thể. Trong số này có 622 bài dự thi ở cấp THCS và 324 bài thi ở cấp THPT. Như vậy trung bình mỗi sở GD-ĐT gửi 37 bài dự thi; Có 02 sở GDĐT gửi nhiều bài dự thi nhất: Cao Bằng (69 bài), Hải Dương (64 bài).

Môn Giáo dục công dân và Sinh học là 2 môn có số lượng bài dự thi nhiều nhất. Môn tiếng Nga, tiếng Pháp, Giáo dục quốc phòng, an ninh và Hoạt động ngoài giờ lên lớp chưa có bài dự thi của học sinh.

Đối với cuộc thi dành cho giáo viên có 43 Sở GD-ĐT tham gia. Số lượng bài dự thi là 1.615 bài trong đó có 1.023 (63%) bài dự thi cá nhân và 592 (37%) bài dự thi tập thể. Có khoảng 1.177 (73%) bài dự thi ở cấp THCS và 438 (27%) bài thi ở cấp THPT. Có 2 sở GDĐT có nhiều bài dự thi nhất Bắc Giang (267 bài), Lào Cai (255 bài). Sinh học và ngữ văn là 2 môn học có số bài dự thi của giáo viên nhiều nhất. Môn tiếng Pháp là môn có ít bài dự thi nhất. Môn Tiếng Nga không có bài dự thi.
 
TS Nguyễn Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học tổng kết đánh giá cuộc thi

TS Nguyễn Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học tổng kết đánh giá cuộc thi

Phát biểu tại buổi lễ tổng kết, ông Nguyễn Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, đối với học sinh cuộc thi đã khuyến khích học sinh vận dụng tổng hợp kiến thức của các môn học khác nhau để giải quyết các tình huống thực tiễn; tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh; Thúc đẩy việc gắn kiến thức lý thuyết trong nhà trường với thực tiễn đời sống; thực hiện "học đi đôi với hành"; thu hút sự tham gia của gia đình, cộng đồng vào công tác giáo dục.

Những bài dự thi đạt giải cao của học sinh cho thấy sự thông hiểu và sáng tạo trong việc vận dụng kiến thức, kĩ năng của nhiều môn học khác nhau cũng như kinh nghiệm của học sinh vào giải quyết những hiện tượng, vấn đề đặt ra; sự gắn kết giữa kiến thức được học trong nhà trường với thực tiễn cuộc sống. Những tình huống của học sinh lựa chọn giải quyết rất phong phú, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động, năng lực giải quyết trong học tập và trong thực tiễn của cuộc sống.

Điển hình là các bài dự thi như Hãy hành động vì cuộc sống của chính chúng ta (nhóm học sinh trường DTNT THCS Hàm Yên, Hàm Yên, Tuyên Quang), Tìm hiểu Thủy triều (nhóm học sinh Trường THPT A Hải Hậu, Nam Định), Chủ quyền độc lập của Việt Nam trên 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (nhóm học sinh Trường THPT Hùng Vương, Phú Thọ), Trồng và chăm sóc cây cảnh bằng dung dịch (nhóm học sinh Trường DTN- THPT Tỉnh Tuyên Quang), Giải thích hiện tượng sấm sét trong tự nhiên (nhóm học sinh Trường THCS Xuân Lập, Long Khánh, Đồng Nai).

Đối với giáo viên thì việc triển khai cuộc thi đã khuyến khích giáo viên sáng tạo, thực hiện dạy học theo chủ đề, chủ điểm có nội dung liên quan đến nhiều môn học và gắn liền với thực tiễn; góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập; tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong dạy học; Tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác làm việc giữa các giáo viên trong và ngoài nhà trường.

Nhiều bài dự thi đã thể hiện sự đầu tư, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt; sự sáng tạo, khéo léo của giáo viên trong việc lựa chọn và thiết kế chủ đề có nội dung tích hợp, liên môn, gắn liền với thực tiễn và có tính thuyết phục cao; việc lựa chọn các hình thức tổ chức dạy học hợp lí; vận dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt các phương pháp dạy học và phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Cuộc thi đã chứng tỏ tinh thần đoàn kết, sáng tạo của giáo viên trong việc thực hiện những chủ trương lớn của ngành, tạo chuyển biến về nhận thức và năng lực của giáo viên về thực hiện phương châm dạy học tích hợp và phát triển năng lực của học sinh, chủ động xây dựng chương trình giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, nhà trường và học sinh.

Trao đổi với PV Dân trí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Cuộc thi đã có ý nghĩa với giáo viên và học sinh. Ý nghĩa trước hết là động viên khả năng vận dụng kiến thức một cách tổng hợp của giáo viên, học sinh vào giải quyết các tình huống trong học tập và thực tiễn, gắn kiến thức trong nhà trường với kiến thức trong thực tiễn cuộc sống. Đồng thời có tác dụng thay đổi, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, cũng như nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện phương châm học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với cuộc sống. Ngoài ra cuộc thi này cũng huy động thêm sự đóng góp của xã hội đối với nhà trường và học sinh trong quá trình nghiên cứu đề tài”
Cuộc thi cho thấy đã có sự thay đổi tích cực trong dạy và học ở bậc trung học.

Cuộc thi cho thấy đã có sự thay đổi tích cực trong dạy và học ở bậc trung học.

Cũng theo Thứ trưởng Hiển, các đề tài dự thi đều gắn liền với cuộc sống thực tiễn của địa phương đó cũng những liên quan mật thiết đến các nvấn đề trong dạy và học của chính giáo viên và học sinh trong nhà trường. Thành công của cuộc thi là bước đầu thể hiện đổi mới chương trình, nội dung và cách thức dạy học của chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian tới.

Cũng tại hội nghị tổng kết, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển yêu cầu Vụ Giáo dục Trung học phối hợp với các đơn vị lưu ý triển khai một số nhiệm vụ như phát huy thành quả đạt được 2 cuộc thi lần này, tiếp tục nâng cao nhận thức về mục đích, vai trò của 22 cuộc thi đến chủ trương đổi mới giáo dục trung học, phát động triển khai sâu rộng 2 cuộc thi đến tất cả các sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục trung học, giáo viên và học sinh trung học; Phối hợp với tác giả bài thi được giải cao để hoàn thiện thêm và đưa lên website như những ví dụ minh họa giúp học sinh, giáo viên nhận thức đúng về dạy học theo chủ đề tích hợp, vận dụng kiến thức liên môn cũng như tạo tác động lan tỏa của cuộc thi đến chủ trương tăng cường dạy học tích hợp, phân hóa trong giáo dục trung học.
 
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trao giải cho các HS đạt giải Nhất cuộc thi.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trao giải cho các HS đạt giải Nhất cuộc thi.

Sau tổng kết đánh giá, Bộ GD-ĐT đã tổ chức trao thưởng cho các tập thể và cá nhân đạt giải. Có 97 học sinh, nhóm học sinh được công nhận đạt giải (gồm 5 giải nhất, 12 giải nhì, 27 giải 3 và 53 giải khuyến khích ) và 03 đơn vị tổ chức tốt cuộc thi được nhận phần thưởng của ban tổ chức. Đối với giáo viên thì 139 giáo viên, nhóm giáo viên được công nhận đạt giải (5 giải Nhất, 15 giải Nhì, 28 giải Ba và 91 giải Khuyến khích).

Đạt giải nhất cuộc thi dành cho HS với chủ đề dự thi “Chủ quyền độc lập của Việt Nam trên 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”, em Trần Long Giang - HS Trường THPT Hùng Vương (Phú Thọ) chia sẻ: “Cuộc thi đã thực sự cho em thấy được tầm quan trọng của việc tự học, tự nghiên cứu, gắn học với hành, lý thuyết với thực tiễn. Mang lại rất nhiều kiến thức, hiểu biết thực tiễn cho em ngoài những kiến thức trong sách vở”.
 
Nguyễn Hùng