Tôi thấy em Thanh là người có bản lĩnh!

Tôi rất quí điều này. Có thể do non nớt nên em đã lấy việc thích và không thích làm thước đo chung cho giá trị của tác phẩm văn học. Đây cũng là lỗi của nhà trường.

Việc thích hay không thích là quyền của mỗi người, với giá trị tác phẩm văn học cũng thế, có thể ở độ tuổi này em ấy không thích nhưng ở độ tuổi khác có thể lại thích.

 

Đó là ý kiến của TS Lê Ngọc Trà (Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM). Ông nói:

 

Điều tôi quan tâm là em Thanh đã dũng cảm nói lên sự thật giảng dạy trong nhà trường hiện nay: giáo viên không tạo điều kiện cho HS bày tỏ ý kiến của mình, chỉ nói cái hay mà không nói cái dở của tác phẩm. Cách dạy văn khen một chiều đã không phát huy được sự sáng tạo và suy nghĩ độc lập của HS.

 

Đây là căn bệnh phổ biến trong nhà trường phổ thông hiện nay. Ngay cả đề thi “Em hãy giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc...” cũng hết sức khuôn sáo. Trong khi tác phẩm có rất nhiều cái đáng để nói như lòng dũng cảm yêu nước, lòng thương xót của đồng bào đối với những người đã hi sinh vì đất nước... thì đề bài không đề cập mà lại hỏi về “vẻ đẹp” - hết sức trừu tượng.

 

Tôi cũng đặc biệt lưu ý đến bài viết của em Thanh: đằng sau sự mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình còn cho thấy sự bức xúc về cách giảng dạy giáo điều theo kiểu tư duy một chiều, kìm hãm sự sáng tạo. Đây là một sự báo động không chỉ đối với ngành giáo dục mà cả toàn xã hội.

 

Theo Tuổi trẻ

Dòng sự kiện: Bài thi văn chấn động