Tổ chức cho 5 học sinh lớp 6 giải đề thi Toán ĐH

(Dân trí) - 20 phút sau khi kết thúc buổi thi môn Toán kỳ thi tuyển sinh ĐH đợt 2 vào chiều qua, 5 học sinh lớp 6 từng <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2007/6/182453.vip">giải thành công đề thi tốt nghiệp THPT</a> đã được tổ chức cho làm bài thi môn Toán tại trụ sở báo Tiền phong. Bài làm sẽ được chấm vào sáng 11/7 theo đáp án chính thức của Bộ GD-ĐT.

>> Thầy giáo Trần Phương: “Tôi không chơi trội”

5 học sinh này được đưa vào phòng cách ly dưới sự giám sát của 2 giám thị. Trước khi vào “phòng thi”, các em được ăn nhẹ để đảm bảo sức khoẻ vì thời gian làm bài phải kéo dài trong 180 phút như thời gian thi ĐH. Kết thúc giờ thi, bài thi sẽ được niêm phong và sau đó chấm công khai vào 9h sáng 11/7 theo đáp án của Bộ GD-ĐT.

Trước khi buổi thi “đặc biệt” này diễn ra, thầy giáo Nguyễn Thượng Võ, nguyên giáo viên Toán trường Hà Nội - Amsterdam hào hứng nhận xét: “Nếu 5 em học sinh này giải được đề thi Toán ĐH đạt điểm cao thì đúng là tôi phải bái phục. Vì tôi là một thầy giáo luyện thi lâu năm nên tôi biết, mỗi lớp luyện thi của tôi hàng năm có khoảng 30 em nhưng chỉ có vài em trong đó đạt kết quả cao môn Toán trong kỳ thi ĐH.

Qua anh Phương, điều tôi tâm đắc là anh đã gợi mở cho các em tư duy và đam mê toán học. Kiểu cho đi cáp treo là rất hay, không phải đi con đường mòn mãi mà phải cho các em tìm hiểu cái mới, phải đi tắt đón đầu trong nghiên cứu khoa học”.

Cũng cùng chứng kiến lễ “xuất quân” này, GS Phạm Thế Long, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam bộc bạch: “Cá nhân tôi không quan niệm đây là một cách đào tạo nhân tài. Nhưng theo tôi thử nghiệm cách đào tạo mới của thầy Trần Phương thành công ở 2 khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là: Cách thử nghiệm này cho thấy trong tiếp thu tri thức nói chung và toán học nói riêng cũng có thể đi tắt đón đầu.

Khía cạnh thứ hai mà tôi đánh giá cao hơn nữa đó là: Những năm vừa qua chúng ta nói nhiều đến cách dạy và học thụ động ở nhà trường. Cách dạy này giúp kích thích tính tự học của các em học sinh. Dù thời lượng lên lớp rất ít nhưng các em học sinh vẫn tiếp thu được và vượt qua được để giờ có thể tham gia giải các đề thi ĐH.

Thử nghiệm của thầy Trần Phương, nhìn nhận ở góc độ nào đó, cũng là một thành công trong việc giúp các em tiếp cận và biến quá trình dạy học, đào tạo thành quá trình tự đào tạo”.

Thầy giáo Trần Phương: “Dư luận phải chú ý!”

Trước một số thắc mắc xoay quanh việc tại sao không lấy đề thi ĐH dự bị môn Toán, hoặc có thể tự “sáng tác” một đề thi Toán tương đương với đề thi ĐH cho 5 em học sinh này giải để tránh cho các em rơi vào tâm lý căng thẳng chờ đợi và phải giải đề thi trong một thời gian khá bất bình thường như vậy rất ảnh hưởng đến sức khoẻ, lý do đầu tiên mà thầy giáo Trần Phương, thầy giáo của 5 em học sinh này đề cập đến là: “Nếu làm như vậy thì dư luận sẽ không chú ý đến”.

Cũng theo thầy giáo Trần Phương thì nếu lấy đề dự bị thì dư luận cũng có thể cho rằng đề dễ hơn thì sao? Còn nếu tự làm ra một đề thi thì dư luận cũng không có thước đo để so sánh vì đề thi ĐH được ra bởi một tập thể các nhà toán học trên toàn quốc, được đánh giá là chuẩn nhất của hệ thống đào tạo. “Tôi nghĩ chọn thước đo này để đánh giá là việc nên làm hơn là tạo ra một thước đo khác” - Trần Phương khẳng định.

Dân trí cũng có hai câu hỏi ngắn trao đổi cùng thầy giáo Trần Phương trước khi anh tạm “chia tay” các học trò của mình để các em bước vào “phòng thi”:

 

Tổ chức cho 5 học sinh lớp 6 giải đề thi Toán ĐH - 1

Thầy giáo Trần Phương cùng các học trò của mình trước khi vào phòng thi.

5 học sinh lớp 6 này sau khi giải xong đề thi Toán ĐH, các em sẽ bước vào năm học mới để học lên lớp 7 và học các năm tiếp theo như mọi học sinh khác mà không lộ trình đào tạo đặc biệt nào dành riêng cho các em?

Đương nhiên các em sẽ vẫn phải học bình thường như mọi học sinh khác. Sang năm chúng tôi sẽ mở CLB Thần đồng Đất Việt và những em học sinh này, ngoài thời gian học trên lớp, các em có thể đến và tham gia CLB này của chúng tôi. Mục đích của chúng tôi không phải là dạy để cổ xúy cho việc rút ngắn chương trình.

Trong tương lai, chúng tôi có thể tiến tới mở trường và có thể rút ngắn thời gian học, chẳng hạn từ 12 năm xuống 10 năm, nhưng hai năm rút ngắn đó, các em sẽ được học các môn mới, là các môn rất cần thiết cho kỹ năng cuộc sống hiện tại bây giờ.

Liệu anh có đảm bảo được các học trò của mình sẽ có một tâm lý bình thường để theo học trong một môi trường học tập bình thường sau khi vừa tham dự một kỳ thi rất khác thường như kỳ thi này?

Tôi nghĩ rằng các em vẫn theo học bình thường với tâm lý bình thường. 5 em học sinh ngồi đây có thể giải được đề thi ĐH nhưng chưa chắc đã học tốt môn hình học lớp 7 và vì thế các em vẫn cần phải học các kiến thức như mọi học sinh khác theo dạng “con kiến bò ngang trên mặt phẳng”.

Tôi nhắc lại, mô hình này không phải là mô hình đào tạo nhân tài. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng mô hình này xuất hiện.

Trò chuyện cùng chúng tôi, Lê Nguyễn Vương Linh, một trong 5 học sinh tham gia giải đề Toán ĐH cho biết, em sẽ rất thất vọng nếu như mình không làm được bài. Khi chúng tôi hỏi em có nên thất vọng như vậy không vì đây là đề thi dành cho các anh các chị nhiều hơn em những 6 tuổi, cậu bé 12 tuổi này đã trả lời: “Em không biết! Chỉ biết rằng em sẽ rất thất vọng!”

 

Kém Lê Nguyễn Vương Linh 1 tuổi,  Huỳnh Tuấn Dũng, một học sinh lớp 5 không hề có liên quan gì đến 5 học sinh kể trên vừa phải trải qua kỳ thi vào lớp 6 trường Marie Quirie (Thanh Xuân - Hà Nội) đã bị streess khá nghiêm trọng với các biểu hiện như đột nhiên gây gổ, cáu gắt thậm chí lao vào đấm đá bác mình chỉ vì người này đã nói em giải đề thi Toán sai. Chỉ sau khi biết tin mình đỗ, em mới trở lại trạng thái tâm lý bình thường.

 

Theo lời nhận xét của anh Huỳnh Minh Tú, phụ huynh của em Dũng thì có là cha mẹ mới hiểu được sự khổ sở của con cái mình sau khi trải qua mỗi kỳ thi.

 

Cũng theo anh Tú: “Nếu tôi là phụ huynh của 1 trong 5 em học sinh lớp 6 tham gia giải đề thi ĐH trên, chắc chắn tôi không để con mình được đưa ra “thử nghiệm” trong khi những người có trách nhiệm về việc này luôn khẳng định đây không phải là đào tạo nhân tài. Không nhằm mục đích phát hiện và đào tạo nhân tài thì vì sao lại nghĩ ra một hình thức thi ngược đời như vậy? Người lớn không có quyền làm cho trẻ con phải thất vọng, nhất là khi chúng phải thất vọng vì một việc không đáng để thất vọng”.

Mai Minh