Tố cáo Ban Giám hiệu ĐH Chu Văn An sử dụng văn bằng “rởm”: Kết luận của Bộ GD-ĐT

(Dân trí) - Thanh tra Bộ GD-ĐT vừa kết luận về nội dung tố cáo các thành viên Ban Giám hiệu Trường ĐH Chu Văn An có hành vi sử dụng văn bằng “rởm” và mạo nhận học vị.

Theo nội dung tố cáo, ông Dương Phan Cường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Phó Hiệu trưởng phụ trách trường ĐH Chu Văn An có hành vi sử dụng văn bằng tiến sĩ “rởm”; tố cáo ông Ngô Thế Trường - Phó Hiệu trưởng phụ trách quản lý sinh viên, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo có hành vi sử dụng văn bằng tiến sĩ “rởm”; tố cáo ông Trần Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng phụ trách xây dựng có hành vi mạo nhận học vị Thạc sĩ.

Căn cứ vào nội dung giải trình và các tài liệu do người bị tố cáo cung cấp, bằng chứng tổ xác minh tố cáo đã thu thập được, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã có kết luận: Ông Dương Phan Cường, tốt nghiệp đại học, được công nhận học vị Kỹ sư chuyên ngành Công nghệ nước tại Praha - Tiệp Khắc nay là Cộng hóa Séc. Liên minh các Viện Hàn lâm Quốc tế Liên bang Nga (MMC) được phép cấp bằng tiến sĩ, cho đến thời điểm này MMC vẫn đang đào tạo và cấp bằng Tiến sĩ. Năm 2002, Viện Hàn lâm Quốc tế về nghiên cứu hệ thống Liên bang Nga sang hợp tác chuyển giao công nghệ với Trung tâm tư vấn chuyển giao công nghệ nước sạch và môi trường tại Việt Nam. Trung tâm đào tạo từ xa chuyên gia nước ngoài trình độ cao thuộc Viện hàn lâm Quốc tế về nghiên cứu hệ thống Liên bang Nga đã ký hợp đồng đào tạo nghiên cứu sinh với ông Dương Phan Cường dưới hình thức đào tạo từ xa. Thời gian từ 29/10/2002 đến 20/5/2004. Năm 2004, ông Cường bảo vệ Luận án Phó Tiến sĩ tại Việt nam và năm 2005 được MMC cấp bằng Phó Tiến sĩ.

Thanh tra Bộ kết luận: Viện Hàn lâm quốc tế về nghiên cứu hệ thống Liên bang Nga hướng dẫn nghiên cứu sinh Dương Phan Cường dưới hình thức từ xa. Sau khi hoàn thành việc nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án, ông Cường được các Viện hàn lâm quốc tế Liên bang Nga (MMC) cấp bằng Phó Tiến sĩ. Vì vậy, nội dung tố cáo ông Dương Phan Cường sử dụng văn bằng “rởm” là sai.

Đối với nội dung tố cáo ông Ngô Thế Trường, tại thời điểm xác minh, ông Ngô Thế Trường đã không còn làm việc tại trường ĐH Chu Văn An theo quyết định số 116/QĐ-CVA - GH ngày 5/6/2013 của Hiệu trưởng trường ĐH Chu Văn An về việc chấm dứt hợp đồng lao động giữa trường ĐH Chu Văn An và ông Ngô Thế Trường kể từ ngày 6/6/2013. Tuy nhiên, vì có tên trong đơn tố cáo và được Nhà trường thông báo nên ông Trường đã có mặt tại buổi làm việc với tổ xác minh và giải trình của Bộ GD-ĐT các vấn đề liên quan đến bằng cấp.

Thanh tra Bộ kết luận: Việc ông Ngô Thế Trường nghiên cứu, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và được ĐH Nam Thái Bình Dương, Hoa Kỳ có tên trong danh sách các cơ sở giáo dục chưa được kiểm định chất lượng giáo dục tại Hoa Kỳ bằng Tiến sĩ của Trường ĐH Nam Thái Bình Dương chưa được công nhận tại Việt Nam.

Đối với nội dung tố cáo ông Trần Anh Tuấn, Thanh tra Bộ GD-ĐT kết luận: Ông Trần Anh Tuấn tốt nghiệp đại học tại Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc) với học vị kỹ sư năm 1986. Theo Điều 46, khoản 4, Luật tố 111/1998 Sb.., về các trường Đại học và về sửa đổi và bổ sung các điều luật khác thì “học vị “kỹ sư” (Viết tắt là “Ing” viết trước tên) được phong trào cho những người tốt nghiệp khóa học trong chương trình đào tạo thạc sĩ. Vì vậy, việc tố cáo ông Tuấn “mạo nhận” học vị thạc sĩ là không đúng.

Qua việc xác minh trên, Thanh tra Bộ GD-ĐT kiến nghị Bộ GD-ĐT ban hành văn bản quy định việc bắt buộc người Việt Nam công tác trong ngành giáo dục và đào tạo có bằng do nước ngoài cấp phải làm thủ tục công nhận văn bằng trước khi sử dụng.

Hồng Hạnh