Thi tốt nghiệp THPT năm 2011:

Tiếp tục sử dụng thanh tra ủy quyền giám sát kì thi

(Dân trí) - Chiều ngày 7/4, Bộ GD-ĐT đã họp báo định kỳ quý I/2011. Các vấn đề liên quan chủ yếu được đưa ra đều xoay quanh vào công tác tổ chức cũng như khâu chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Theo đó kì thi sẽ giữ ổn định như năm 2010.

Trước việc một số phóng viên đề cập đến việc có bỏ lực lượng thanh tra ủy quyền hay không, ông Phạm Ngọc Trúc - Phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: “Qua thanh tra, tổng kết từ năm 2010, nhận thấy việc huy động các trường ĐH, CĐ tham gia thanh tra ủy quyền có tác dụng rõ rang, để thanh tra của các Sở GD-ĐT tập trung tổ chức và chỉ đạo hoạt động tự thanh tra của địa phương mình, đó là điều cơ bản đề kỳ thi diễn ra nghiêm túc. Thêm nữa, việc có mặt của các đoàn thành tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT đến các địa phương giúp các địa phương làm tốt hơn công tác tổ chức, chỉ đạo kỳ thi. Chính vì thế vẫn tiếp tục duy trì lực lượng này”.

“Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục duy trì việc huy động các trường ĐH, CĐ tham gia thanh tra tại các địa phương với số lượng tương tự như năm 2010”- ông Trúc khẳng định.

Cũng xoay quanh đến kì thi tốt nghiệp THPT năm 2011 nhiều phóng viên cho rằng hướng dẫn về cấu trúc đề thi tốt nghiệp không rõ ràng bởi năm nay Bộ GD-ĐT có hướng dẫn là sẽ dành 50% điểm số cho yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức. Như vậy thì liệu những thí sinh có học lực trung bình có thể đỗ được kì thi tốt nghiệp hay không?

Giải thích về chủ trương này, ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT khẳng định: “Điều này không làm thay đổi định hướng ra đề nhiều, về cơ bản, đề thi tốt nghiệp THPT khá ổn định so với những năm trước đây”.

Ông Nghĩa cũng cho biết thêm, đề thi tốt nghiệp THPT vẫn có cấu trúc gồm hai phần. Phần chung là phần kiến thức giao thoa giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Phần riêng là phần kiến thức của mỗi chương trình. Đối với phần riêng thí sinh chỉ được phép chọn 1 phần để làm, nếu cố ý làm cả hai phần thì phần riêng sẽ không được chấm mà chỉ chấm điểm phần chung. Riêng đối với môn thi Ngoại ngữ thì chỉ có một phần chung duy nhất. Thời gian làm bài cũng như số lượng câu hỏi trong đề thi trắc nghiệm vẫn ổn định như năm 2010. Ngoài ra đề thi tiếp tục ra theo hướng tránh học tủ, học vẹt và chú trọng nâng cao việc thông hiểu, vận dụng kiến thức và câu hỏi mở cũng là một hướng đáp ứng được yêu cầu này.

Cũng tại cuộc họp báo này, ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học khẳng định, yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức trong việc ra đề thi không mới. Theo ông Chuẩn, các năm trước đều hướng dẫn học sinh học phải dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Mà chuẩn kiến thức kỹ năng chương trình ban hành từ năm 2006 đã có 3 thành phần là yêu cầu học sinh phải nhận biết; phải thông hiểu và vận dụng được kiến thức. Đề thi những năm trước, do đó, cũng ra theo hướng trên. Tuy nhiên, ông Chuẩn cho rằng, học sinh lại chủ yếu chú ý vào việc tái hiện nên không có khả năng thông hiểu và vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn.

Để giải quyết vấn đề này, ngay trong công văn hướng dẫn nhiệm vụ năm học ban hành năm 2010 Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các đơn vị là phải chú ý dạy cho học sinh và hướng dẫn giáo viên kỹ năng ra đề theo các cấp độ là biết, thông hiểu, vận dụng sáng tạo với các bài kiểm tra học kỳ, kiểm tra cuối năm, thi tốt nghiệp; dành tối thiểu 50% làm bài cho nội dung thông hiểu, vận dụng.

Trước phản ánh của phóng viên về thực trạng một số địa phương vẫn tiến hành tổ chức thi thử dẫn đến tâm lý căng thẳng cho học sinh và tốn kém kinh phí, ông Trần Văn Nghĩa khẳng định: “Bộ GD-ĐT không chỉ đạo tổ chức thi thử mà quyền chủ động do địa phương quyết định”.

Giải thích rõ về vấn đề này ông Vũ Đình Chuẩn cho biết, việc tổ chức thi thử với những yêu cầu về đề và cách thức coi, chấm bài giống như một kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng có thể giúp học sinh làm quen với cách phân tích đề thi, cách làm bài thi và tâm lý thi cử, đặc biệt là các môn thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, việc này cần phải có sự đồng thuận. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là không nên tổ chức nhiều lần gây tâm lý nặng nề, tốn kém thời gian và sức lực của giáo viên và học sinh…

Ngoài vấn đề thi tốt nghiệp, một số nội dung khác mà báo chí đề cập như liên kết đào tạo, giải pháp để hút thí sinh đăng ký dự thi các ngành khó tuyển, quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ… cũng được lãnh đạo các cục, vụ chức năng của Bộ GD-ĐT trả lời trực tiếp.

Nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2011

Tại buổi họp báo, Bộ GD-ĐT cũng cho biết trong quý II/2011, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện dự thảo Luật giáo dục Đại học và báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2011; hoàn thiện chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020; xây dựng và tổ chức phổ biến, triển khai nghị quyết số 11/NQ-CP về sắp xếp các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên; chuẩn bị và đảm bảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011, chỉ đạo công tác chấm thi, xét và công bố tốt nghiệp THPT 2011; chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ; hoàn thiện chương trình hành động của ngành GD về chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực, không lành mạnh giai đoạn 2011-2015.

Hoàn thiện báo cáo tổng kết về công tác xã hội hóa giáo dục giai đoạn 2006-2010 và các giải pháp xã hội hóa giáo dục giai đoạn 2011-2015; triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực CNTT quốc gia giai đoạn 2010-2015; tuyển chọn và tổ chức cho đoàn Olympic Vật lý Châu Á năm 2011 đi dự thi; tiếp tục triển khai đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012; triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ…

Bên cạnh đó sẽ tổ chức một số hội nghị quan trọng như Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị của Chính phủ về đối mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010-2012. Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010. Hội nghị tổng kết công tác bồi dưỡng hiệu trưởng trường phổ thông theo đề án liên kết Việt Nam- Singapore….

Nguyễn Hùng