Đà Nẵng nói “không” với sinh viên tại chức:

Tiếng còi cảnh tỉnh

Tin TP Đà Nẵng từ năm 2011 sẽ không nhận sinh viên tốt nghiệp đại học hệ tại chức vào cơ quan công quyền của mình đã tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi.

TP Đà Nẵng nhất định bảo vệ quan điểm này và còn tiết lộ rằng đã thực hiện chủ trương trên từ 6 năm trước. Sau khi rút kinh nghiệm, nắm bắt ý kiến người dân và phản hồi từ các sở ngành thì nay mới ban hành thành văn bản chính thức. 

Thành phố cũng thẳng thắn cho rằng học tại chức cũng có nhiều người tài, nhưng số đó không nhiều. Còn học chính quy có người chưa giỏi, nhưng số ấy có ít. Việc không chấp nhận sinh viên mới ra trường học tại chức không phải là coi trọng bằng cấp. Bởi lẽ, bằng cấp chỉ là cơ sở ban đầu, quan trọng hơn là quá trình làm việc sau này của công chức.

Một chủ trương được đưa ra, khó có thể công bằng 100%, nhưng nếu người chịu thiệt chỉ là số ít thì vẫn chấp nhận được. 

Những người phản đối chủ trương này thì cho rằng thành phố làm thế là trái với quy định của pháp luật. Đà Nẵng không phủ nhận ý kiến này và cho rằng việc mình đang làm có thể chưa hẳn phù hợp, nhưng cũng là một cách làm mới, cần thực hiện rồi rút kinh nghiệm.

Có điều rằng, nếu là người tài, kể cả học tại chức thì có thể cống hiến bằng nhiều cách, không chỉ là vào nhà nước làm. Thành phố không nhận sinh viên tại chức về làm, còn là để chống tiêu cực, không để cho cán bộ nếu có con cái học hành chưa tốt tìm cách vào nhà nước làm. Việc ấy từng tạo dư luận không tốt trong nhân dân.

Dù không phải tất cả, nhưng rõ ràng ở nhiều ngành có hệ đào tạo tại chức, sự dễ dãi ở chất lượng và thời gian học tập đã khiến cho các nhà tuyển dụng lao động không mấy mặn mà với những người sở hữu tấm bằng này.

Cách làm của Đà Nẵng chắc chắn còn gây tranh cãi không nhỏ trong dư luận, nhưng ở một góc độ nào đó, Đà Nẵng đã cất lên tiếng còi, cảnh báo về chất lượng đào tạo của hệ đào tạo không chính quy này. Hy vọng sự cảnh báo này sẽ được ngành giáo dục quan tâm!

Theo Gia đình & xã hội