Thạc sĩ Lê Tuệ Minh:

Tích hợp song ngữ nhưng kiểm tra đánh giá vẫn thực hiện bằng tiếng Việt

(Dân trí) - Thạc sĩ Lê Tuệ Minh bày tỏ lo ngại bởi chưa có đầy đủ khung pháp lý quy định và hướng dẫn cụ thể cho việc triển khai Chương trình Phổ thông Song ngữ và cho việc lồng ghép, tích hợp thực sự Chương trình quốc tế tại Việt Nam.

Ngày 22/9 tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo Giáo dục 2017 “Về chất lượng giáo dục phổ thông”.

Trong nhiều bàn luận quanh chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), chủ đề tính hội nhập quốc tế của chương trình GDPT Việt Nam được đặt ra.

Theo Thạc sĩ Lê Tuệ Minh - Chủ tịch Hội đồng điều hành Trường Phổ thông Liên cấp Song ngữ Wellspring (Hà Nội), việc tích hợp và lồng ghép chương trình giáo dục tiên tiến của nước ngoài vào chương trình GDPT tổng thể của Việt Nam nhằm nâng cao khả năng hội nhập quốc tế trong giáo dục, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vô cùng cần thiết.

Theo bà Minh, bên cạnh chương trình Việt Nam và học môn tiếng Anh như một ngoại ngữ trong chương trình chính khóa, có thể nhận thấy nhu cầu tiếp cận và học các môn học bằng tiếng Anh như Toán, Khoa học và Công nghệ Thông tin, tiếp cận với chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp của môn học trong các chương trình quốc tế, học và sử dụng tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ hai chứ không phải là ngoại ngữ đang ngày càng gia tăng.

Bởi lẽ xã hội và các bậc phụ huynh nhận thức được lợi ích rất lớn trong việc học sinh học các chương trình quốc tế: Được tiếp cận với tiếng Anh và chuẩn giáo dục quốc tế hàng ngày ngay trong chương trình học chính khóa, không phải đi học thêm bên ngoài sau giờ học chính khóa.

Học sinh cần thụ hưởng một chương trình giáo dục tích hợp những mặt mạnh của chương trình giáo dục Việt Nam với những ưu điểm của các chương trình giáo dục tiên tiến khác trên thế giới.


Thạc sĩ Lê Tuệ Minh kiến nghị Bộ GD&ĐT có khung pháp lý cũng như hướng dẫn cụ thể để các trường có thể tích hợp, lồng ghép chương trình tiên tiến của nước ngoài vào dạy - học.

Thạc sĩ Lê Tuệ Minh kiến nghị Bộ GD&ĐT có khung pháp lý cũng như hướng dẫn cụ thể để các trường có thể tích hợp, lồng ghép chương trình tiên tiến của nước ngoài vào dạy - học.

Manh nha tích hợp nhưng đánh giá vẫn phải thực hiện bằng tiếng Việt…

Tuy nhiên, Thạc sĩ Lê Tuệ Minh bày tỏ lo ngại bởi chưa có đầy đủ khung pháp lý quy định và hướng dẫn cụ thể cho việc triển khai Chương trình Phổ thông Song ngữ và cho việc lồng ghép, tích hợp thực sự Chương trình quốc tế tại Việt Nam. Thậm chí ngay cả quy định pháp lý cho việc cập nhật Chương trình và giáo trình Ngoại ngữ như Tiếng Anh ở bậc phổ thông theo chuẩn quốc tế trong hệ thống giáo dục quốc dân.

"Quyết định số 72/2014/QĐ-TTg đã cho phép dạy và học bằng tiếng nước ngoài với điều kiện sách và giáo trình phải được Sở GD&ĐT phê duyệt. Nhưng do không có bất kì hướng dẫn cụ thể nào quy định về việc kiểm tra và thi cuối cấp, thi tốt nghiệp nên việc kiểm tra đánh giá vẫn phải thực hiện bằng tiếng Việt. Vì vậy, không trường nào dám tích hợp hoặc thay thế hoàn toàn môn học bằng tiếng Anh mà vẫn chủ yếu dạy song song các môn học bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh", Thạc sĩ Lê Tuệ Minh dẫn chứng.

Ngoài ra, việc tích hợp dễ làm nhất là tích hợp nội dung dạy và học các môn ngoại ngữ nhưng chúng ta cũng vẫn chưa làm được triệt để.

Ví dụ như Đề án Ngoại ngữ 2020 sau 9 năm triển khai vẫn còn nhiều lúng túng, khả năng ngoại ngữ của học sinh nói riêng, người Việt Nam nói chung chưa được cải thiện nếu chỉ học theo chương trình phổ thông. Chương trình học ngoại ngữ hiện nay của Bộ GD&ĐT chưa có tính liên thông giữa các cấp học, học liệu vẫn theo quy định Bộ chứ chưa cho phép áp dụng giáo trình quốc tế tương đương.

Khi Bộ đã ban hành chuẩn khảo thí và công nhận chuẩn khảo thí tiếng Anh học thuật được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới như IELTS hay TOEFL, việc học và đánh giá người học trong suốt 12 năm theo đúng các thang bậc và chuẩn khảo thí này cũng nên triển khai sớm để tiết kiệm thời gian, công sức cho các em học sinh (vì kết quả đó cũng sẽ dùng để xét tuyển tại bậc Đại học), tránh lãng phí trong những giờ học tại trường phổ thông.

Lấy dẫn chứng từ việc chủ động lồng ghép, tích hợp chương trình quốc tế (chiếm 40% thời lượng chương trình học) tại trường mình, đại diện trường Wellspring cho biết cũng như một số trường tư thục khác, trường này đã khắc phục được hầu hết những nhược điểm về chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy ngoại ngữ ở các trường công của Việt Nam.

Học sinh tốt nghiệp tại đều đạt chuẩn tiếng Anh IELTS tối thiểu từ 6.5 trở lên hoặc tương đương cùng với các chứng chỉ môn học theo chuẩn chương trình Mỹ, 80% số học sinh sau khi tốt nghiệp lên đường du học.

Nhiều vấn đề của giáo dục phổ thông được mổ xẻ tại Hội thảo Giáo dục 2017.
Nhiều vấn đề của giáo dục phổ thông được mổ xẻ tại Hội thảo Giáo dục 2017.

Kiến nghị sửa đổi nghị định, quyết định

Sau khi phân tích những khó khăn vướng mắc trong việc tích hợp và lồng ghép chương trình giáo dục tiên tiến của nước ngoài vào chương trình giáo dục của Việt Nam, Thạc sĩ Lê Tuệ Minh kiến nghị sửa đổi Nghị định 73/2012/NĐ-CP về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục; Kiến nghị sửa đổi Quyết định 72/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong các cơ sở giáo dục.

Bộ GD&ĐT chỉ nên giữ vai trò làm chương trình khung và đưa ra lộ trình thực hiện, kèm với việc thẩm định và kiểm định chất lượng giáo dục thông qua việc ban hành chuẩn đầu ra và chuẩn khảo thí. Đồng thời, xây dựng nội dung chương trình với nhiều môn học và tổ hợp môn thuộc các nhóm môn khác nhau để các trường và học sinh chọn môn trong nhóm bắt buộc theo khả năng và nhu cầu của học sinh.

“Bộ GD&ĐT chỉ nên quy định tổng số môn thuộc các nhóm bắt buộc khác nhau cho toàn bộ cấp học THPT, và không quy định cứng môn học cho từng năm học. Các trường nên được phép chọn tổ hợp môn, còn Sở GD&ĐT hoặc Phòng Giáo dục quy định phân phối chương trình, tiến trình giảng dạy cho các trường công lập. Các trường ngoài công lập được phép tự quy định phân phối chương trình, lịch trình giảng dạy và nhóm môn học”, Thạc sĩ Lê Tuệ Minh kiến nghị.

Lệ Thu (ghi)