Thử thách bản thân để vươn lên học giỏi

Bạn đã quyết định đi du học, hoặc bạn đã vượt qua các vòng thi tuyển hoặc lựa chọn hồ sơ gắt gao để giành được một suất học bổng, niềm vui rất lớn lao. Đương nhiên kèm ngay đó là nhiều câu hỏi khó trả lời ngay.

Làm gì để vượt qua những trở ngại đầu tiên?

 

Hãy tranh thủ khai thác và tích lũy thông tin từ nhiều kênh khác nhau. Lý tưởng nhất là bạn trực tiếp học hỏi kinh nghiệm của ai đó mới hoàn thành chương trình học và trở về nước. Bạn cũng có thể tìm kiếm thông tin trên báo chí hoặc các diễn đàn xung quanh vấn đề du học Úc.

 

Nguyễn Võ Hoàng giành được một suất học bổng sau ĐH theo chương trình 322 của Bộ GD-ĐT cho biết: “SV du học Úc đã tổng kết kinh nghiệm và liệt kê chúng dưới dạng “check list” chi tiết, từ việc làm thủ tục, giấy tờ, bí quyết và những lời khuyên để làm chủ và tận hưởng thời gian du học ở Úc”.

 

Hầu hết SVVN tại các tiểu bang của Úc đều thành lập Hội SV (VISA 2000 ở Adelaide, Nam Úc, MOVSA ở Melbourne, Victoria, HộI SVVN tạI Sydney...). Anh Lê Việt Thủy, cựu chủ tịch Hội SVVN tại Nam Úc (VISA 2000) cho biết mục đích hoạt động chính của Hội là làm chiếc cầu nối SV và Đại sứ quán VN tại Úc, đồng thời tạo điều kiện để các thành viên giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm học tập, tổ chức giao lưu sinh hoạt hóa, luyện tập thể thao, đi du lịch.

 

Hội cũng chú trọng việc tổ chức đưa đón người mới trong nước sang, thu xếp chỗ ăn ở tạm thời, “rỉ tai” họ những bí quyết và kinh nghiệm để tồn tại (survive) trong môi trường mới. Hầu hết anh chị em sang học đều mau chóng trở thành thành viên của Hội vì những lợi ích rất thiết thực.

 

Đỗ Thu Nguyệt (ĐH South Australia) cho biết, mấy tháng đầu bạn phải sống khá lạc lõng trong nhà bà con họ xa cho đến khi bạn tìm đến với Hội SV. “Bọn em có một cái Tết Nguyên đán đáng nhớ với bánh chưng, chả giò, hoa mai tự làm lấy, và có cả tiết mục tấu hài “Các Táo Quân về trời” do chúng em tự biên tự diễn. Đó là cái Tết đầu tiên xa nhà nhưng em vẫn thấy không khí vui vẻ ấm áp như đang ở với gia đình”.

 

Khi đi xa, bạn cần chú ý vấn đề liên lạc với người thân, bạn bè và đồng nghiệp trong nước, những người bạn sẽ cần động viên tinh thần, và giúp đỡ về việc lấy tài liệu hoặc các loại giấy tờ. Bạn nên có một danh sách và địa chỉ liên lạc qua hộp thư điện tử những người mình sẽ phải nhờ đến sự giúp đỡ của họ. Sự phát triển của công nghệ thông tin và các ứng dụng qua Internet đã khiến việc liên lạc ngày càng trở nên thuận lợi và đơn giản hơn bao giờ hết.

 

Mạng di động Optus của Úc tính cước gọi di động quốc tế khá rẻ, vì thế Đào Xuân Hiển (ĐH South Australia), thoải mái “buôn” qua điện thoại di động với bạn gái mà không phải quá cân nhắc về tiền bạc.

 

Ngoài ra họ có thể gọi điện qua Internet với tiện ích gọi điện trực tuyến trong Yahoo Messenger hoặc Skype. Nếu gọi bằng điện thoại cố định, các loại thẻ cào như Global, Megavietnam, Goodmorning Vietnam giá chỉ 10 đô và gọi được chừng 40 phút. Trước khi đi, Hiển đã mua, lắp đặt máy tính, kết nối Internet và mở lớp “đào tạo ngắn hạn” cho người nhà để sử dụng các tiện ích như chat, sử dụng webcam, nên việc giao tiếp gần như là thường xuyên.

 

Làm sao để vươn lên học giỏi?

 

Học giỏi là truyền thống của du học sinh VN ở nước ngoài. Thanh Lâm (ĐH Flinders) nói: “Em thấy học trong nước cũng không khó lắm. Học ở đây có nhiều thách thức, em thấy mình thực sự được “chạy hết ga hết số”. Môi trường học tập của Úc luôn kích thích việc ganh đua và luôn có phần thưởng hấp dẫn cho người giành vị trí “top”".

 

Trong câu đối chúc nhau Xuân Ất Dậu 2005, các SV Nam Úc đã đọc vang cụm từ “mã đáo thành công”. Đó không chỉ là mong ước của người thân, của bạn bè, mà là khao khát của chính người đi học. Việc học có nhiều thử thách, cái chính là mình sẽ học được những gì để có ích cho bản thân và lại có thể cống hiến về cho đất nước. Học giỏi để tìm kiếm cơ hội học tiếp lên trình độ cao hơn là mục tiêu của hầu hết các du học sinh.

 

Lê Việt Thủy, Nguyễn Sơn Hà, Phạm Đức Phúc, Nguyễn Cao Lâm, Vũ Thùy Mai đều rất thành công trong việc xin học bổng để học tiếp. Lê Kiều Liên (ĐH Adelaide), từ khi còn học Trường ĐH Adelaide, năm nào cô cũng giành giải thưởng. Mới đây, sau khi tốt nghiệp bằng đỏ, cô đã giành được học bổng của Bill Gates và học bổng danh dự của Nữ hoàng Anh, trở thành sinh viên VN duy nhất trong số 50 SV xuất sắc nhất thế giới được diện kiến Nữ hoàng.

 

Bạn có thử thách chính mình?

 

Thử thách còn có nghĩa là bạn có vượt qua sức ì của bản thân hay không. Sang môi trường mới, tác phong làm việc hoàn toàn thay đổi. Người Úc làm việc đúng giờ, tính đến từng phút, việc hoàn thành đúng hạn cũng là một tiêu chí rất quan trọng để đánh giá về chất lượng công việc.

 

Vì vấn đề ngôn ngữ, bạn ngại giao tiếp, vì đọc sách vở, tài liệu khó hiểu, bạn dễ buông xuôi, vì Internet quá phức tạp, bạn lại muốn chọn giải pháp khác. Những phản ứng tâm lý thiếu tích cực này đều bất lợi. Nếu vượt qua sức ì bản thân, bạn sẽ bắt nhịp được với cuộc sống mới, và do đó làm việc hiệu quả hơn, năng lực làm việc cũng lớn hơn.

 

Hầu như các bạn du học đều có cảm giác hơi quá tải khi tài liệu thì ngồn ngộn trong khi hạn nộp bài luận hoặc bài tập thì đến rất nhanh. Hiển tâm sự: “Nhiều khi ngồi “đơ” cả ngày trước máy tính mà tôi không viết được chữ nào, thường chỉ đến đêm trước khi hết hạn nộp bài luận, tôi mới ráo riết làm cho bằng xong thì thôi”.

 

Vượt qua những cám dỗ cũng là thử thách. Úc là một xã hội coi trọng tiêu dùng. Chuyện đi mua sắm đồ vào những dịp cuối tuần là một phần việc không thể thiếu. Và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, người ta có vô vàn hình thức bán hàng, mời chào, quảng cáo. Vào bất cứ siêu thị, cửa hàng nào, bạn cũng thấy những quảng cáo giảm giá khá bắt mắt (thường là 15%, có khi đến 35% thậm chí 50%). Hàng hóa bán ở Úc là hàng hóa đảm bảo chất lượng.

 

Mặt khác, xa nhà, không có ai quản lý, và dù sao trong suy nghĩ, bạn đang sống ở một đất nước tự do, bạn có thể làm bất cứ điều gì miễn là không vi phạm pháp luật. Trường hợp Hợp “gà” (ĐH South Australia), ở trong nước ba mẹ sợ quậy phá hư hỏng, bèn gửi ra nước ngoài. Ra nước ngoài cậu còn quậy phá “bạo liệt” hơn. Đánh bạc, đánh lộn, đua xe quá tốc độ, nợ nần tiền bạc, bỏ học thường xuyên. Sắp đến ngày về nước, cơ hội cậu lấy được bằng đem về rất mong manh.

 

Cao Việt

(Thạc sĩ Báo chí, Trường ĐH Tổng hợp Nam Úc, Australia)

Theo Tuổi Trẻ