Thiếu nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao

(Dân trí) -Thời khủng hoảng kinh tế, trong khi nhiều doanh nghiệp phải phá sản hoặc cắt giảm nguồn nhân lực thì khối ngành Công nghệ thông tin (CNTT) lại thiếu trầm trọng nhân lực. Trong đó, đáng kể nhất là thiếu nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao về lập trình di động, điện toán đám mây…

Thông tin trên được đưa ra tại chương trình công bố các giải pháp tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT. Chương trình nằm trong khuôn khổ hội nghị Aptech Việt Nam 2013, diễn ra trong 2 ngày 25 và 26/1 tại Đà Nẵng.

Thiếu nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao
Chương trình công bố các giải pháp tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực CNTT do FPT- Aptech tổ chức đang diễn ra tại Đà Nẵng ngày 25/1.

Theo tổng hợp các thống kê và dự báo nguồn nhân lực được công bố tại hội nghị, tại Việt Nam, có 63% sinh viên (SV) không có việc làm vì thiếu kỹ năng, 70% SV làm trái ngành với mức thu nhập thấp, và chỉ khoảng 19% SV có việc làm đúng ngành được đào tạo.

Giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, không loại trừ ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam, trong khi nhiều doanh nghiệp phải phá sản hoặc cắt giảm nguồn nhân lực thì khối ngành CNTT lại thiếu trầm trọng. Trong đó, thực tế đáng chú ý nhất hiện nay là việc các công ty phần mềm đang tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao về lập trình di dộng, điện toán đám mây…

Trong chiến lược phát triển là tầm nhìn đến năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đạt 1 triệu nhân lực trong lĩnh vực CNTT vào năm 2020, đưa CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đứng trong top 10 các quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực gia công phần mềm và nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế.

Giải pháp tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn trên, theo các ý kiến hội thảo được các đại biểu đưa ra tại hội nghị, thì các trường đào tạo nguồn nhân lực CNTT cần cập nhật nhanh chóng những công nghệ mới trong lập trình di động, điện toán đám mây..., cũng như các công nghệ phần mềm mới khác để đưa vào giáo trình đào tạo.

Được biết, ở Đà Nẵng, cũng từ yêu cầu và nhu cầu thực tiễn đối với nhân lực ngành CNTT trong lĩnh vực phần mềm, mới đây, ĐH Bách khoa Đà Nẵng cũng hợp tác với Nokia xây dựng trung tâm ứng dụng di động. Việc hợp tác này, theo PGS.TS Lê Kim Hùng - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Đây là cơ hội để không chỉ SV mà cả GV chuyên ngành CNTT cập nhật công nghệ tiên tiến trên thế giới. Qua đó, nâng cao hiệu quả ứng dụng thực tiễn của các nghiên cứu khoa học, từ việc tăng cường bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho GV, SV trong lĩnh vực này”.
 
K.Hiền - Ng.Dũng