Thi vào trường top có thật sự khó?

(Dân trí) - Các trường ĐH hàng “top”, nếu không bị thí sinh “chừa” ra mỗi khi quyết định chọn trường thì họ cũng đầy ngập ngừng khi đăng ký dự thi. Cũng chính vì lý do này, tỷ lệ “chọi” của các trường thuộc hàng “top” luôn nằm trong ngưỡng thấp đến bất ngờ.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, trường “top” bị thí sinh e ngại vì hai lý do chính: Điểm chuẩn cao và tại đây, thí sinh hay vấp phải những “đối thủ” đáng gớm nhất. Tuy nhiên, những chuyển biến trong mấy mùa tuyển sinh gần đây cho thấy, nếu thí sinh dũng cảm chọn trường loại này thì họ hoàn toàn có thế được “đền đáp” xứng đáng vì sự lựa chọn của mình.

Trường top đang  ngày càng thưa vắng

Năm 2006, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Bưu chính Viễn thông, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, ĐH Ngoại thương... đều là những trường được coi thuộc hàng top và đều thưa vắng hẳn thí sinh so với những năm trước.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân, số hồ sơ đăng ký dự thi giảm gần 5.000 (từ hơn 23.000 xuống còn gần 18.000) so với năm 2005. Số hồ sơ đăng ký vào ĐH Bách khoa Hà Nội cũng giảm hơn 5.000 bộ dẫn đến tỷ lệ "chọi" của trường chưa tới 1 "chọi" 2.

Trong khi số hồ sơ đăng ký dự thi tại những trường top giảm mạnh thì số chỉ tiêu của họ vẫn được giữ nguyên, thậm chí tại một số trường còn được tăng hơn so với các năm trước do những dự báo về mức “cầu” nhân lực của xã hội trong vòng 4, 5 năm tới. Mặt khác, trường top cũng luôn là những trường đứng đầu bảng về số lượng chỉ tiêu tuyển sinh. Trong khi đa số các trường luôn dao động ở mức trên duới 1.000 chỉ tiêu thì chỉ tiêu của trường top luôn vượt trội so với những con số này

Chẳng hạn như ĐH Bách khoa có tổng chỉ tiêu cả hệ ĐH và CĐ lên tới  6.370 chỉ tiêu. ĐH Xây dựng Hà Nội mặc dù có số lượng thí sinh dự thi sụt đều hàng năm nhưng chỉ tiêu vào trường này năm nào cũng tăng. Năm 2007, chỉ tiêu của ĐH Xây dựng lên tới 3.100 chỉ tiêu, tăng 10% so với năm trước. Còn ĐH Kinh tế quốc dân có số chỉ tiêu lên tới 4.000. Điều này cũng đồng nghĩa, con đường vào ĐH tại những trường này luôn rộng mở hơn.

Nhiều thí sinh trong thời gian qua cũng đã tính toán đến điều này nhưng họ vấp phải một rào cản lớn là mối lo sợ phải "chen" với một người nhưng người này lại có học lực bằng 15 người khác thì rủi ro vẫn là vô cùng. Tuy nhiên, với một đề thi chung thì “sức lực” của một người bằng 15 người khác như vậy đang ngày càng khó thành hiện thực hơn.

Đề thi - Chìa khoá quan trọng

Với đề thi chung do Bộ GD-ĐT đảm trách được thực hiên trong 5 năm qua đã đưa “quỹ đạo” ra đề vào một tình trạng khá ổn định và hầu như chưa có đột biến nào xảy ra đối với chất lượng đề thi. Đề thi luôn được ra trên sườn của chương trình THPT, chủ yếu là nằm trong chương trình của lớp 12 và không quá khó.

Khi khuyên thí sinh cần phải làm gì để vượt qua kỳ thi ĐH, CĐ một cách thắng lợi nhất, Thứ trưởng Bành Tiến Long đã rất chú trọng đến việc thí sinh không cần phải quá lo lắng về đề thi. Ông đã nhắc thí sinh cần lưu ý đến 4 điểm sau về đề thi. Đó  là: 

1. Các em đã tập trung ôn thật tốt chương trình THPT, đặc biệt là chương trình lớp 12 chưa?

2. Các em không cần thiết phải quan tâm đến các phần đã cắt bỏ, giảm tải, các phần đọc thêm. Riêng đối với các em tốt nghiệp THPT phân ban thí điểm, các em được tự do lựa chọn trường thi, khối thi và ngành học theo nguyện vọng và sở trường của mình như đối với học sinh THPT không phân ban.

3. Các em đừng mất thời gian tại các lò luyện thi vì với đề thi tuyển sinh bám sát chương trình như vậy, học thêm là không cần thiết, mất thời gian, tốn kém cho gia đình mà không có hiệu quả.

4. Đừng học tủ học lệch vì đề thi trải đều và bám sát chương trình, SGK THPT, chủ yếu là lớp 12”.

Trường top 1, trường top 2, trường top 3 đều thi đề thi này. Như vậy, về đề thi đã không hề có sự phân biệt “đẳng cấp” giữa các trường. Vấn đề còn lại chỉ là thí sinh có dám dũng cảm lựa chọn trường top 1 hay không? Với một điều kiện thi “hứa hẹn” rất nhiều cơ hội như vậy, nếu đã học tốt chương trình lớp 12, tại sao thí sinh lại không tự tin lên?

Mai Minh