Góp ý về đổi mới thi tốt nghiệp THPT:

Thi tốt nghiệp nên giao cho các địa phương

(Dân trí) - Góp ý về đổi mới thi tốt nghiệp, PGS.TS Lê Trọng Thắng, Trường ĐH Mỏ Địa chất cho rằng: “Việc tổ chức thi tốt nghiệp hàng năm nên để cho các địa phương tự tổ chức, vì đây là một công việc đánh giá bình thường quá trình học tập cấp THPT của học sinh”.

Thi tốt nghiệp nên giao cho các địa phương

Thí sinh muốn tốt nghiệp THPT hoặc có kết quả tốt nghiệp cao thì phải phấn đấu học tập đều tất cả các môn trong quá trình học.

Phương án thi 4 môn khá phù hợp!

Thực hiện Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8, Bộ GD-ĐT đã triển khai thực hiện khâu đột phá trong công tác thi tốt nghiệp THPT cũng như đổi mới công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014. Có thể nói đây là sự cố gắng mà xã hội cần phải ghi nhận về sự nỗ lực của Bộ GD-ĐT, nhằm đưa sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước ta vượt qua những khó khăn và thách thức, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Vừa qua, Bộ GD-ĐT công bố hai phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014 để lấy ý kiến đông đảo của xã hội. Điều này cho thấy tầm quan trọng của vấn đề và việc làm này được dư luận xã hội hết sức ủng hộ. Đã có nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo này, đôi lúc có những ý kiến trái ngược nhau. Tuy nhiên, nhìn chung dư luận ủng hộ phương án 1, tức thi 4 môn, trong đó có hai môn tự chọn. Môn ngoại ngữ là môn thi khuyến khích để cộng điểm.

Trong bối cảnh hiện nay, phương án 1 khá phù hợp cho các vùng miền và cũng khá mềm dẻo, tạo điều kiện cho thí sinh được lựa chọn theo năng lực của mình. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc thi môn ngoại ngữ với vai trò khuyến khích sẽ không phù hợp với quá trình hội nhập. Về khía cạnh nào đó, ý kiến này cũng có lý. Tuy nhiên, trong tình trạng không đồng đều về điều kiện dạy và học tại các vùng miền hiện nay thì việc đưa môn ngoại ngữ vào môn bắt buộc, thậm chí là môn chọn vẫn cần phải tiếp tục cân nhắc.

Miễn thi tốt nghiệp 20% dễ phát sinh tiêu cực

Phương án 1 vẫn là phương án thích hợp trong thời điểm hiện nay. Trong khi có ý kiến lo lắng việc giảm môn thi tốt nghiệp THPT xuống 4 môn sẽ dẫn đến tình trạng học lệch, thí sinh chỉ tập trung vào học những môn thi thì cũng có không ít ý kiến lại cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vấn đề này trong phương án thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT đề xuất cũng đã được xử lý một cách khoa học bằng cách đánh giá điểm thi và điểm xét tốt nghiệp trên cơ sở kết quả học tập và kết quả thi tôt nghiệp (tỷ lệ 50%). Sử dụng cách đánh giá này có thể khắc phục được việc học lệch của thí sinh. Thí sinh muốn tốt nghiệp hoặc có kết quả tốt nghiệp cao thì phải phấn đấu học tập đều tất cả các môn trong quá trình học. Vấn đề này càng có ý nghĩa khi các trường đại học có thể sử dụng điểm tốt nghiệp THPT để xét tuyển hoặc sơ tuyển vào đại học.

Trong phương án thi tốt nghiệp THPT có đưa ra tiêu chí miễn thi cho 20% số thí sinh với mục tiêu tiết kiệm cho cả thí sinh và việc tổ chức thi. Tuy nhiên, vấn đề này lại phát sinh hệ lụy là phức tạp trong khâu xét duyệt và rất dễ phát sinh tiêu cực. Mặt khác, việc tham gia kỳ thi tốt nghiệp cũng là cơ hội cần thiết để thí sinh tập dượt cả về tâm lý và kinh nghiệm làm bài cho các đợt thi tuyển vào đại học, cao đẳng. Chúng tôi đề nghị nên bỏ nội dung này.

Cần tiếp tục nghiên cứu đưa ra phương án thi ổn định

Trong thời gian cận kề, việc quyết định phương án thi tốt nghiệp THPT là việc cần phải làm. Tuy nhiên, về lâu dài Bộ GD-ĐT cần phải tiếp tục nghiên cứu để đưa ra một phương án thi với tính chất ổn định hơn. Phương án thi tốt nghiệp cần đạt các mục tiêu đáp ứng được yêu cầu đánh giá của kỳ thi tốt nghiệp, phù hợp với điều kiện học tập tại các vùng miền có điều kiện dạy và học khác nhau. Kết quả thi tốt nghiệp cùng với kết quả học tập tạo được sự kết nối với công tác tuyến sinh đại học, cao đẳng, phù hợp với tiến trình đổi mới công tác tuyển sinh hiện nay và giảm bớt áp lực thi cử cho thí sinh.Trên tinh thần đó chúng tôi kiến nghị phương án thi như sau:

1. Việc tổ chức thi tốt nghiệp hàng năm nên để cho các địa phương tự tổ chức, vì đây là một công việc đánh giá bình thường quá trình học tập cấp THPT của học sinh. Việc tổ chức như vậy sẽ phù hợp với trình độ học tập cũng như điều kiện dạy và học ở địa phương. Bộ GD-ĐT đưa ra yêu cầu chất lượng tối thiểu. Cách tổ chức như vậy còn tạọ động lực cho các địa phương không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học ở địa phương mình.

2. Việc tổ chức thi tốt nghiệp theo phương án 1 hay 2, và môn ngoại ngữ là bắt buộc, tự chọn hay khuyến khích là do các địa phương tự quyết định cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của địa phương.

3. Điểm xét tốt nghiệp và phân loại tốt nghiệp (kể cả các điểm khuyến khích) cần được đánh giá thông qua kết quả học tập của cả 3 năm học và kết quả thi tốt nghiệp. Đây là cách đánh giá theo quá trình mà nhiều nước áp dụng, ngay bậc đại học ở nước ta cách đánh giá này cũng đã được đưa vào quy chế. Theo cách đánh giá này bắt buộc thí sinh phải học đồng đều các môn và hạn chế học lệch. Tỷ trọng thành phần tính trong kết quả đánh giá điểm và xét tốt nghiệp cần được nghiên cứu thêm, nhưng có thể xem xét tỷ lệ: Kết quả học tập trung bình lớp 10 và 11 lấy hệ số 1, kết quả học tập lớp 12 hệ số 2 và kết quả thi tốt nghiệp hệ số 3 hoặc 4. Điểm xét và xếp loại tốt nghiệp là trung bình của tất cả các điểm thành phần theo hệ số và đưa điểm khuyến khích vào kết quả này theo hệ số thích hợp.

4. Theo cách đánh giá này cần đưa ra rào cản tốt thiểu, đó là thí sinh có điểm tổng kết trung bình lớp 12 hay điểm thi tốt nghiệp dưới điểm trung bình đều không được xét tốt nghiệp.

5. Với cách tính điểm tốt nghiệp như vậy đã phản ánh khách quan quá trình học tập của học sinh và là cơ sở tốt cho việc xét tuyển hay sơ tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

PGS.TS. Lê Trọng Thắng
Trường Đại học Mỏ - Địa chất