Thí sinh lớp 10 Hà Nội hớn hở với đề Văn

(Dân trí) - Không kém sức nóng của kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH là bao, kỳ thi vào lớp 10 cũng khiến nhiều thí sinh và phụ huynh mất ăn mất ngủ. Dù đề Văn sáng nay được đánh giá khá dễ, nhưng tỷ lệ “chọi” vào các trường cao, nên không khí “căng” lắm.

Thí sinh lớp 10 Hà Nội hớn hở với đề Văn - 1

Thí sinh Hà Nội chuẩn bị vào phòng thi
 
Khóc vì quên phiếu báo dự thi

Mặc dù được nhắc nhở rất kỹ chuyện giấy tờ, nhưng nhiều em vẫn quên. Tại trường THPT Lê Quý Đôn (quận Hà Đông), đã đến giờ vào phòng thi mà nhiều em còn hớt hải chạy ra chạy vào cổng trường thi để chờ người nhà mang phiếu báo dự thi.

Đặng Thị Quỳnh Anh nước mắt vòng quanh, ngóng bố ngoài cổng trường chờ mang phiếu báo dự thi. Ông bố hớt hải phóng xe đến nhưng do vội quá lại nhầm giấy báo. Trống đã điểm vào phòng thi, Quỳnh Anh khóc nấc thành tiếng sợ không được vào thi.

Ông Đặng Ngọc Mẫn, Chủ tịch Hội đồng thi trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: “Hội đồng thi đã làm bản cam kết cho em Quỳnh Anh vào phòng thi nhưng để yên tâm, tôi xuống tận phòng thi để xem mặt, yêu cầu chiều nay em Quỳnh Anh phải mang phiếu báo dự thi đến nếu không chúng tôi sẽ lập biên bản bài thi”.
 
Thí sinh lớp 10 Hà Nội hớn hở với đề Văn - 2
Quỳnh Anh khóc nức nở vì quên phiếu báo dự thi

Được biết, tại Hội đồng thi này có 780 em dự thi, chỉ tiêu là 745, có 3 em bỏ thi không lý do. Giám thị tại Hội đồng thi là giáo viên ở trường THPT Chương Mỹ B và trường THCS huyện Chương Mỹ.

Tuy nhiên, theo ông Mẫn thì tưởng tỷ lệ chọi như vậy là thấp nhưng không dễ đậu, vì hàng năm, thí sinh thi vào trường THPT chuyên Nguyễn Huệ đăng ký NV2 vào trường này rất nhiều.

Còn Hội đồng trường THPT Trần Hưng Đạo có 750 thí sinh đăng ký dự thi với  chỉ tiêu là 675, buổi thi môn Văn sáng nay có 6 em bỏ thi không lý do. Giám thị coi thi ở Hội đồng này là  THPT Đống Đa, THPT Đào Duy Từ, THCS Thanh Trì và Yên Sở.

Theo thông tin từ các Hội đồng thi thì nhiều thí sinh quên phiếu báo dự thi, do các em chưa có chứng minh thư nên phải viết giấy cam đoan, yêu cầu chiều mang tới.

Đề Văn dễ nhưng phụ huynh vẫn lo

Tại cổng Hội đồng thi vào trường THPT Trần Nhân Tông, địa điểm tại trường THCS Tô Hoàng, nhiều phụ huynh đứng tràn ra đường không quản trời nóng gắt chờ con thi.

Phụ huynh Nguyễn Văn Việt, cho biết: “Để tránh tắc đường, 2 bố con đi từ lúc 6h sáng (mặc dù 7h30 thí sinh mới vào phòng thi, trong khi đó điểm thi cách nhà có 5km) để yên tâm vì kỳ thi này rất lo, nếu con không đỗ lại phải học dân lập”.

Còn phụ huynh Đặng Trần Cơ, có con thi vào trường THPT Trần Hưng Đạo, Thanh Xuân thì cho biết: “Cho con thi vào trường này là gia đình đã tính kỹ vì thứ nhất gần nhà, thứ hai là đảm bảo chất lượng để có thể đỗ đại học nữa, nên không lo không được”.

Tan thi môn Văn sáng nay, hầu hết thí sinh đánh giá là không quá khó và không nằm ngoài chương trình đã được ôn tập.

Em Nguyễn Thị Tú, Hội đồng thi trường THPT Trần Nhân Tông cho biết: Đề văn rất dễ, với 2 tác phẩm là “Lặng lẽ Sa Pa” và “Mùa xuân nho nhỏ” đều là những tác phẩm bọn em được ôn tập nhiều nên không khó. Em trúng tủ câu là “Lặng lẽ Sa Pa”.

Còn Đặng Tuấn Anh, Hội đồng thi Trần Hưng Đạo nhận xét, đề dễ quá, em làm được hết, còn thừa thời gian. Hy vọng em được điểm cao.
 
Thí sinh lớp 10 Hà Nội hớn hở với đề Văn - 3
Hớn hở khoe bố khi làm được bài
 
Thấy nhiều thí sinh hớn hở với đề thi môn Văn dễ, nhiều phụ huynh cũng mừng quýnh lên. Cứ nghe con nói làm được bài là yên tâm rồi - một phụ huynh tại Hội đồng thi THPT Trần Hưng đạo vui vẻ cho biết. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại thở dài. Phụ huynh Phan Đăng Trí cho rằng: “Nghe thế thôi nhưng phải có kết quả mới yên tâm, học sinh nào ra khỏi phòng thi chẳng nói làm được bài”.
 
Ở hầu hết các Hội đồng thi, với sự phân công giám thị chéo giữa các trường, các phòng thi đều diễn ra nghiêm túc. Phục vụ cho kỳ thi này có hơn 8.000 giám thị, trong đó 50% là giáo viên THCS, còn lại là giáo viên THPT, không phải là giáo viên dạy hai môn Văn, Toán.

Đề thi tuy không quá khó, nhưng đây vẫn là một kỳ thi được đánh giá là căng thẳng và khá gay gắt khi các trường THPT công lập chỉ tuyển có hơn 61.000 chỉ tiêu chiếm khoảng hơn 60% số thí sinh ĐKDT. Số còn lại chắc chắn sẽ vào các trường ngoài công lập và GDTX.
 
Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội, trong buổi thi môn Văn sáng nay không có thí sinh và giám thị nào vi phạm quy chế.
 
Chiều nay, thí sinh tiếp tục dự thi môn Toán
 

Đề thi tuyển sinh môn Ngữ Văn lớp 10 THPT năm học 2009 -2010

(Thời gian 120 phút)

Phần 1 (4 điểm):

Cho đoạn văn sau:

(...) "Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ não vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung" (...)

                                    (Lặng lẽ Sa Pa - Nguyễn Thành Long - Sách Ngữ văn 9, tập 1)

1. Đoạn văn trên là lời của nhân vật nào, được nói ra trong hoàn cảnh nào? Những lời tâm sự đó giúp em hiểu gì về hoàn cảnh sống và làm việc của nhân vật? Ngoài khó khăn được nói đến trong đoạn trích trên, hoàn cảnh sống và làm việc của nhân vật còn có điều gì đặc biệt?

2. Bằng hiểu biết của em về tác phẩm, hãy cho biết: trong hoàn cảnh ấy, điều gì đã giúp nhân vật trên sống yêu đời và hoàn thành tốt nhiệm vụ?

3. Chỉ ra một câu có sự dụng phép nhân hóa trong đoạn văn trên.

Phần 2 (6 điểm):

Hình ảnh mùa xuân được khắc họa thật đẹp trong đoạn thơ sau:

"Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng."

1. Đoạn thơ trên nằm trong tác phẩm nào, của ai? Nêu hoàn cảnh ra đời của tác phẩm ấy?

2. Dựa vào đoạn thơ trên, em hãy viết một đoạn văn khoảng 10-12 câu thơ theo cách lập luận tổng hợp - phân tích - tổng hợp, trong đó có sử dụng phép nối và một câu chứa thành phần tình thái với chủ đề: vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên và cảm xúc của nhà thơ trước vẻ đẹp ấy. (Gạch dưới thành phần tình thái và những từ ngữ dùng làm phép nối).

3. Cũng trong bài thơ trên có câu:

Mùa xuân người cầm súng

Lộc dắt đầy trên lưng

Trong câu thơ trên, từ lộc được hiểu như thế nào? Theo em, vì sao hình ảnh người cầm súng lại được tác giả miêu tả: Lộc giắt đầy trên lưng?

 
Một số hình ảnh buổi thi Văn sáng nay: 
 
Thí sinh lớp 10 Hà Nội hớn hở với đề Văn - 4
Thí sinh dự thi tại Hội đồng thi trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông
 
Thí sinh lớp 10 Hà Nội hớn hở với đề Văn - 5
Giám thị sân trường
 
Thí sinh lớp 10 Hà Nội hớn hở với đề Văn - 6
Giám thị hành lang
 
Thí sinh lớp 10 Hà Nội hớn hở với đề Văn - 7
Chờ con thi tại Hội đồng thi trường THPT Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân
Thí sinh lớp 10 Hà Nội hớn hở với đề Văn - 8
Công an phải dẹp đường tại cổng Hội đồng thi THCS Tô Hoàng
 
Thí sinh lớp 10 Hà Nội hớn hở với đề Văn - 9
"Con làm được hết!"
 
Thí sinh lớp 10 Hà Nội hớn hở với đề Văn - 10
Ngóng con... 
 
Hồng Hạnh