Thí sinh bất ngờ với đề Văn về “anh hùng trẻ tuổi” Nguyễn Văn Nam

(Dân trí) - Sáng nay, thí sinh hoàn thành môn thi đầu tiên Ngữ văn. Phần nghị luận xã hội nói về sự dũng cảm cứu 5 em nhỏ thoát khỏi dòng nước xiết của học sinh Nguyễn Văn Nam ở Nghệ An, những thí sinh không biết về câu chuyện này dễ bị lúng túng.

Đề thi bàn về tấm gương Nguyễn Văn Nam, thí sinh bất ngờ
Thí sinh cả nước vừa hoàn thành bài thi Văn. Chiều nay, thí sinh thi môn Hóa học với thời gian 60 phút. (Ảnh: Hà An).
 
Sáng ngày 2/6, trên 8.200 thí sinh của 32 Hội đồng thi của tỉnh Sóc Trăng đã bước vào buổi thi thứ nhất - môn Ngữ Văn. Nhận định chung của thí sinh khối THPT, đề thi năm nay dễ nhưng bất ngờ ở câu số 2 (3 điểm).
 
Em Nguyễn Ngọc Thanh Thanh, học sinh trường THPT Mỹ Xuyên cho biết: "Câu 1 không khó khi hỏi về thái độ của bà mẹ Hạ Du trong truyện ngắn "Thuốc" của nhà văn Lỗ Tấn khi ra thăm mộ con thấy vòng hoa trên mộ cũng như ý nghĩa của vòng hoa. Câu này nhiều bạn làm được. Đề câu tự luận cũng không khó khi tụi em được học khá kỹ, em chọn đề về nhân vật Mỵ trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài vì đề này dễ hơn đề 2. Nhưng câu số 2 thì bất ngờ với nhiều bạn. Em làm câu này không mấy tự tin".
 
Tương tự Thanh Thanh, nhiều học sinh khác của trường THPT Mỹ Xuyên cho biết: "Tụi em chủ yếu ôn về dạng tư tưởng đạo lý theo câu danh ngôn hoặc hiện tượng đời sống có tính chất thời sự, ít ai nghĩ đề thi lại ra dạng như vậy. Hơn nữa, nhiều bạn không biết gì về câu chuyện bạn Nguyễn Văn Nam được nêu trong đề nên không làm tốt câu này".

Em Hồ Thanh Nhã, học sinh Trường THPT Hoàng Diệu (TP Sóc Trăng) nhận xét: "Đề thi năm nay không khó, câu số 2 chỉ cần hiểu về lòng dũng cảm là làm được bài. Theo em, do một số bạn không hiểu hết yêu cầu của câu hỏi là viết bài văn về lòng dũng cảm thông qua câu chuyện của bạn Nguyễn Văn Nam nên lúng túng vì không biết chuyện bạn Nguyễn Văn Nam đã làm gì vì vậy mới thấy câu hỏi này khó".

Ở đề thi hệ Giáo dục thường xuyên cũng được nhiều thí sinh nhận xét không khó, thậm chí dễ hơn đề thi ở hệ THPT

Thời tiết trong buổi thi thứ nhất ở Sóc Trăng rất đẹp. Tính hình thi diễn ra ổn định, an toàn.  
 
Đề thi môn Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013:
 
Tiếp tục cập nhật...
Ghi nhận của PV
 
 
Ghi nhận của PV Dân trí tại các hội đồng coi thi ở Nghệ An, thí sinh kết thúc môn Văn sáng nay khá sớm. Nhiều em cho biết, đề thi năm nay tương đối “dễ thở” và bám sát với chương trình.
 
Thí sinh dự thi tại trường THPT Anh Sơn I tự tin rời phòng thi môn Văn (Ảnh: Doãn Hòa)
Thí sinh dự thi tại trường THPT Anh Sơn I tự tin rời phòng thi môn Văn. (Ảnh: Doãn Hòa).

Tại hội đồng coi thi trường THPT Anh Sơn I (Nghệ An), sau khi tiếng trống báo hết 2/3 thời gian làm bài thi một số thí sinh đã ra hoàn thành bài thi và ra sớm. Em Nguyễn Trọng Khánh - thí sinh ra sớm nhất tại hội đồng thi này, cho biết: “Đề thi có 3 câu, trong đó có một câu nghị luận xã hội hỏi cảm nhận về hành động dũng cảm hy sinh cứu 5 em nhỏ thoát khỏi đuối nước của bạn Nguyễn Văn Nam - học sinh Trường THPT Đô Lương I (Nghệ An). Đây là câu chuyện cảm động mà chúng em được nhà trường và thầy cô trò chuyện rất nhiều thời gian qua. Tấm gương của bạn Nam là hành động đẹp mà mỗi chúng em cần học tập và noi theo. Đề thi năm nay không khó và hoàn toàn nằm trong chương trình học, ôn luyện của chúng em. Em nghĩ mình được khoảng 7 điểm môn này”.

Cùng bạn trao đổi lại đề thi (Ảnh: Nguyễn Duy)
Cùng bạn trao đổi lại đề thi. (Ảnh: Nguyễn Duy).
 
Còn tại hội đồng coi thi Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP Vinh) nhiều thí sinh rời phòng thi với tâm lý thoải mái và tự tin với môn thi đầu tiên. Cùng bạn xem lại đề cương ôn tập, em Trần Thị Thành - phấn khởi: “Bài thi môn Văn em làm hết, các ý trong bài làm cũng giống như trong phần tụi em ôn tập. Trước khi thi em cũng hơi lo nhưng với đề này thì học sinh khá có thể kiếm được điểm khá trở lên”.
 
Thí sinh xem lại bài thi môn Văn (Ảnh: Ngọc Tú)
Thí sinh xem lại bài thi môn Văn. (Ảnh: Ngọc Tú).

Tại hội đồng thi trường THPT Nguyễn Viết Thuật (TP Vinh), sau khi kết thúc 150 phút làm bài môn Văn, đồng loạt tất cả các thí sinh đều đi ra với tâm trạng phấn khởi. Hầu hết thí sinh cho rằng đề thi năm nay tương đối dễ và phù hợp với thời gian làm bài thi của mình. Bên cạnh đó nhiều thí sinh vẫn còn tỏ ra tiếc nuối vì đề chủ yếu nằm trong phần ôn tập của thầy cô nhưng học chưa kỹ nên làm cũng không được điểm tuyệt đối. 

Thí sinh Nguyễn Thị Nga (lớp 12B1, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) chia sẻ: “Năm nay đề thi cũng không mấy khó nên em cũng làm được gần hết. Các bạn trong phòng thi của em hầu như ai cũng làm được. Đề thi chủ yếu là trong phần của các cô ở trường ôn tập rồi nên cũng không đánh đố học sinh".

Kết thúc môn thi đầu tiên, thời tiết bắt đầu oi bức nắng nóng nên các thí sinh, phụ huynh khá vất vả rời điểm thi để về nghỉ trưa chuẩn bị cho môn thi Hóa trong buổi chiều.
 
Kết thúc buổi thi môn Văn, môn thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, các thí sinh tại Đà Nẵng chia sẻ cảm nhận với đề thi thời sự  về tấm gương Nguyễn Văn Nam, học sinh ở Nghệ An đã dũng cảm cứu 5 em nhỏ khỏi đuối nước.
 
Tại điểm trường thi THPT Trần Phú (Đà Nẵng), các thí sinh rời trường thi với vẻ mặt tươi tỉnh dù thời tiết nắng gắt. Chia sẻ với PV Dân trí, em Tuấn Vũ, học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh, thi tại điểm trường THPT Trần Phú cho biết: “Đề Văn có 3 câu hỏi, em có đủ thời gian để làm bài. Em rất bất ngờ và thú vị với câu hỏi mở rất thời sự về tấm gương dũng cảm của bạn Nguyễn Văn Nam, bạn học sinh ở Nghệ An đã quên thân mình cứu 5 em nhỏ khỏi chết đuối. Tin tức này em đã đọc được trên báo chí, đề thi cũng dẫn lại thông tin rõ ràng để thí sinh nêu cảm nghĩ của riêng mình. Tin tức thời sự còn rất mới đã được đưa ngay vào đề thi tốt nghiệp nên em thấy rất hay”.
 
Các thí sinh đều tươi tỉnh, vui vẻ kết thúc buổi thi môn Văn. (Ảnh: Khánh Hiền)
Các thí sinh đều tươi tỉnh, vui vẻ kết thúc buổi thi môn Văn. (Ảnh: Khánh Hiền)
 
Các thí sinh vừa hoàn thành buổi thi môn đầu tiên tại Đà Nẵng. (Ảnh: Khánh Hiền)
Các thí sinh vừa hoàn thành buổi thi môn đầu tiên tại Đà Nẵng. (Ảnh: Khánh Hiền).
 
Điểm trường THPT Trần Phú cũng là điểm thi ghép của cả thí sinh ở khối THPT và bổ túc THPT, nói về đề thi môn Văn cho thí sinh ở khối bổ túc THPT, một thí sinh là học sinh của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q. Hải Châu thi tại điểm trường này cho biết: “Câu hỏi mở của đề thi môn Văn của tụi em là hỏi thí sinh cảm nghĩ về lòng bao dung. Riêng câu đề thi về Rừng xà nu, em làm bài thi rất thoải mái vì đề này bọn em đã gặp qua trong kỳ thi học kỳ 2 vừa rồi”.

10h sáng nay 2/6, thí sinh các tỉnh khu vực ĐBSCL hoàn thành môn thi đầu tiên Ngữ văn. Qua ghi nhận chung của PV Dân trí, các thí sinh cho biết, đề thi năm nay khá thoáng.

Nhiều em cũng tỏ ra bất ngờ trước câu mở là nói về hành động dũng cảm của em Nguyễn Văn Nam ở tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, theo các thí sinh, câu này cũng không khó vì sự dũng cảm thì các thí sinh đều hiểu được.

Thí sinh Cần Thơ khá vui sau khi thí xong môn Ngữ văn. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Thí sinh Cần Thơ khá vui sau khi thí xong môn Ngữ văn. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Em Lê Văn Kỳ (thi điểm trường THPT Phan Văn Trị) cho biết, em làm hết đề và kết quả chắc cũng được 60% trở lên. Theo em Kỳ, câu 1 ở phần lý thuyết dễ ăn điểm bởi hầu như đề ra trong phần ôn tập. Còn ở câu phân tích thể loại thơ, văn xuôi em cũng làm tốt khi chọn phân tích nhân vật Mỵ trong "Vợ chồng A Phủ".

Nhiều em thí sinh cũng cho hay, loại đề mở như ở câu 2 đã được các thầy cô ôn luyện khá kỹ nên các em cũng không quá khó khăn để làm. “Em thấy câu đề mở nói về sự dũng cảm cũng rất hay. Em cũng có biết qua câu chuyện của Nguyễn Văn Nam nên em làm tốt ở câu này”, một thí sinh Cần Thơ bày tỏ.

Kết thúc môn thi đầu tiên, thí sinh tại Hà Tĩnh ra về với tâm trạng khác nhau. Một thí sinh tại hội đồng thi THPT Thành Sen cho biết: "Đề thi năm nay khá khó, nhất là ở câu 2 với nội dung trích từ một bài báo về sự kiện xảy ra khá mới. Phải đến cuối giờ làm bài nhiều bạn thí sinh khác mới bắt tay vào làm câu này."

Trái với tâm lý này, nhiều thí sinh tại Trường Chuyên Hà Tĩnh và THPT Phan Đình Phùng tỏ ra khá thích thú với đề thi năm nay. Em Trần Thị Mai (Trường Chuyên Hà Tĩnh) phấn khởi chia sẻ: “Mấy ngày nay em đọc khá nhiều thông tin xung quanh vấn đề này nên vốn tư liệu thoải mái cho em. Bên cạnh đó dạng đề này kích thích khả năng tư duy của em rất nhiều".
 
Thí sinh Hà Tĩnh thảo luận sau buổi thi. (Ảnh: Phượng Vũ)
Thí sinh Hà Tĩnh thảo luận sau buổi thi. (Ảnh: Phượng Vũ).
 
Theo đánh giá của đông đảo thí sinh dự thi ở Hà Nội thì đề khá dễ, kiến thức bám sát chương trình và các câu hỏi “mềm”. Đối với câu hỏi nghị luận thì gắn liền với hình ảnh thực của cuộc sống nên cũng dễ dàng triển khai.
 
Những thí sinh ra sớm tung tăng tười cười rời phòng thi

Những thí sinh ra sớm tươi cười rời phòng thi.
Và những nụ cười rạng ngời vì đề thi dễ và cơ bản. (Ảnh: Nguyễn Hùng)
Những nụ cười rạng ngời sau buổi thi Văn. (Ảnh: Nguyễn Hùng)
 

Các thí sinh thi xong đều rất vui vẻ khi trao đổi với bạn bè hay khi gặp phụ huynh đón. Các em được hỏi đều nói rằng đề không khó, khá sát với chương trình cơ bản và chương trình ôn tập. Tất cả các em đều trả lời chắc chắn được trên 5 điểm.

Em Vũ Nguyên Hoàng - THPT Lê Quý Đôn vui vẻ trao đổi: “Em thấy đề năm nay khá dễ, em rất thích câu 2 vì đây là một hiện tượng rất sát với thực tế. Em làm bài tốt và chắc chắn không phải lo gì đến môn này nữa.”

Tuy nhiên, có một số học khối D lại cho rằng câu nghị luận của đề thi năm nay không tạo sự sáng tạo cho học sinh. Em Phương Dung - THPT Kim Liên nói rằng “Nhìn chung đề không khó nhưng em không thích câu 2 lắm vì khi làm học sinh chỉ được bàn về vấn đề theo một chiều. Theo em, có rất nhiều vấn đề khác đang nổi cộm mà có thể khiến học sinh được suy nghĩ hai chiều khi làm. Tuy thế nhưng em vẫn làm bài tốt và chắc chắn trên điểm môn thi này”.
 
Tươi cười sau buổi thi Văn. (Ảnh: Phương Hoài)
Tươi cười sau buổi thi Văn. (Ảnh: Phương Hoài)
 
Một điểm đáng ghi nhận ở Hà Nội vào sáng nay đó là nhiều Hội đồng thi hoàn toàn vắng bóng “phao thi”. Hiện tượng xả giấy nháp không con. Ngoài ra, lực lượng an ninh cũng đã phong tỏa các đối tượng phát tờ rơi tránh làm ảnh hưởng đến thí sinh và những hiểu nhầm đáng tiếc.

Kết thúc môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, tại các Hội đồng thi trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), theo ghi nhận của PV Dân trí, nhìn chung các thí sinh đều làm được bài, hoàn thành bài thi và ra khỏi phòng thi trước thời gian.

Tại hội đồng thi Trường THPT Hồng Đức, rất nhiều thí sinh đã nộp bài ra khỏi phòng thi sớm chỉ sau 2/3 thời gian. Bước ra khỏi hội đồng thi, nhiều thí sinh vẻ mặt phấn khởi cho biết đề Văn năm nay không khó, bám sát chương trình sách giáo khoa lớp 12.

Thí sinh bất ngờ với đề Văn về “anh hùng trẻ tuổi” Nguyễn Văn Nam
Thí sinh dự thi tại hội đồng thi Trường THPT Hồng Đức, TP Buôn Ma Thuột cho biết làm được bài nên ra về sớm (Ảnh: Viết Hảo).

Em Phan Thị Kim Phụng, dự thi tại hội đồng thi Trường THPT Hồng Đức, vui vẻ cho biết: “Em thấy đề Văn năm nay cũng không khó lắm! Em đã làm hết và làm tốt các câu trong đề thi. Trong phòng em có hơn 2/3 thí sinh đã làm được bài và nộp bài thi khá sớm”.

Cũng dự thi tại hội đồng thi Trường THPT Hồng Đức, em Trần Thị Mỹ Hiền cho biết: “Các bạn trong phòng em khi ra khỏi phòng ai nấy mặt mày rất phấn khởi, em nghĩ là các bạn làm được bài. Nói chung đề thi không đánh đố thí sinh và bám sát chương trình sách giáo khoa lớp 12”.

Thí sinh bất ngờ với đề Văn về “anh hùng trẻ tuổi” Nguyễn Văn Nam
Nhiều thí sinh vẻ mặt phấn khởi cho biết đề Văn năm nay không khó, bám sát chương trình sách giáo khoa lớp 12. (Ảnh: Viết Hảo).
 
Nhiều thí sinh dự thi tại các hội đồng thi trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột cho biết, trong đề Văn tốt nghiệp năm nay, câu khó nhất là câu nghị luận xã hội về lòng dũng cảm cứu người của một học sinh THPT. “Câu này theo em nghĩ là câu khó và dài nhất trong đề thi. Câu hỏi được tóm tắt là: Bày tỏ suy nghĩ về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam ở tỉnh Nghệ An. Với câu hỏi này, em cũng chỉ làm được tương đối”, em Đỗ Thị Thúy Ngân, dự thi tại Hội đồng thi Trường THPT Chu Văn An (TP. Buôn Ma Thuột), cho biết.
 
Tại Quảng Nam, hầu hết các thí sinh thi tốt nghiệp tại trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (huyện Điện Bàn) đều cho biết đề thi Ngữ văn khá "dễ thở". Thí sinh Lê Đức Minh (lớp 12T10) ra về sớm dù thời gian làm bài còn gần 30 phút. Em cho biết, đề văn tương đối dễ đối với sức học của mình. Đối với câu 2 có hơi bất ngờ đối với các thí sinh nhưng em Đức Minh cho rằng câu này đòi hỏi phải có một chút kiến thức xã hội thì làm suông sẻ.

Còn thí sinh Nguyễn Hữu Công (lớp 12T3) cũng cho biết đề Văn cũng dễ làm, cầu 2 rất thú vị về tấm gương dũng cảm cứu người của một bạn học sinh. Tuy nhiên, đây là vấn đề ngoài sách vở nên phải tư duy một chút là làm được. Riêng đối với Công thì bài làm tốt, hy vọng sẽ được điểm khá đối với môn Văn.

Thí sinh bất ngờ với đề Văn về “anh hùng trẻ tuổi” Nguyễn Văn Nam
Các thí sinh làm bài sớm và ra về tại trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (huyện Điện Bàn, Quảng Nam). (Ảnh C. Bính).

Cùng với thí sinh cả nước, sáng hôm nay hơn 10.000 thí sinh của tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành môn thi đầu tiên là môn Ngữ văn.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, nhiều em rời phòng thi với gương mặt phấn khởi vì học trúng tủ. Em Nguyễn Thị Tám, học sinh lớp 12B9, Trường THTP Chu Văn An (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) vui vẻ cho biết: “Em học trúng tủ tác phẩm Vợ chồng A Phủ nên rất vui ạ. Hy vọng được khoảng 8 điểm. Các bạn trong phòng đều làm được bài và hoàn thành xong trước giờ quy định.”

Em Hồ Ngọc Đức (lớp 12B7, Trường THPT Chu Văn An) cho hay, em trúng tủ luôn đoạn thơ trong bài Đất nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm. Câu chuyện của bạn Nguyễn Văn Nam thì em có xem thông tin nhiều nên cũng có cảm xúc để viết. Em hy vọng mình được khoảng 7 điểm.

(Ảnh: Diệu Ái)
Thí sinh Quảng Trị vui vẻ sau buổi thi Văn. (Ảnh: Diệu Ái).
 
Về đề thi Văn bàn về tấm gương Nguyễn Văn Nam, đa số các em học sinh đều nắm thông tin nên không quá lúng túng. Em Trịnh Đình Thịnh (học sinh lớp 12B7, Trường THPT Chu Văn An) vui vẻ chia sẻ: “Tuy không xem thông tin về bạn Nguyễn Văn Nam trên phương tiện truyền thông nhưng em đã được cô giáo chủ nhiệm chia sẻ, ca ngợi và nêu gương của bạn Nam nên không mấy bất ngờ về đề thi này.” Em Thịnh còn cho biết, trong quá trình giảng dạy, cô giáo cũng đã hướng dẫn cách làm bài văn nghị luận xã hội rất nhiều nên em nghĩ mình làm khá tốt.
 
Theo các thí sinh tại các hội đồng thi trường THPT Lê Lợi, THPT Đông Hà, chuyên Lê Quý Đôn (TP Đông Hà, Quảng Trị) thì đề thi năm nay vừa sức, không quá khó, phù hợp kiến thức và nội dung đã được học.
 
Thí sinh Quảng Trị kết thúc buổi thi Văn. (Ảnh: Nguyễn Tuấn)
Thí sinh Quảng Trị kết thúc buổi thi Văn. (Ảnh: Nguyễn Tuấn).

Em Nguyễn Thị Khánh Ly, thí sinh thi tại hội đồng thi trường THPT Lê Lợi hồ hởi chia sẻ: Em làm xong đề Văn, rà soát kỹ câu chữ vẫn xong trước 15 phút. Theo em, đề Văn năm nay hay, đề năm nay có câu 3 phần tự chọn gồm một câu nâng cao và câu cơ bản. Em chọn làm câu cơ bản. Em làm được khoảng tầm 8 điểm.

Còn theo em Trần Minh Khánh, cũng thi tại hội đồng thi này, cho biết: Em học được khối A, khối C cũng bình thường. Đề thi môn Văn sáng nay không đánh đố học sinh, em thấy phù hợp với sức học của chúng em. Theo Khánh, chỉ cần ôn luyện kỹ càng, học lực trung bình là làm được. Em làm được khoảng 6 điểm.

Sau khi thi xong, các thí sinh nhanh chóng về nhà để tránh nắng nóng chuẩn bị tiếp cho môn thi buổi chiều nay. Thời tiết tỉnh Quảng Trị hôm nay nắng nóng, vì vậy cũng ảnh hưởng phần nào tâm lý học sinh.

Tại Quảng Bình, nhiều thí sinh nhìn nhận, đề thi môn Ngữ Văn sáng nay tương đối sát với chương trình học, nhiều em bước ra khỏi phòng thi với vẻ mặt hân hoan vì làm được bài. Dưới thời tiết nắng nóng đã phần nào gây bất lợi cho thí sinh. Nhưng hầu hết các thí sinh bước ra khỏi phòng thi với vẻ mặt hân hoan vì đã làm được bài. Kỳ thi diễn ra tương đối nghiêm túc, không có những dấu hiệu bất thường.
 
Thí sinh Quảng Bình trao đổi bài sau khi thi. (Ảnh: Đăng Đức).

Thí sinh Quảng Bình trao đổi bài sau khi thi. (Ảnh: Đăng Đức).
Tại Hội đồng thi trường THPT Đào Duy Từ, các thí sinh đều phấn khởi vì làm được bài.

Tại Hội đồng thi trường THPT Đào Duy Từ, các thí sinh phấn khởi vì làm được bài.
 
Vừa bước ra khỏi phòng thi với vẻ mặt rạng rỡ, thí sinh Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho biết: Bài thi sáng nay rất phù hợp với lực học của chúng em, đối với những học sinh trung bình cũng có thể làm được trên 50% bài thi. Đây là sự khởi đầu rất tốt để chúng em có tinh thần trong những buổi thi tới. Em hy vọng đề thi những buổi thi tiếp theo cũng sẽ không quá khó.
 
Các thí sinh thi tại Huế sáng nay đều cho rằng đề thi vừa tầm và có thể có điểm từ khá trở lên. Em Hồ Xuân Hiếu (Trung tâm GGTX TP Huế) nói: “Đề sát kiến thức 12. Câu 2 viết về 1 đoạn văn ngắn 400 chữ em làm hết dễ dàng. Em thấy không có phần khó và làm đủ thời gian”

Cùng chung cách suy nghĩ với Hiếu, thí sinh nữ Nguyễn Thị Diệu Khánh (THPT Hai Bà Trưng) cho biết, làm hết đề thi và dư giờ 15 phút. Em Khánh cho rằng đề tương đối dễ, phần nghị luận xã hội ở câu 2 dễ ăn điểm nhất và cũng dễ làm nhất.

Thí sinh bất ngờ với đề Văn về “anh hùng trẻ tuổi” Nguyễn Văn Nam
Các thí sinh thi ở hội đồng THPT chuyên Quốc Học tươi cười sau giờ làm bài môn Văn. (Ảnh: Đại Dương).
 
Tại Bình Định, kết thúc 150 bài thi môn Văn sáng nay, theo nhận định chung của các thí sinh đề thi không khó nhưng khó có điểm cao. Trong đó, đa phần các thí sinh tỏ ra lúng túng trước câu hỏi nghị luận xã hội về sự dũng cảm cứu 5 em nhỏ thoát khỏi dòng nước xiết của bạn Nguyễn Văn Nam.

 
Kết thúc môn Văn, thí sinh cười tươi. (ảnh Doãn Công)
Kết thúc môn Văn, thí sinh cười tươi. (ảnh Doãn Công)

Em Trịnh Trung Lâm, dự thi tại Hội đồng thi Trường THPT Trưng Vương chia sẻ: “Đề thi năm nay không phải là khó, riêng câu nghị luận xã hội về sự dũng cảm của bạn học sinh cứu 5 em nhỏ rất đáng để chúng em noi gương. Theo em bất cứ một điều gì cũng phải cần dũng cảm, sẵn sàng đối diện với khó khăn ngay cả phải hy sinh cả bản thân mình…”.

Những thí sinh ra sớm. (ảnh Doãn Công)
Những thí sinh ra sớm. (Ảnh: Doãn Công).
Tại Hội đồng thi trường Nguyễn Thái Học, kết thúc 150 phút, đa số các bạn thí sinh đều làm xong bài và ra về với tâm lý thoải mái. Tuy nhiên, các bạn cho rằng dù làm hết các câu nhưng môn Văn sẽ khó đạt điểm cao. Em Định Bảo Thảo, lớp 12 A2 Trường THPTDT Nội trú tỉnh, chia sẻ: “Em làm hết các câu nhưng riêng thơ thì không thuộc lắm nên phân tích lủng củng, chắc khó mà đạt điểm cao. Em nghĩ mình được khoảng 5 điểm”.
 
Đúng như tâm trạng thoải mái sáng nay, học sinh của các trường tại TPHCM kết thúc môn thi đầu tiên rất nhẹ nhàng, với nụ cười sảng khoái. Các em cho rằng đề Văn ở hệ THPT và GDTX đều vừa sức, trọng tâm trong kiến thức đã học.
 
Học sinh TPHCM kết thúc buổi thi môn Văn. (Ảnh Lê Phương)
Học sinh TPHCM kết thúc buổi thi môn Văn. (Ảnh Lê Phương)

Tại HĐT Trường THPT Marie Curie, đến tận 10g các thí sinh mới ra khỏi phòng thi. Các thí sinh cho biết đề vừa sức, nhiều bạn làm xong bài trước giờ quy định trước 30 phút nhưng không vội ra về sớm. Em Văn Thanh Trúc, học sinh lớp 12D4 Trường THPT Lê Quý Đôn nhận định đề dễ với những bạn học khá môn Văn, nhưng nếu các bạn học trung bình học kỹ bài vẫn làm được 6-7 điểm. Tương tự, em Nguyễn  Hoài Dung Tú, học sinh trường THPT Lê Quý Đôn cũng cho rằng đề năm nay “dễ thở” và đúng phần em được ôn tập kỹ.

Em Văn Thanh Trúc cũng cho biết em và nhiều bạn trong lớp rất thích phần đề nghị luận xã hội. “Phần đề này năm nay khá lạ với chúng em khi trích trực tiếp từ một bài báo. Cách đưa nhân vật dũng cảm vào  bài thi rất hay, chúng em vừa cảm phục bạn học sinh ấy và là tấm gương cho học sinh chúng em học hỏi”.

Tại HĐT Trường THPT Phú Nhuận, TPHCM hết 2/3 thời gian làm bài, rất nhiều học sinh đã kết thúc bài làm môn Văn và rời phòng thi. Tuy vậy, các em phải chờ vì hết thời gian thi chính thức, cổng trường mới mở.

Các em tỏ ra rất phấn khích vì đề thi không khó mà vẫn rất sinh động. (Ảnh: Hoài Nam)
Các em tỏ ra rất phấn khích vì đề thi không khó mà vẫn rất sinh động. (Ảnh: Hoài Nam).

“Đề nghị luận bày tỏ suy nghĩ về hành động tương đối lạ, thường chúng em chỉ học về nghị luận vấn đề hoặc câu nói nào đó. Em thấy đề này hay, sinh động về một câu chuyện có thực nên học trò có thể viết theo đúng cảm nghĩ của mình chứ không theo khuôn mẫu nào hết”, em Nguyễn Cửu Hương Giang, HS Trường THPT Phú Nhuận cho hay.

Hương cũng tự chấm cho mình môn Văn sẽ được khoảng 7 điểm và em hoàn toàn hài lòng với bài làm của mình.

Em Đỗ Hoàng Anh, HS Trường THPT Hàn Thuyên nhận xét đề Văn rất trọng tâm, không đánh đố học sinh. Hoàng Anh thích câu về phân tích tâm lý và hành động nhân vật Mỵ trong vợ chồng A Phủ của phần đề tự chọn do em ôn phần này rất kỹ.
 
Đặc biệt, nhiều học sinh tại điểm thi này tỏ ra hứng khởi khi trong phần đề tự chọn có phân tích đoạn thơ trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm. Đề thi này được các em xem là “trúng tủ”.

Sáng nay, với thời gian làm bài 150 phút trong khi đề Văn tương đối dễ nên đa phần thí sinh tại Đồng Nai kết thúc bài thi một cách nhẹ nhàng.

Thí sinh Phạm Thị Khánh Tuyền, lớp 12 C2, Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết: “Đề thi môn Văn năm nay tương đối dễ nên chỉ cần 100 phút em đã hoàn thành bài thi. Các bạn thi chung phòng ai cũng kết thúc bài thi sớm và rất vui khi làm được bài”.

Các thí sinh tại TP Biên Hòa, Đồng Nai vui mừng khi làm tốt bài thi môn Văn. (Ảnh Minh Hậu).
Các thí sinh tại TP Biên Hòa, Đồng Nai vui mừng khi làm tốt bài thi môn Văn. (Ảnh Minh Hậu).

Bạn Trương Minh Hiếu, Trường THPT Ngô Quyền, TP Biên Hòa hồ hởi cho biết: “Đề thi môn văn chỉ có 3 câu. Trong đó câu 1 là câu ngắn nhất, dễ nhất và có thể đạt điểm tuyệt đối. Đặc biệt ở câu 2, chúng em rất bất ngờ vì đề thi nói về lòng dũng cảm xả thân cứu người của bạn Nguyễn Văn Nam. Vì cảm kích trước việc làm của Nam nên em viết rất trôi chảy. Sau khi hoàn thành bài thi em vẫn còn nuối tiếc vì chưa diễn đạt hết cảm xúc của mình trong bài làm”. Câu còn lại thì thí sinh chỉ cần nắm vững nội dung tác phẩm là có thể làm bài tốt.

Bạn Hồ Thị Ngọc Anh, lớp 12 TC31, trường Cao đẳng nghề Đồng Nai cho biết: “Đề văn dễ nên em hoàn tất bài thi sớm. Một sự khởi đầu nhẹ nhàng khiến em có động lực ôn bài để hoàn thành những môn thi còn lại”.

 

Đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn: Mang tính thời sự, đậm chất nhân văn

 

Nhận xét về đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn cô giáo Đỗ Thị Thu Hằng giáo viên môn Văn trường THPT Đào Duy Từ - Hà Nội khẳng định: “Đề thi bám sát những vấn đề cơ bản, trọng tâm của chương trình ngữ văn 12; mang tính thời sự, đậm chất nhân văn. Học sinh học chắc kiến thức sẽ làm tốt đề thi môn văn”.

 

Nhận xét về từng câu trong đề về Câu 2,0 điểm: thuộc về phần văn học nước ngoài, theo cô Hằng, những năm gần đây câu 2,0 điểm trong đề thi tốt nghiệp đều yêu cầu học sinh phải có khả năng đọc - hiểu văn bản văn học thật sự; giải mã được những chi tiết – hình ảnh đặc sắc trong tác phẩm. 3 năm nay, câu 2,0 điểm đều đề cập đến những chi tiết thuộc phần kết của tác phẩm (Chiếc thuyền ngoài xa, Số phận con người, Thuốc). Truyện ngắn “Thuốc” của Lỗ Tấn có một cái kết hay, thú vị với hai hình ảnh biểu tượng đặc sắc: con quạ và vòng hoa. Trong quá trình giảng dạy chắc chắn giáo viên đã giảng kĩ phần này nên tôi tin học sinh sẽ làm tốt câu 2,0 điểm.

 

Với câu 3,0 điểm thuộc về dạng bài nghị luận xã hội mà học sinh rất bất ngờ, rất thích thú và xúc động, cô Hằng cho rằng: “Đối với học sinh nghị luận xã hội là dạng bài vừa dễ vừa khó. Dễ vì các em có thể trình bày những suy nghĩ riêng của chính bản thân. Khó vì không phải em nào cũng có thể nhìn nhận vấn đề một cách sâu sắc để viết đúng và hay. Câu Nghị luận xã hội trong đề thi tốt nghiệp năm nay đăng tải một thông tin cập nhật trên báo chí thời gian qua về hành động dũng cảm đáng khâm phục của học sinh Nguyễn Văn Nam - Nghệ An. Vấn đề này cũng được học sinh quan tâm và chia sẻ nhiều trên mạng nên các em sẽ có được bài viết chân thực, xúc động”.

 

Cô Hằng nhận định: “Cái hay của đề nghị luận xã hội là vừa mang tính thời sự vừa mang tính giáo dục, nhân văn. Những suy nghĩ về hành động dũng cảm của học sinh trong bài viết sẽ giúp các em trưởng thành trên con đường hoàn thiện nhân cách”.

 

Với câu 5,0 điểm, theo chương trình cơ bản, theo cô Hằng, yêu cầu của câu 3.a không khó về kiến thức và kĩ năng. Học sinh nắm chắc tác phẩm thì sẽ viết được câu này. Theo chương trình nâng cao, đoạn trích “Đất Nước” trong chương trình 12 hay và khó. Trích đoạn phân tích theo yêu cầu của đề giúp học sinh có cái nhìn sâu sắc về sự hình thành của đất nước; nâng cao nhận thức về trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam với đất nước. Đây cũng là điều quan trọng trong bối cảnh chính trị hiện nay.

Hồng Hạnh (ghi)

Nhóm PV