Thi cụm, chấm chéo tốt nghiệp: Lắm băn khoăn

(Dân trí) - Năm 2009, kì thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức thi theo cụm và chấm thi chéo. Với phương thức mới này, có thể sẽ kéo theo nhiều “nguy cơ” mới, trong khi đó tính hiệu quả vẫn còn chưa thể nắm bắt được.

Thi cụm, chấm chéo tốt nghiệp: Lắm băn khoăn - 1

Những sự thay đổi trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2009 "vô tình" làm lãng phí cho toàn xã hội?
 
Thi cụm: Gia tăng áp lực cho địa phương và thí sinh

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, để nâng cao chất lượng của kì thi tốt nghiệp THPT (bao gồm cả bổ túc THPT), tiến tới tổ chức một kì thi THPT quốc gia thì cần phải tổ chức thi tốt nghiệp theo cụm. Cụ thể, trên địa bàn mỗi tỉnh thành, tổ chức cho học sinh lớp 12 hoặc thí sinh tự do thi theo cụm trường. Mỗi cụm có ít nhất 3 trường THPT (hoặc 3 trung tâm giáo dục thường xuyên), tập trung về thành phố, thị xã, thị trấn nơi có điều kiện tốt hơn để tổ chức thi.

Giải pháp trên đạt được mục đích: dễ quản lý tập trung, cả về thí sinh lẫn giám thị cũng như thanh tra uỷ quyền của Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên, tại Hội nghị thi và tuyển sinh toàn quốc năm 2009 tổ chức hôm 17/1, đã có không ít đại biểu tỏ ra lo lắng về chủ trương này.

Theo ông Trần Văn Điền (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình), mặc dù Thái Bình là tỉnh đồng bằng nhưng việc xếp 3 trường THPT thành 1 cụm không phải là dễ. Ông Điền giải thích: “Những trường THPT trên cùng một địa bàn cũng cách nhau hàng chục cây số. Chưa kể, hội đồng coi thi có đảm bảo an toàn, cơ sở vật chất đủ cho học sinh ba trường gộp lại? Bên cạnh đó, với chủ trương số giám thị coi thi tốt nghiệp năm nay sẽ tăng cường cán bộ các trường ĐH nên số lượng người đến các Hội đồng thi sẽ tăng nên rất khó khăn trong việc lo chỗ ăn, chỗ ở…”

Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, việc thi theo cụm có ít nhất 3 trường THPT sẽ tạo nên một số lượng thí sinh dự thi ở một Hội đồng thi là khá lớn. Trong khi đó, để tìm được các cơ sở vật chất để đáp ứng được yêu cầu của Bộ GD-ĐT không phải là việc dễ dàng.

Ngoài ra, việc nhiều bậc phụ huynh đưa con đi thi tập trung lại một nơi sẽ tạo nên những hình ảnh “hỗn loạn” ngoài khu vực thi. Như vậy, chúng ta đã vô tình biến một kì thi tốt nghiệp THPT “nhẹ nhàng” thành một kì thi “áp lực” cùng với những sự lãng phí, tốn kém không cần thiết.

Chấm thi chéo: Còn đó những boăn khoăn

Theo định hướng của Bộ GD-ĐT, việc chấm thi sẽ thực hiện đổi chéo bài thi giữa các tỉnh lân cận để chấm. Với cách làm này, Bộ hi vọng kì thi sẽ được tổ chức công bằng hơn, phá vỡ tình trạng “thầy ta chấm bài trò mình”, giáo viên và học sinh sẽ phải cố gắng giảng dạy và học tập tốt hơn, sẽ nâng cao được chất lượng giáo dục.

Theo đánh giá của ông Huỳnh Công Minh (GĐ Sở GD-ĐT TPHCM), chấm chéo là việc làm mới. Tuy nhiên, đặc điểm mỗi nơi mỗi khác. Hội đồng chấm thi là hội đồng khép kín. Bây giờ mở rộng, đưa bài thi trên đường khó bảo mật.

Ông Minh cũng cho biết, hàng năm TPHCM đã điều động 100 hiệu trưởng riêng cho khâu kiểm bài. Với hình thức mới này thì các tỉnh sẽ đưa về TPHCM nhiều, còn bài của TPHCM đưa nhiều tỉnh chấm. Do đó rất khó để kiểm bài đồng bộ, làm phách. Ngoài ra, việc phúc khảo sau này cũng rất rắc rối. Ví dụ, phải giữ ở đơn vị chấm, người giải quyết là đơn vị gửi bài chấm…

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Nhị (GĐ Sở GD-ĐT Đồng Tháp) cho rằng, việc vận chuyển bài thi cần phải được tính toán cho kỹ vì năm 2008 còn có trường hợp vào tận phòng thi để cướp bài.

Ngoài ra, theo nhận định của một số thầy cô giáo, với cách chấm chéo giữa các tỉnh sẽ dễ hình thành những “con đường ngoại giao” nhằm giúp đỡ lẫn nhau để cùng đạt thành tích “báo cáo” lên cấp trên. Do đó, việc chấm thi chéo chưa thể đảm bảo được sự “khách quan” cần thiết.

Nguyễn Hùng