Thầy giáo trẻ mê dạy viết chữ

(Dân trí) - “Nhiều người nói tôi học ĐH ra mà lại đi dạy trẻ con viết chữ chắc là có vấn đề gì chăng. Nhưng với tôi, dạy viết chữ vừa là một đam mê vừa là niềm trăn trở mà tôi thực hiện để giúp mọi người trân trọng chữ quốc ngữ, biết viết chữ đẹp”.

Đó là tâm sự của anh Thái Văn Nguyên, 27 tuổi, chủ Trung tâm Luyện chữ đẹp Thành Huế được thành lập cách đây một năm ở đường Nguyễn Trãi, TP Huế.

 

Lớp học của những người yêu chữ đẹp

 

Kể về ý tưởng hình thành trung tâm, anh Nguyên cho bết: “Lúc còn nhỏ mình đã mê viết chữ đẹp rồi, lúc đi học đại học và đến cả bây giờ thấy chữ mình ngày càng ít người viết đẹp, không kể viết sai chính tả. Thế là tốt nghiệp ngành Sư phạm Quốc học, Trường đại học Sư phạm Huế được 2 năm mình quyết định mở trung tâm này”.

 

Trước đó Nguyên đã từng dạy học một năm tại Nha Trang, nhưng vì muốn gắn bó với đất Huế nên anh đã trở về quê hương dạy viết chữ.

 

Trung tâm của Nguyên mở ra được nhiều người đến học, phần lớn là các em học sinh cấp 1. Ngoài ra còn có nhiều học sinh cấp 2, cấp 3 và cả người đi làm cũng đến học luyện chữ. Hiện tại, trung tâm đang nhận dạy hơn 100 học viên, khoảng 20 trong số đó là giáo viên, công chức, còn lại là các em học sinh cấp 1, cấp 2.

 

Thầy giáo trẻ mê dạy viết chữ - 1
Anh Thái Văn Nguyên đang luyện chữ cho các em nhỏ trong một buổi học. (Ảnh: L.Đ.D)

 

Vừa nắn nót những nét chữ mà mình đã viết gần nửa đời người, cô Trương Thị Thu Hà, giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ, TP Huế, bộc bạch: “Trước, tôi cứ tưởng chữ đẹp hay xấu là trời ban cho mỗi người, nhưng rồi đi học ở đây mới biết để có nét chữ đẹp cũng cần khổ công rèn luyện nữa”.

 

Cô Hà học ở trung tâm đã được hơn 2 tuần, những nét chữ đã thẳng thắn, đều đặn và không còn sai nét nữa. “Mình làm giáo viên, ngoài những cái khác thì nét chữ cũng góp phần định hình một cô giáo mẫu mực, thế nên dù khó mình cũng cố gắng theo học”, cô Hà cho biết thêm.

 

Thầy giáo trẻ mê dạy viết chữ - 2
Cô Trương Thị Thu Hà say sưa với những nét chữ đẹp. (Ảnh: L.Đ.D)

 

Trong lớp học độc đáo này, anh Nguyên cùng những cộng sự khác vẫn ngày qua ngày tận tình chỉ dẫn những nét chữ cho các học viên. Có nhiều em nhỏ, chỉ cần 1-2 tháng là đã thạo nét chữ, viết rất đều tay.

 

Em Hồ Viết Đắc Huy, lớp 3/2, Trường tiểu học Trần Quốc Toản, TP Huế, phấn khởi khoe: “Bữa trước các bạn cứ chê chữ em xấu như mèo cào, nhờ được thầy Nguyên kèm viết, chữ em đẹp lên nhiều rồi”.

 

Tâm sự của người yêu chữ

 

Hiện trung tâm có 4 giáo viên là cử nhân ngành Sư phạm, kèm cặp hơn 100 học viên. Một học viên học 2 buổi/tuần, mỗi buổi khoảng một tiếng rưỡi, cứ 10 người học có 1 giáo viên chỉ dẫn. Với mức học phí trung bình 160 ngàn đồng/học viên/tháng, trừ tiền thuê địa điểm và các chi phí khác, tính ra mỗi giáo viên nhận được khoảng 1,5 đến 1,7 triệu đồng/tháng.

 

Thu nhập đó chỉ đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày, nhưng những con chữ đẹp của các em nhỏ đã làm các giáo viên quên đi mọi khó khăn.

“Nhiều người bảo thời này còn luyện chữ làm gì, cần thì vào máy tính gõ là xong. Nhưng tôi nghĩ việc rèn chữ không những để viết đẹp mà còn biết về chính tả, biết cách bỏ dấu, bỏ câu… điều mà giới trẻ ngày nay dễ mắc phải. Hiện tại chúng tôi đang áp dụng bộ chữ viết do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2002”, anh Thái Văn Nguyên cho biết.

 

Anh Nguyên cho biết: “Giờ trung tâm mới có 4 người trong đó có cả mình, việc thì nhiều mà lương thì thấp. Nhiều khi ngại cho các đồng nghiệp nhưng rồi ai cũng có một đam mê như mình cả, thấy cũng được chia vui”.

 

Tốt nghiệp ngành Tiểu học, ĐH Sư phạm Huế, bạn Đặng Thị Thùy Nhung về dạy tại trung tâm một năm nay. Nhung tâm sự: “Dù đồng lương ít nhưng được kèm cặp và chứng kiến mọi người thành công trong việc rèn chữ, mình thấy rất vui. Có nhiều bạn trẻ đã viết được chữ đẹp sau những buổi học cặm cụi, thế mới thấy được ý nghĩa của câu “nét chữ nết người””.

 

Còn với anh Nguyên, đã không ít lần ba mẹ và người thân khuyên anh nên chọn dạy ở một trường nào đó thay vì “đi dạy trẻ con viết chữ”. Nhưng với quyết tâm của mình anh đã thuyết phục được mọi người.

 

Nguyên cho hay: “Thấy nhiều em viết được chữ đẹp nên các phụ huynh giới thiệu nhau đến đây ngày càng đông. Hiện tại mình đang chuẩn bị mở trung tâm thứ hai ở đường Đống Đa (TP Huế), công việc nhiều nhưng ai cũng rất vui”.

 

Hoàng Dũng Nhân