Quảng Ngãi:

Thầy cô giáo góp gạo nuôi học sinh H’re

(Dân trí) - Với chặng đường đến trường qua sông không cầu, vượt núi chông gai gần 1 buổi, 13 học sinh người H’re ở thôn Gò Da được các thầy giáo, cô giáo Trường THCS Sơn Ba (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) góp nhặt nuôi các em ăn học tại trường trong nhiều năm qua.

Vừa trò chuyện với PV Dân trí về hoàn cảnh của 13 học sinh bán trú, thầy Trần Duy Hùng - Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Ba vừa chỉ về ngọn núi bên kia sông, cho biết: “Từ nhà đến trường học, các em phải đi bộ hơn 4 giờ đồng hồ, nếu vừa đi và về thì mất hơn 8 giờ đồng hồ thì không có thời gian để nghỉ ngơi hay ôn bài, ngày nào cũng đi như vậy, sức nào chịu cho thấu”. 

Với lòng nhiệt huyết của một nhà giáo trẻ, thầy Trần Duy Hùng quyết tâm nuôi dưỡng 13 học sinh bám trụ tại trường, trong đó có 8 em học lớp 7 và 5 em học lớp 8. Nguồn kinh phí nuôi các em được vận động bằng nhiều nguồn hỗ trợ của xã hội và từ đồng lương ít ỏi của giáo viên trong trường.

Học sinh bán trú chăm chỉ học tập.
Học sinh bán trú chăm chỉ học tập.

Tan giờ học buổi sáng trên lớp, em Đinh Thị Về - học sinh bán trú tranh thủ nhóm lửa nấu ăn và hướng dẫn các em lớp dưới học bài, tâm sự: “Nhà em ở tận trên đồi núi, khi chưa ở lại trường, em phải đi học từ lúc 2 giờ sáng mới kịp giờ học. Giờ thì em lên lớp rất gần, còn có nhiều thời gian học bài cũ, tìm hiểu nội dung bài mới và kết quả học tập có tiến bộ hơn”.

Học sinh bán trú chăm chỉ học tập.
Em Đinh Thị Về lớn nhất trong số 13 học sinh bán trú thuộc thôn Gò Da, ngoài giờ lên lớp, em còn là người chị đảm đang.

Các học sinh ở bán trú đa phần là con em cùng thôn Gò Da, có khi là bà con với nhau nên khi ở chung, em lớn đùm bọc và dạy bảo em nhỏ hơn. Đến mùa mưa lũ, đường đồi núi đầy bùn lầy, dòng nước sông Re chảy xiết nên các em không dám về nhà.

Tranh thủ nồi cơm đang chín, chị lớn kiểm tra bài cũ các em.
Tranh thủ nồi cơm đang chín, chị lớn kiểm tra bài cũ các em.

“Vừa dạy bảo các em, các thầy cô giáo ở trường vừa đóng vai trò là cha, mẹ và anh chị, được cái các em ngoan, hiền và lễ phép nên chúng tôi cũng vui lòng. Không chỉ vậy, nhà trường thường xuyên “đi xin” hỗ trợ ở khắp nơi, cầu mong các nhà hảo tâm hỗ trợ gạo ăn và thực phẩm là chúng tôi vui rồi. Những lúc hết lương thực, giáo viên cùng nhau góp tiền mua gạo, thức ăn cho các em bám trụ qua ngày, rồi lại tiếp tục chạy đi xin”, thầy Hùng tâm sự.

13 học sinh ở bán trú được nhà trường nuôi dưỡng suốt 2 năm qua, trong khi chưa được hưởng bất kỳ nguồn chính sách nào hỗ trợ học sinh bán trú theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư Liên tịch số 65 ngày 22/12/2011 giữa 3 Bộ (GD&ĐT, Tài chính và Kế hoạch&Đầu tư) và Quyết định 84/QĐ-UBND ngày 28/5/2012 của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Theo đó, ngoài nhà ở trong khu bán trú của nhà trường, học sinh được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh, ước tính mỗi học sinh trường THCS Sơn Ba được hỗ trợ 3.780.000 đồng/9 tháng

Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Ba cho biết: “Vừa rồi ngành giáo dục yêu cầu nhà trường tổng hợp danh sách học sinh bán trú, số tiền hỗ trợ. Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được gì cho các em theo Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ và 84 của UBND tỉnh”.

Trong khi chờ đợi chính sách đến với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như xã Sơn Ba, 21 thầy cô giáo ở Trường THCS Sơn Ba tiếp tục hành trình vận động các tấm lòng hảo tâm để giúp học sinh nuôi chữ giữa đại ngàn, nơi con sông Re chia đôi con chữ và đời sống người H’re.

Hồng Long

Dòng sự kiện: 30 năm Ngày Nhà giáo VN